Nông dân Tây Nguyên đang thu hoạch ngô (bắp) vụ hè thu. Tuy nhiên, năm nay ngô vừa mất mùa vừa mất giá khiến nhiều nông dân “méo mặt”.
Do thời tiết bất ổn nên nhiều diện tích ngô vụ hè thu ở Tây Nguyên bị khô hạn.
Diện tích gieo trồng ngô của các tỉnh Tây Nguyên vụ này đạt khoảng 164.000ha, giảm nhẹ so với mức 167.000ha của cùng kỳ năm trước, trong đó Đắk Lắk là địa phương có diện tích ngô lai lớn nhất, với khoảng 121.000ha, tập trung tại các huyện Ea Kar, Ea H’Leo, Cư M’Gar, Krông Pắk... Tại các huyện như: Ea Kar, Ea H’Leo, Krông Pắk, nông dân còn thực hiện trồng xen các loại cây đậu đỗ trong các ruộng, rẫy trồng ngô lai, hoặc trồng ngô lai xen trong các vườn cà phê chưa khép tán.
Cư M’Gar là huyện trọng điểm về diện tích ngô của tỉnh Đắk Lắk với gần 4.000ha. Tuy nhiên, năm nay, năng suất, sản lượng ngô giảm đáng kể do tình trạng thời tiết bất ổn. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cư M’gar, cho biết: Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng 5.400ha cây lương thực, hoa màu, trong đó diện tích ngô chiếm khoảng 3.800ha, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, năm nay Tây Nguyên xảy ra tình trạng thời tiết “hạn hán giữa mùa mưa” nên sản lượng cây lương thực bị giảm khoảng 25% so với niên vụ trước. Không những thế, giá ngô cũng giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân…
Theo nhận định của phần lớn bà con thì năng suất, sản lượng ngô vụ hè thu năm nay giảm 25 - 30% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do thời tiết bất ổn, hạn hán giữa mùa mưa nên năng suất, sản lượng ngô giảm khá nhiều, một phần do hạn hán nhưng phần lớn do nhiều diện tích được chuyển sang trồng mì (sắn) và đậu xanh do giá ngô ở mức thấp trong 2 năm trở lại đây.
Là người trồng ngô lâu năm, anh Nguyễn Văn Chính (xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk) chia sẻ: “Ở Tây Nguyên thường thì vào cuối tháng 4 dương lịch là bắt đầu có mưa rải rác ở một số vùng và đến giữa tháng 5 là có mưa đều. Theo lẽ thông thường đó, chúng tôi bắt đầu vụ gieo trồng hoa màu cho kịp thời vụ, tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay mùa mưa đến muộn hơn, lượng mưa ít lại ngắt quãng khiến nhiều diện tích hoa màu bị chết, diện tích còn lại phát triển kém, năng suất thấp”.
Thời tiết bất lợi nên năng suất, sản lượng ngô giảm khiến nông dân phải gánh chịu tổn thất nặng nề đã đành, thiệt hại như được nhân đôi khi giá ngô tại Tây Nguyên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nếu như năm trước, giá ngô trên thị trường là 4.200-4.500đồng/kg thì nay chỉ dao động ở mức 3.700 -3.900 đồng/kg.
Anh Lê Văn Phương (xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn) chia sẻ: “Cứ tưởng như mọi năm cuối tháng 4 có mưa và đến giữa tháng 5 là mưa đều nên gia đình tôi đem toàn bộ số giống ngô đi tỉa cho kịp thời vụ, ai ngờ đầu mùa chỉ mưa 1-2 cơn, sau đó chờ mãi không có mưa khiến 0,5ha ngô giống của gia đình bị khô, nảy mầm kém”. Theo anh Phương, do mưa không đều nên năng suất và sản lượng ngô của gia đình giảm hẳn, cộng với giá tuột dốc nên xem như vụ này anh không có lãi. Nếu như năm trước với 40 tạ ngô, bán với giá 4.500 đồng/kg, anh thu về 18 triệu đồng thì năm nay cũng diện tích đó, anh chỉ thu được 31 tạ, giá bán lại thấp (3.800 đồng/kg) nên sau khi trừ chi phí, xem như vụ này anh hoà vốn.
Tại tỉnh Đắk Nông, cây ngô được trồng ở hầu hết các huyện trên địa bàn, nhưng tập trung nhiều nhất ở Đắk Mil (trên 14.000ha), Krông Nô (13.850ha), Cư Jut (13.150ha). Tuy nhiên, cũng như Đắk Lắk, do thời tiết năm nay bất ổn, mưa nắng thất thường nên năng suất, sản lượng loại cây này giảm đáng kể và dĩ nhiên nông dân nơi đây cũng chịu chung tình cảnh ngô mất giá.
Để phần nào bù đắp lại thiệt hại của vụ ngô hè thu, hiện tại, tranh thủ trời có mưa, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã gieo trồng được trên 70.000ha ngô lai vụ thu đông. Hiện, bà con đang đưa vào gieo trồng đại trà các giống ngô lai F1 như N67, NK7328, NK54, SSC586, LVN66, CP888, 30Y… Đây là những giống ngô thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu ở các tỉnh Tây Nguyên, hạn chế được sâu bệnh, cho năng suất cao từ 50 tạ/ha trở lên.
Bá Thăng
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…