Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 10 năm 2020 | 19:26

Nghề biển khó vực dậy, hải sản ứ đọng hàng ngàn tấn do Covid-19

Làng chài truyền thống gặp nhiều khó khăn khi đánh bắt xa bờ; ứ đọng hàng ngàn tấn hải sản do dịch Covid-19.

Nghệ An: Tồn hàng ngàn tấn hải sản trong kho lạnh do không xuất khẩu được

Hàng loạt kho đông lạnh tại Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang trong tình cảnh ứ đọng hải sản, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, không xuất khẩu được.

 

hs-91.jpg

Chủ kho cấp đông ở thị xã Hoàng Mai cho biết, hải sản cấp đông đang tồn kho quá nhiều. Ảnh: Quang An

 

Ông Lê Hội Hưng - Giám đốc HTX Đoàn kết, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết: HTX có 30 kho đông lạnh, chuyên cấp đông các mặt hàng hải sản; cá cơm, cá đốm, mực... với trữ lượng 3.000 tấn.

Toàn bộ hải sản cấp đông của HTX trước đây phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, phía Trung Quốc dừng nhập khẩu hải sản, khiến hàng đông lạnh bị tồn kho với số lượng ngày càng nhiều.

Mặc dù, HTX tìm mọi giải pháp để tiêu thụ hải sản nội địa, nhưng số lượng tồn kho vẫn lớn. Hiện, vẫn còn khoảng 2.000 tấn.

"Từ trước đến nay, chưa bao giờ hải sản đông lạnh tồn kho nhiều như thế này. Hàng không xuất khẩu được, buộc phải tìm cách tiêu thụ nội địa, giá chấp nhận giảm xuống 20 - 25%" - Ông Lê Hội Hưng chia sẻ.

Trên địa bàn xóm Tâm Tiến, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) có 5 kho đông lạnh cũng lâm cảnh tương tự.

Xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) có khá nhiều kho cấp đông hải sản. Một chủ cơ sở  ở đây cho biết,  kho cấp đông của gia đình có thể chứa được 300 tấn hải sản. Trước đây, cơ sở chuyên xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Malayxia…

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, việc xuất khẩu hải sản gặp nhiều khó khăn. 

Do xuất khẩu hải sản đang gặp khó, nên các cơ sở cấp đông luôn trong tình trạng đầy kho, khiến hải sản giảm giá trong thời điểm tàu cá về nhiều.

Hiện trên địa bàn Nghệ An có hơn 300 kho cấp đông hải sản, tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Cửa Lò... tổng công suất hàng chục nghìn tấn.

Qua tìm hiểu được biết, những cơ sở cấp đông chuyên tiêu thụ nội địa, mức độ tồn kho không lớn; đối với những cơ sở cấp đông chuyên xuất khẩu sang nước ngoài, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khó tiêu thụ, lượng hàng hóa tồn kho quá lớn. 

Quảng Ngãi: Khi nào vực dậy được nghề đi biển?

Từng là làng chài sầm uất bậc nhất của Quảng Ngãi, với những đội tàu công suất lớn, tiên phong đi đánh bắt những nghề mới. Thế nhưng, nghề biển tại xã Đức Lợi (Mộ Đức) giờ đây lại trở nên đìu hiu, chỉ còn hơn trăm chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ.

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, xiêu vẹo nằm bên cạnh bờ kè sông Vệ, ngư dân Lê Bá Nhựt, tất bật phụ vợ phân loại phế liệu, cho kịp chuyến hàng buổi chiều.

Hơn 40 tuổi đời, 22 năm gắn bó với nghề biển, vậy mà giờ đây, anh Nhựt phải chuyển sang nghề thu mua phế liệu để mưu sinh. 

l-chai-6.jpg

 Ngư dân xã Đức Lợi (Mộ Đức) chỉ dám sắm tàu nhỏ, máy nhỏ để đánh bắt gần bờ.

 

“Tôi đi bạn cho các tàu ở xã Phổ An, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) gần 20 năm, mới gom góp được một ít vốn. Sau đó, phải vay mượn thêm mới đủ tiền đóng tàu. Vậy mà vừa ra khơi, thì gặp ngay cửa biển bồi lấp, làm thuyền mắc cạn, rồi bị sóng đánh chìm.

Không còn phương tiện mưu sinh. Hơn nữa, năm nay sản lượng, giá cả thủy sản thất thu, nên các thuyền mà tôi từng đi bạn đều nằm bờ cả. Thành thử, tôi và vợ phải chuyển nghề để xoay trở, kiếm tiền trả nợ”, anh Nhựt kể.

Từng là một trong những ngư dân lão luyện của làng chài Đức Lợi, năm 1986, ông đã đóng mới thành công cặp tàu giã cào, vậy mà giờ đây, lão ngư Phạm Minh Thư (76 tuổi), ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi cùng hai con trai là ông Phạm Minh Tùng, Phạm Minh Việt, buộc phải giã từ nghề biển để rẽ lối mưu sinh sau nhiều năm đánh bắt thất bát.

“Tàu thuyền ngày càng đông, trong khi sản lượng thì cạn kiệt dần, nên nghề biển gần bờ không còn nuôi sống được ngư dân nữa. Hai con trai của tôi giờ cũng đã ly hương, xin vào nhà máy làm công nhân. Còn tôi, ở nhà nuôi gà, nuôi heo đắp đổi qua ngày.

Chúng tôi cũng từng tính đến chuyện đóng tàu lớn để vươn khơi xa, nhưng kinh nghiệm hạn chế, luồng lạch ra vào thì cạn lên cạn xuống, nên đâu ai dám liều...”, ông Thư cho biết.

Trong quá khứ, Đức Lợi từng là xã biển tiên phong đánh bắt theo mô hình liên kết tổ hợp đánh bắt và được Nhà nước ưu đãi vốn vay. Nhờ mạnh dạn đầu tư, đoàn kết hợp tác trong sản xuất, từ những năm 80 của thế kỷ trước, xã Đức Lợi đã có hơn 30 chiếc tàu công suất trên 30CV (đây là công suất khá lớn thời bấy giờ), chiều dài tàu lên đến 18 - 20m, chuyên đánh bắt ở vùng lộng và xa bờ hải sản thu được nhiều.

Từng có nghề biển phát triển hưng thịnh, vậy mà nay, nghề biển xã Đức Lợi lại đang “đi thụt lùi”, khi số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Toàn xã có tổng cộng 112 chiếc tàu, hầu hết đều đánh bắt gần bờ theo kiểu sáng đi, chiều về. Ngư dân trên địa bàn xã có hơn 900 người, thì phân nửa trong số đó phải tỏa về các địa phương khác để đi bạn.

“Địa phương không có chỗ cho tàu thuyền neo đậu, ngư dân khó đóng mới tàu công suất lớn, dẫn đến hệ quả là nghề cá khó phát triển. Hơn nữa, 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào, địa phương cũng có trường hợp tàu thuyền bị mắc cạn khi ra vào cửa Lở.

Thành thử, chỉ khi nào ổn định được luồng lạch ra vào và xây dựng được khu vực neo đậu tàu thuyền an toàn, ngư dân mới mạnh dạn sắm tàu mới, máy mới, để vực dậy nghề biển”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Văn Tiến kiến nghị.

Khánh Hoà: Tích cực đẩy lùi khai thác thủy sản tận diệt    

UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các địa phương có biển, tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

 

kh-19.jpg

UBND tỉnh giao các đơn vị, địa phương nêu trên, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện, và tham mưu đề xuất những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, đối với các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản một cách tận giệt.

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top