Từ thắng lợi của vụ cá Nam, ngư dân miền Trung phấn đấu khai thác tốt vụ cá Bắc và đảm bảo an toàn thực phẩm biển.
Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) đón những tín hiệu tích cực từ vụ cá Bắc.
Hà Tĩnh: Phấn đấu khai thác 16.400 tấn hải sản vụ cá Bắc
Hà Tĩnh tiếp tục khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển phấn đấu sản lượng khai thác hải sản đạt trên 16.400 tấn, trị giá khoảng 600 tỷ đồng trong vụ cá Bắc năm 2020 – 2021
Vụ cá Bắc kéo dài 6 tháng (tháng 10 âm lịch năm trước đến hết tháng 3 âm lịch năm sau), thường xuất hiện các đàn cá nổi với nhiều loại giá trị kinh tế cao, sản lượng tương đối lớn như cá nục, cá hố, cá thu, cá cam, cá ngừ, tôm, ghẹ…
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.690 tàu thuyền khai thác vùng khơi, vùng lộng và vùng ven biển, trong đó có khoảng 60% - 80% tàu cá được huy động đánh bắt thường xuyên trong vụ cá Bắc, với các nghề phổ biến như vây, chụp mực, lồng bẫy, câu, rê…
Theo kế hoạch vụ cá Bắc năm 2020 - 2021, Hà Tĩnh phấn đấu đạt 16.400 tấn thuỷ sản, ước trị giá 600 tỷ đồng.
Để vụ cá Bắc giành được nhiều thắng lợi, Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh đang tập trung huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất; khuyến khích ngư dân bám biển, đầu tư công nghệ, trang thiết bị đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, gắn với khai thác có trách nhiệm.
Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin về ngư trường, diễn biến thời tiết, nguồn lợi thuỷ sản và thị trường tiêu thụ cho ngư dân có kế hoạch sản xuất hiệu quả.
Ngoài ra, sẽ tổ chức tuyên truyền tập huấn cho 800 - 1.000 lượt ngư dân và cán bộ phụ trách thuỷ sản các huyện, xã ven biển các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, về an toàn tàu cá trên biển.
Phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển, kiên quyết xử lý các tàu cá vi phạm quy định trong đánh bắt hải sản.
Tàu cá phải có chứng nhận an toàn thực phẩm
Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục “thẻ vàng” EC, ngư dân cần phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Nếu không, từ 25/12, tàu cá sẽ không được ra khơi đánh bắt, việc xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó khăn.
Ngư dân lên cá tại cảng cá Hòn Rớ
Mới đây, một số chủ tàu cá tại phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) phản ánh việc tàu của họ cập cảng Hòn Rớ, bán cá cho doanh nghiệp thu mua nhưng, đợi cả tháng doanh nghiệp vẫn chưa trả tiền vì thiếu các giấy tờ liên quan đến chứng nhận đủ điều kiện về ATTP.
Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết, sẽ tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục cho ngư dân, để họ có đủ giấy tờ nhận tiền bán cá từ doanh nghiệp, nhưng ngư dân phải cam kết hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận ATTP tàu cá theo quy định.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, Luật Thủy sản (có hiệu lực từ đầu năm 2019) quy định, bắt buộc tàu cá có chiều dài 15m trở lên, ra khơi phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Song, biểu mẫu hướng dẫn Thông tư 21/2018 của Bộ Nông nghiệp PTNT không đề cập việc kiểm tra tàu cá xuất bến phải có giấy chứng nhận ATTP nên thời gian qua, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.
Tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp PTNT đã đến Khánh Hòa kiểm tra việc thực hiện quy định về chống khai thác IUU đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tàu cá phải bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP.
Ban quản lý cảng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vấn đề này, bởi đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, toàn tỉnh mới có hơn 400/748 tàu cá có chiều dài 15m trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tàu cá.
Hiện, toàn tỉnh vẫn còn nhiều tàu cá chưa có giấy chứng nhận ATTP, trong đó TP. Nha Trang còn gần 150 tàu, thị xã Ninh Hòa gần 100 tàu, huyện Vạn Ninh gần 50 tàu, TP. Cam Ranh gần 50 tàu.
Các tàu cá có chứng nhận, chủ yếu thuộc nhóm tàu tham gia chuỗi liên kết khai thác, chế biến tiêu thụ cá ngừ và tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tuy hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá đơn giản hơn nhiều so các cơ sở, ngành nghề khác, nhưng vẫn còn một bộ phận chủ tàu chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấy chứng nhận này đối việc với xuất khẩu thủy sản, nên chưa đăng ký; có trường hợp vì hoạt động khó khăn, tàu cá nằm bờ, chủ tàu cũng không đăng ký…
Doanh nghiệp trong quá trình thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu rất cần nguồn nguyên liệu được chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP. Việc xuất khẩu sẽ gặp khó nếu hồ sơ thiếu nội dung này.
