Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 4 năm 2017 | 9:12

Nghệ An sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh

Việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ là giải pháp để người tiêu dùng dễ nhận biết cam Vinh.

Tỉnh Nghệ An cho biết sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác.

nghe an se dan tem truy xuat nguon goc cam vinh hinh 1
Vựa cam tại trang trại cam Thiên Sơn, xã Đồng Thành (Yên Thành) đang chờ thu hoạch

Đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi buôn bán cam giả, nhái nhãn hiệu cam Vinh. Từ lâu, cam Vinh đã trở thành một sản phẩm đặc trưng, thương hiệu mạnh của Nghệ An, từng được xuất khẩu đến nhiều nước. 


Nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ trồng cam. Từ năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 ha. Nhưng trên thực tế, hiện có hơn 6.400 ha ở nhiều địa bàn với nhiều giống... 

Hiện tỉnh quy hoạch vùng cam đến năm 2020 với 8.270 ha. Chính sự nổi tiếng của thương hiệu cam Vinh, nên những năm gần đây, hầu hết các hộ trồng cam ở Nghệ An đang “mạnh ai người ấy làm”. 

Nguyên do, từ trước tới nay, sản phẩm cam quả trên địa bàn có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu; thậm chí có những thời điểm cháy hàng. Điển hình như năm trước, thời điểm gần Tết Nguyên đán, một kg cam Vinh bán tại vườn với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg mà không đủ hàng để bán. 

Thực tế cho thấy, quy mô các hộ trồng cam ở các địa phương Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Thị xã Thái Hòa còn nhỏ, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và kinh doanh cam.

Mạng lưới tiêu thụ, kinh doanh cam hoàn toàn tự phát, chủ yếu do thương lái trực tiếp thương thảo và thu mua của người dân chứ ít ai quan tâm đến sử dụng tem nhãn. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh xử lý việc lạm dụng thương hiệu cam Vinh. Ở Nghệ An vẫn chưa hình thành thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hóa có dán tem nhãn, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, hoa quả như cam quả. 

Để nâng cao chuỗi giá trị của cam Vinh trong sự cạnh tranh gay gắt của nhiều sản phẩm cam hiện nay (đặc biệt là sự trà trộn của cam Trung Quốc), ông Nguyễn Giang Hoài, Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ cho rằng, cùng với dán tem, nhãn cho cam, tỉnh cần tổ chức cho các hộ đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động. 

Cùng đó, cần quản lý chặt và có những khuyến cáo thường xuyên đối với các hộ trồng cam trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, qua đó đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng sản phẩm an toàn – ông Hoài kiến nghị. 

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các huyện cần vào cuộc tích cực với doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, tưới, quy trình kỹ thuật chăm, bón, áp dụng mô hình VietGap để đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị gia tăng của quả cam. 

Công tác bảo quản sau thu hoạch và các sản phẩm được hình thành từ quả cam cần được chú trọng; in mẫu mã tem, nhãn hàng hóa cho cam theo hướng dễ hiểu, dễ truy xuất nguồn gốc sản xuất. 

Tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu cam Vinh; chú trọng hình thành mạng lưới tiêu thụ; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn để làm đầu mối bao tiêu sản phẩm; thành lập website cho cam Vinh; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và kể cả thị trường nước ngoài. 

Trong năm 2017, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức một số lễ hội, hội chợ, tạo thuận lợi cho sản phẩm cam lan tỏa thương hiệu, công việc này gắn với các hoạt động của ngành du lịch, văn hóa. 

Cây cam vốn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng rất khắt khe về điều kiện đất đai, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Chính vì vậy, cùng với xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm thì việc quản lý chặt chẽ quy hoạch cây cam cũng góp phần bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu. 

Tới đây, UBND tỉnh Nghệ An sẽ thành lập Ban chỉ đạo phát triển thương hiệu cam Vinh, từ đó tích cực triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất, chất lượng cam cũng như các giải pháp xây dựng, quảng bá, phát triển và quản lý thương hiệu. 

Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh một số chính sách khuyến khích phát triển cây cam, đồng thời kiện toàn Hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam. 

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các huyện, thị để khảo sát cụ thể hơn, đề xuất điều chỉnh quy hoạch trồng cam cho phù hợp với thực tế phát triển. Tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong việc in tem nhãn, logo cam Vinh. 

Tỉnh cũng khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và kinh doanh cam sử dụng logo, tem nhãn. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm cam Vinh nên mua các sản phẩm đã được gắn logo và được bán tại các địa điểm uy tín./.

Theo Bích Huệ/TTXVN

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top