Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 8 năm 2018 | 8:38

Nghệ An: Giá lợn tăng đột biến, bà con không tăng đàn

Giá lợn tăng chóng mặt, bà con cẩn trọng không tăng đàn; đẩy mạnh chăn nuôi lợn VietGap; đê ngăn mặm sạt lở, người nuôi tôm lo âu, là những tin tuần qua.

Giá lợn tăng chóng mặt, người dân không tăng đàn ồ ạt

Sau thời gian dài lao đao, người nuôi lợn bắt đầu có lãi. Từ tháng 3/2018 đến nay, giá lợn hơi bắt đầu tăng trở lại, hiện đã đạt mức 56.000 đồng/kg. Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tỉnh, để tránh lặp lại tình trạng lợn hơi rớt giá thê thảm như năm 2017, người dân không nên mở rộng đàn ồ ạt.

lon-na-9191.jpg

Thị lợn sạch được bán tại chợ VietGAP Diễn Thành, huyện Diễn Châu.

Theo đó, năm 2017, giá lợn hơi giảm mạnh do nguồn cung vượt quá xa so với cầu. Do đó, cùng với các biện pháp khuyến cáo và tuyên truyền của các cơ quan chức năng, người chăn nuôi trên địa bàn cả nước đã điều chỉnh quy mô nuôi, không mở rộng đàn ồ ạt, thậm chí đã giảm đàn để phù hợp nhu cầu tiêu thụ, cân đối cung - cầu trong.

 Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, giá lợn hơi đã trở về mức phù hợp, giúp người chăn nuôi có lãi. Hiện, Cục Chăn nuôi đang tiến hành khảo sát trên địa bàn cả nước để dự báo nhu cầu thị trường, đưa ra biện pháp điều tiết ngành chăn nuôi lợn thời gian tới.

 Được biết, toàn tỉnh Nghệ An hiện có gần 890.000 con lợn. Thời điểm lợn hơi ế thừa năm 2017, đàn lợn cũng chỉ ở mức 915.000 con, việc người chăn nuôi Nghệ An lao đao do nguồn cung ở trong nước quá dư thừa, lợn từ các địa phương khác đổ về tỉnh  quá nhiều.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng khuyến cáo, nên giữ quy mô đàn trong quy hoạch của tỉnh, để góp phần bình ổn giá thị trường cũng như tăng giá trị sản xuất cho người chăn nuôi, hiện Nghệ An đang tập trung vào hai việc chính, đó là tăng trọng lượng con và  chất lượng thịt.

Để tăng trọng lượng con, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thay đổi cơ cấu giống để có những giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt, bằng cách nhập lợn đực giống, lợn nái giống ngoại về lai tạo trong nước.

Năm 2018, Nghệ An có quyết định hỗ trợ những hộ nuôi từ 50 con lợn nái ngoại trở lên, năm 2017, đã hỗ trợ hoàn toàn tinh lợn phối giống lợn ngoại. Các trang trại chăn nuôi tập trung được hỗ trợ lợn nái, lợn đực giống, chăn nuôi nhỏ lẻ được hỗ trợ tinh lợn ngoại.

Năm 2017, toàn tỉnh phối được trên 50.000 liều tinh lợn ngoại, từ đầu năm 2018 đến nay phối được trên 30.000 liều tinh; nhiều trang trại và các hệ thống cung cấp giống được hỗ trợ nhập lợn đực ngoại từ Pháp, Đan Mạch… Tỷ lệ lợn lai trên địa bàn toàn tỉnh hiện đạt trên 90%.

Để nâng cao chất lượng thịt, Nghệ An đã có chính sách áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi gồm: ứng dụng các công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn, để nâng cao tỷ lệ tiêu hóa, khả năng hấp thu cho lợn.

Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; áp dụng công nghệ cao tự động hóa trong chăn nuôi.

