Ngày 16/6, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn tới, nguồn lực của đất nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu bật những thành tựu to lớn sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Đó là nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và đóng góp mạnh cho xuất khẩu. Việt Nam đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo 3 trục sản phẩm chủ lực, nhóm sản phẩm của cấp quốc gia, sản phẩm của cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương.
Trên thực tế, nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã hội và là trụ đỡ của nền kinh tế. Giai đoạn 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng 1,4 lần, năng suất lao động của nông nghiệp tăng gấp 4 lần, quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân là 8,1%/năm.
Đề cao vai trò chủ thể của nông dân
Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII, truyền đạt về Chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Đây là điểm rất mới so với Nghị quyết 26 trước đây về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Tầm nhìn đến năm 2045, được Nghị quyết 19 xác định: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19 đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức liên quan.
Theo đó, cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 19 còn chú trọng nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hoá đất.
Cùng với tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu xử lý triệt để những tồn đọng về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, chấm dứt tình trạng các công ty nông, lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất mà khoán trắng cho hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
Ưu tiên đầu tư gấp đôi
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh, cần ưu tiên tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020 trong Nghị quyết 19 là hoàn toàn phù hợp và “gãi đúng chỗ ngứa” hiện nay của việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ông cho rằng, hiện nay, khi GDP của nông nghiệp xuống còn 10%, lao động của nông nghiệp còn 35%, thậm chí dưới 25% thì về mặt nguyên tắc, tất cả các nước trên thế giới sẽ dùng các nguồn khác để hỗ trợ lại nông nghiệp, nông thôn.
Chúng ta vẫn đang sử dụng nông nghiệp như một trụ đỡ. Khái niệm trụ đỡ có thể hiểu ở giai đoạn này là đỡ về xã hội, về an sinh, hay nói cách khác đóng góp về môi trường, an sinh xã hội là đóng góp lớn nhất. Vì vậy, giai đoạn này, vốn của khu vực công nghiệp, dịch vụ phải bù đắp lại cho nông nghiệp. Tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là tăng đầu tư để đào tạo, tri thức hóa nông dân, đào tạo nông dân chuẩn chỉ, phát triển hạ tầng bài bản hơn; giúp cho doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi giá trị hợp lý hơn, tạo môi trường nông thôn, môi trường nông nghiệp chuẩn mực.
Bạc Liêu quyết tâm đột phá
Với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 19, Bạc Liêu đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bạc Liêu xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là nền tảng bền vững của quốc gia; nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước; nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không tách rời nhau, được xử lý một cách tổng thể, hài hòa.
Xuất phát từ quan điểm này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch, đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được phê duyệt. Rà soát xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trình phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, hoàn thành giai đoạn 2 hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; đầu tư xây dựng các chợ nông sản đầu mối ở TP. Bạc Liêu và huyện Phước Long, chợ tôm ở TX. Giá Rai. Khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu hợp tác liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc tôm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiếp tục tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp.
Song song đó, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, gia trại phát triển. Đẩy mạnh phát triển liên kết “6 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, trước tiên sẽ kết hợp Nghị quyết 19 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ cụ thể hóa thành đề cương để tập huấn cho toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương tiếp cận chiến lược và nghị quyết theo quan điểm chỉ đạo mới của trung ương.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đặc biệt, tinh thần của Nghị quyết 19 là nâng cao năng lực của người dân và tổ chức đời sống người dân ở nông thôn, bảo tồn giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử môi trường sinh thái của địa phương; là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các địa phương cần tự nhận thức được những giá trị vốn có của mình để tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo ra sức bật mới.
Thu nhập bình quân đến năm 2030 tăng gấp 3 lần Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.