Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 6 năm 2022 | 16:58

"Siết" vấn đề an toàn thực phẩm và xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững

Các địa phương siết chặt vấn đề quản lý an toàn thực phẩm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, từ đó hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung quy mô lớn.

 1-an75d579a.jpgẢnh minh họa.

 

Hà Nội: Giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ gốc

Hiện nay, cùng với việc hỗ trợ các địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ gốc, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ các trang trại, hộ nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn.

Dẫn chứng thực tế, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5), huyện đã lấy 526 mẫu xét nghiệm nhanh, qua đó phát hiện 21 mẫu chưa bảo đảm các chỉ tiêu phân tích về an toàn thực phẩm.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã kiểm tra 141 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và xử phạt 7 cơ sở với số tiền hơn 141 triệu đồng do các hành vi vi phạm như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm.

"Công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Với những mẫu vi phạm, Chi cục tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm", bà Nguyễn Thị Thu Hằng nói.

 

z3483095413394_b7c6e2b425d8.jpg
Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Đông Anh.

 

Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, để kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, vật tư chăn nuôi trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 188 cơ sở chăn nuôi, đã cảnh cáo 8 trường hợp, phạt tiền 2 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với 1,5 triệu đồng.

Về nguyên nhân vẫn còn vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhiều, nhưng phần lớn nhỏ lẻ, thậm chí, một số cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho việc kiểm tra; nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua kênh truyền thống chợ đầu mối, chợ dân sinh. Bên cạnh đó vẫn còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn gây khó khăn cho việc cung cấp hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu thụ. Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi bền vững, nhưng trong quá trình thực hiện còn khó khăn, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, kết nối thiếu bền vững...

Để giám sát chặt chẽ chất lượng nông sản từ nơi sản xuất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, căn cứ quy hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng trở thành quận, hiện huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã tạo mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Ở góc độ người sản xuất, theo bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đồng thời hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn để kiểm soát ngay từ khâu sản xuất.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. Mặt khác, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại có điều kiện sản xuất an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu giám sát hậu kiểm tự công bố về chất lượng an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

Vĩnh Phúc: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm

Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2022, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định đảm bảo ATTP ở 1.090 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn.

Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn đã tiến hành nhắc nhở 149 cơ sở, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở, với tổng số tiền gần 13 triệu đồng do các lỗi vi phạm: Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực; không đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, không cung cấp được các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Thời gian tới, các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thanh, tra, kiểm tra về ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Bắc Ninh: Xây dựng vùng kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững

Yên Phong, vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Để bảo đảm an ninh lương thực, cân bằng nguồn lực kinh tế, an toàn xã hội, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quy vùng kinh tế nông nghiệp tập trung, nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.

 

trang-trai.jpg
Trang trại chăn nuôi tổng hợp tại xã Long Châu.

 

Hiện nay, toàn huyện hình thành 8 trang trại nông nghiệp, tổng diện tích đất sử dụng 27,22 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 46 tỷ đồng, trong đó 3 trang trại được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, các trang trại còn lại đang được huyện rà soát đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Doanh thu của các trang trại tăng dần theo các năm, riêng năm 2021 đạt 69,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 55 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ. Các sản phẩm chủ lực của trang trại: lợn thịt, lợn giống; gà, gà giống, trứng, vịt, thủy sản và rau, củ quả xuất khẩu.

Hầu hết các trang trại có sự liên kết từ khâu sản xuất đến cung ứng thức ăn, con giống, sản phẩm đầu ra, nhất là việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn, thủy sản, ấp trứng giống... sản phẩm bước đầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy tiềm lực phát triển kinh tế trang trại ở Yên Phong lớn, làm tiền đề cho chiến lược quy vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khẳng định: Tốc độ phát triển kinh tế trang trại ngày càng mạnh mẽ, quy mô lớn, có sự đầu tư vào sản xuất của các chủ trang trại. Với xu thế mới sẽ hình thành các trang trại lớn, sản xuất theo phương thức công nghiệp hiện đại, đòi hỏi phải làm tốt hơn, bài bản hơn công tác quy hoạch, tránh phát triển tự phát tràn lan ngoài khu quy hoạch nhằm phát triển lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang trại, gia trại, hộ VAC có hợp đồng thuê đất trái thẩm quyền với thôn, với HTX nông nghiệp dịch vụ từ những năm trước nên không đạt tiêu chí trang trại, không được vay vốn ưu đãi và hỗ trợ về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, về một số dịch vụ nông nghiệp thiết yếu... gây khó khăn trong sản xuất và phát triển về lâu dài.

Hầu hết các trang trại, gia trại chưa tiếp cận được thị trường đầu ra, vẫn phải tự vận hành trôi nổi trên thị trường, dẫn đến rủi ro cao về giá sản phẩm. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với yếu tố thời tiết bất lợi, lãi suất thấp, vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm, thị trường bấp bênh nên không nhiều nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước những khó khăn trên, Yên Phong đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế trang trại để nhân dân thấy rõ vai trò của kinh tế trang trại trong phát triển nông nghiệp.

Thành lập Tổ công tác về phát triển kinh tế trang trại để vận động, khuyến khích nhân dân tích tụ ruộng đất tạo các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung; tiếp tục rà soát việc sử dụng đất đai, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh; cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các trang trại đủ điều kiện, tạo cơ hội vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích sẽ từng bước tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn nông dân lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng, bảo đảm tính pháp lý và làm căn cứ phát triển lâu dài. Tăng cường thông tin thị trường, kết nối với các doanh nghiệp lớn nhằm định hướng cho các trang trại sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng các cửa hàng kinh doanh, giới thiệu, bán sản phẩm nông sản sạch, nhằm quảng bá nông sản đến người tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và giúp nông dân tiếp cận nhanh với các gói tín dụng ưu đãi, tạo vốn phát triển sản xuất. 

Yên Phong đặt mục tiêu mỗi năm phát triển từ 1-2 trang trại và xây dựng một số trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nhân rộng các mô hình trang trại tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường. Các ưu đãi về đất đai, vốn, thị trường tiêu thụ nhanh chóng thực thi sẽ giúp Yên Phong hoàn thành mục tiêu xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top