Cùng đó, khuyến cáo người chăn nuôi hiện tại không tăng đàn ồ ạt, tiếp tục phát triển chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi sạch, xử lý tốt môi trường chăn nuôi để có sản phẩm ngon, sạch, đảm bảo an toàn VSTP.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh sản xuất VietGAP vào chăn nuôi lợn

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào chăn nuôi lợn; những năm gần đây, sản phẩm của nhiều nông hộ, trang trại, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP ngày càng nhiều.

Tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người chăn nuôi.

 

vp-v-gap-9911.jpg

 Mô hình chăn nuôi và cung cấp thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Phát Đạt  (Phúc Yên), cho hiệu quả kinh tế cao.

 Anh Cù Xuân Thành, phường Đồng Xuân, T.p Phúc Yên chia sẻ: Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình được xây dựng năm 2015, với quy mô gần 1.000 con/lứa. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, chưa áp dụng đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt đầu con cao, tốc độ tăng trưởng chậm, dẫn đến hiệu quả thấp.

Năm 2017, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, anh Thành bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi lợn. Khi mới áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, anh Thành và những lao động trong trang trại cảm thấy có sự gò bó, bởi, phải thay đổi từ cách chăn nuôi truyền thống sang những quy trình rất nghiêm ngặt như: Tiêm vắc xin cho vật nuôi; khử trùng tiêu độc chuồng trại; đánh số theo dõi từng ô chuồng, từng lô lợn; nhập, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng phải được ghi sổ nhật ký từng ngày.

Sau một thời gian áp dụng quy trình VietGAP, trang trại có sự thay đổi tích cực so với cách nuôi theo phương thức cũ. Các khu chăn nuôi, khu chứa vật tư, khu thu gom chất thải được bố trí khoa học, ngăn nắp, việc quản lý và người lao động dần quen với tác phong làm việc công nghiệp.

Sau một thời gian triển khai quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào chăn nuôi, tháng 10/2017, trang trại của anh  đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nói về lợi ích chăn nuôi lợn theo chuẩn VietGAP, anh Thành cho biết: "Nhờ ghi chép sổ sách từng ngày, nên đã theo dõi và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý rất hiệu quả. Hơn một năm qua, trang trại không xảy ra dịch bệnh, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, từ đó, nâng cao lợi nhuận cho gia đình.

Cũng nhờ được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên có nhiều công ty chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh đến liên hệ thu mua lợn thịt, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm".

Trước đó, năm 2016, gia đình ông Hoàng Văn Viện, thôn Cao Quang, xã Cao Minh, T.p Phúc Yên cũng đã áp dụng quy trình chăn nuôi lợn theo chuẩn VietGAP.

Ông Viện cho biết: Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất VietGap của ông, diễn ra khá thuận lợi. Ngay sau khi đăng ký, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cử cán bộ xuống trang trại tư vấn chi tiết, và hướng dẫn cụ thể.  

Vì vậy, năm 2017, mặc dù nhiều hộ chăn nuôi lợn gặp khó khăn, thua lỗ do giá lợn xuống thấp, nhưng trang trại của ông vẫn duy trì ổn định với quy mô 250 lợn nái, gần 7.000 lợn thịt/năm.

Để duy trì và mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Viện hợp đồng liên kết với cơ sở giết mổ công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát Đạt (Phúc Yên) để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Từ thực tế 2 mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào chăn nuôi lợn tại Phúc Yên, cho thấy, việc chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại rất nhiều lợi ích.

Đối với người sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; sản phẩm lưu thông thuận lợi trên thị trường, đặc biệt là tại các siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi...

Đối với người tiêu dùng, được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với xã hội: giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; đáp ứng quy định của nhà nước về quản lý chất lượng thực phẩm.

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng quy mô chăn nuôi lợn theo chuẩn VietGAP, năm 2016, Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định về chương trình hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đang tiến hành hỗ trợ sản xuất VietGAP cho 62 cơ sở chăn nuôi lợn trên toàn tỉnh. Trong đó, có 33 cơ sở đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; 29 cơ sở đang trong quá trình đánh giá; dự kiến sẽ được chứng nhận trong năm 2018. Đây là yếu tố quan trọng để ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định, bền vững, trở thành ngành hàng chủ lực của tỉnh nhà.

