Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2019 | 11:40

Nghệ An: Người tiên phong trong việc trồng dưa lưới công nghệ cao

Dưa lưới là loại cây chịu nhiều tác động từ khí hậu, sâu bệnh, côn trùng... Do vậy, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng có thể sản xuất dưa lưới cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng
 
Về xóm 18, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, không khó để tìm đến mô hình dưa lưới của anh Đinh Quang Hoàng. Trên thửa ruộng quanh năm 2 vụ lúa, thu nhập thấp nên anh Hoàng đầu tư xây dựng nhà màng chuyển sang trồng dưa lưới giống Nagami của Nhật Bản theo hướng công nghệ cao.
 
Vườn dưa áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động, phân bón được hòa sẵn trong nước giúp giảm chi phí nhân công. Đặc biệt, quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
 
70203404_949085358783473_7201667755953618944_n.jpg
Việc chăm dưa lưới giống Nagami (Nhật Bản) như chăm con mọn, đòi hỏi sự cầu kì, chịu khó, kiên nhẫn và nhiều công đoạn.

Với diện tích hơn 2.000m2, một năm 3 vụ làm cuốn chiếu, hết vụ này thì gieo vụ khác. Điểm đặc biệt, trong mô hình, nhà được chia làm 2, cứ mỗi lần thu hoạch nửa mô hình bên này thì bên kia đã gieo vụ mới. Vì vậy, có dưa bán quanh năm.

Anh Hoàng cho biết: “Mỗi một vụ, gia đình trồng 5.000 gốc dưa, năng suất 7 tấn. Tính theo giá bán lẻ trên thị trường thì 1kg dưa được bán với giá 70.000 đồng, một năm thu về 200 triệu đồng”.
 
Trồng dưa lưới... như chăm con mọn
 
Anh Đinh Quang Hoàng tâm sự, việc chăm dưa lưới Nagami như chăm con mọn, nó đòi hỏi sự cầu kì, chịu khó, kiên nhẫn và nhiều công đoạn. Trồng dưa lưới trong nhà màng yêu cầu kĩ thuật rất cao, hoàn toàn phải tuân theo quy trình kỹ thuật trồng dưa sạch. Để có được những trái dưa thơm ngon, bạn phải chăm sóc nó hàng ngày.
 
70684712_413225356218536_6317635805649043456_n.jpg
Dưa Nagami quả to, ngọt, giòn, mọng nước, ruột đỏ, thơm hơn giống dưa khác. Hiện, dưa có mặt tại các cửa hàng hoa quả sạch trong tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng...

 

Quá trình từ khi trồng dưa lưới Nagami đến khi thu hoạch không hề đơn giản. Từ việc chọn giống, rồi ươm hạt cho đến khi ra bầu 10 ngày rồi phải chăm sóc trong bầu cho đến khi thu hoạch. Với hệ thống tưới tự động, tại vườn, ngày nào cũng có người theo dõi sự sinh trưởng của giống cây, ví như nhiều nước thì hút ra bớt, đặc biệt, trong nhà dưới, cần hệ thống miễn dịch nên ít người ra vào.

Khi được hỏi, vì sao chọn giống Nagami mà không phải giống dưa khác? Anh Hoàng chia sẻ: “Dưa Nagami giống Nhật Bản quả to, ngọt, giòn, mọng nước, ruột đỏ, thơm hơn giống dưa khác. Hiện, dưa có mặt tại các cửa hàng hoa quả sạch trong tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng...

Thời gian tới, nếu sản xuất thuận lợi và tiêu thụ tốt, tôi sẽ nghĩ đến việc mở rộng mô hình”.

 

69845349_612048439201217_2365398344294989824_n.jpg
Trung bình mỗi quả dưa giống Nagami nặng từ 1,5kg đến 1,7kg, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm cho gia đình.

Những tưởng mỗi một gốc có đến 3, 4 quả, nhưng không, một gốc duy nhất chỉ được một quả, nếu có nhiều hơn thì cắt bỏ, chỉ để lại một quả, để đảm bảo độ ngọt và chất lượng. Trung bình mỗi quả dưa giống Nagami nặng từ 1,5kg đến 1,7kg. Những quả cắt đi ấy là những quả bao tử, không bỏ đi mà mang vào các nhà hàng để làm các món rau xào rất ngon.

Như vậy, với mô hình dưa lưới Nagami, gia đình anh Đinh Quang Hoàng đã có phần khởi nghiệp thuận lợi. Quyết tâm mới, tư duy mới đã giúp nhà nông trẻ gặt hái được những quả ngọt. 
 
 
Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
Top