 Quỳnh lưu: Đê ngăn mặn sạt lở, người nuôi tôm thấp thỏm

tom-na-1991.jpg

 

Nhiều đoạn trọng yếu đê chắn sóng biển Mai Giang bị sạt lở nghiêm trọng.

Những năm gần đây, đê ngăn mặn của sông Mai Giang đoạn qua xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bị sạt lở nhiều nơi khiến hàng trăm hộ nuôi tôm trong cảnh thấp thỏm, lo âu.

 Thời điểm này tôm vụ 2 bắt đầu sinh trưởng, nếu đê không được gia cố kịp thời có thể dẫn đến tình trạng ngập mặn sau các đợt mưa lũ.

Có hơn 1ha nuôi tôm giáp sông Mai Giang, ông Hồ Đình Tài, xã Quỳnh Bảng, vụ này thả hơn 90 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên tôm phát triển tốt, chỉ còn chờ hơn 1 tháng nữa là có thể thu hoạch.

Vậy nhưng, ông Tài không khỏi thấp thỏm lo âu, khi mùa mưa lũ đã đến, đê chắn sóng biển của sông Mai Giang đang ở tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nếu mưa lớn  kết hợp với nước lên thì diện tích nuôi tôm của ông và nhiều hộ lân cận có thể bị nước mặn tràn vào, gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Chỉ vào đoạn sạt lở dài hơn 20m tại đê Mai Giang, ông Tài cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ đê của sông đã diễn ra từ nhiều năm qua khiến nhiều hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ngay sát đê rất lo lắng. Chỉ cần nước tràn vào thì bao nhiêu tôm cá trong hồ sẽ bị cuốn hết”.

“Không chỉ vậy, nước lũ dâng kéo theo rác thải, chất bẩn và mầm bệnh ngấm sâu vào đất khiến cho vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Mà giống tôm thẻ chân trắng rất dễ nhiễm bệnh nên nhiều hộ phải chịu cảnh tôm giống chết yểu khi vừa mới thả”.

Mỗi năm, khi mùa mưa lũ đến, nước sông dâng cao càng khiến bờ đê bị sạt lở thêm. Chưa kể, cống ngăn nước biển cách các đoạn sạt lở vài chục mét cũng bị hỏng mấy năm nay. Vậy nên, sự điều tiết nước khi mưa lớn và thủy triều dâng không mang lại hiệu quả.

Trước tình hình đó, chính quyền xã và người dân phải tự tu sửa lại  bằng cách đóng cọc và chèn bao tải cát. Nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn,  đâu lại vào đấy.

Đề cập vấn đề trên, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết: "Chiều dài sông Mai Giang qua xã Quỳnh Bảng dài gần 3,2 km nằm trong khu vực nuôi tôm công nghiệp. Sau trận bão năm 2017, nhiều đoạn đê bị sạt lở, trong đó có 3 điểm ách yếu đi qua địa bàn 3 xóm Học Văn, Mai Giang 1 và Mai Giang 2.

Ngoài các điểm sạt lở, tuyến đê ngăn sóng còn có nhiều điểm tràn với chiều dài lên đến 1.000m.

Nếu mưa lớn kéo dài kết hợp thủy triều lên có thể gây ngập lụt 180ha bao gồm 100ha diện tích nuôi tôm và 80ha vùng cư dân sinh sống".

Được biết, để khắc phục tình trạng trên, Nghệ An đã trích nguồn ngân sách 100 triệu đồng hỗ trợ huyện và xã tiến hành khắc phục sạt lở tại 3 điểm ách yếu của tuyến đê Mai Giang đi qua xã Quỳnh Bảng.

Tuy nhiên, tại những điểm còn lại của đê vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bị tác động bởi dòng chảy của lũ và sức nước thủy triều.

Cùng với đó, các điểm tràn với chiều dài hơn 1.000m cũng là mối lo cho diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con khi chiều cao đê ngăn sóng còn thấp so với độ dâng của thủy triều. Nếu không khắc phục kịp thời có thể gây thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top