Vì vậy, mới đây, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21 năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 25-12), quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có Giấy chứng nhận ATTP, nếu không có sẽ không được vươn khơi.
Không chỉ vậy, Nghị định 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định, tàu cá không có giấy chứng nhận ATTP bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
Để bảo đảm 100% tàu cá được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận ATTP, Sở Nông nghiệp đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt được tầm quan trọng của giấy chứng nhận này, nhắc nhở ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hướng dẫn chủ tàu đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá, nhất là xác nhận kiến thức ATTP cho chủ tàu, chuẩn bị mẫu đơn, hướng dẫn ngư dân thủ tục để được cấp giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: “Thực tế, có những tàu cá Khánh Hòa thường xuyên cập cảng, lên cá ở tỉnh khác, chứ không ở Khánh Hòa.
Trường hợp này, chúng tôi hỗ trợ bằng cách, khi có nhiều tàu cá Khánh Hòa cập cảng, sẽ cử người đến tận nơi để kiểm tra thực tế hiện trạng ATTP của tàu cá, làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận.
Trường hợp tàu cá cập cảng chỉ 1 - 2 ngày, chi cục cử người phối hợp với văn phòng đại diện, thanh kiểm tra điều kiện ATTP ngay khi tàu vừa cập cảng. Song song đó, hướng dẫn ngư dân điền các mẫu đơn để xác nhận kiến thức ATTP, đăng ký cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá”.
Bình Thuận: Ngư dân chuẩn bị bước vào vụ bấc
Tháng 10 âm lịch (AL) đã điểm, gió mùa đông bắc đã báo hiệu vụ cá bấc của ngư dân. Vụ cá nam không mấy phấn khởi, ngư dân lại chuẩn bị bước vào vụ bấc, với thời tiết đầu vụ không thuận lợi.
Tàu thuyền nằm bờ gia cố, tu sửa cho vụ bấc. Ảnh: N.Lân
Mới đầu tháng 10 AL, nhưng các cơn bão liên tiếp xuất hiện cùng các đợt áp thấp nhiệt đới, khiến nhiều ngư dân Bình Thuận dự cảm về một mùa bấc ảm đạm.
Ghé các cảng, bến cá vào những ngày này, tàu thuyền neo đậu chật kín, ngại ra khơi bởi gió mạnh. Đây cũng là thời điểm, các chủ tàu đánh bắt xa bờ neo đậu sửa chữa, gia cố lại tàu thuyền đợi trời bớt gió sẽ ra khơi.
Anh Lê Văn Thành – phường Phú Hài cho biết: Vụ cá bấc, nước biển lạnh, cá thường ra xa bờ, nên chủ yếu khai thác cá tầng đáy với các nghề như lồng bẫy, rê đáy, pha xúc, lưới rút…
Mặc dù sản lượng vụ cá bấc không cao, nhưng thủy hải sản có giá trị hơn vụ nam như: cá thu, cá ngừ… Nếu mỗi chuyến biển 7 – 10 ngày trúng phải luồng cá, được 1,5 – 2 tấn, ngư dân sẽ thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Anh Thành cho biết thêm, vụ cá bấc thời tiết rất khắc nghiệt, sóng to gió lớn, lên đến cấp 5, cấp 6. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, việc kiểm tra, tu sửa máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết.
Theo kinh nghiệm của ngư dân chuyên đánh bắt vụ bấc, ngành nghề khai thác chính trong vụ bấc là lưới rê, biển càng động, nước càng đục thì mới “bủa” được nhiều cá.
Từ đầu tháng đến nay, do gió đông bắc mạnh, nên chỉ số ít tàu thuyền tuyến lộng hoạt động, tuyến bờ cầm chừng, riêng tàu đánh bắt xa khơi đang nghe ngóng thời tiết.
Mặc dù vụ bấc thời tiết không thuận lợi, nhưng ngư dân vẫn chọn là vụ chính trong năm, vì biển động khai thác được nhiều mẻ cá đáy hơn, và giá bán gấp rưỡi hoặc gấp đôi vụ nam.
Ông Trần Văn Ba – ngư dân phường Bình Hưng chia sẻ: “Vụ bấc ít tàu thuyền hơn vụ nam, nếu may mắn trúng luồng cá, ngư dân sẽ được ăn Tết lớn.
Song, theo tôi, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt, việc trúng mùa được giá như xưa giờ hiếm lắm. Vụ cá nam vừa rồi, nhiều ngư dân cũng lao đao, thu không đủ bù chi, nên họ rất hy vọng vụ bấc gỡ gạc lại”.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, cũng với chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, Chi cục còn thường xuyên tập huấn, hướng dẫn ngư dân về các tiến bộ kỹ thuật mới, để tăng năng suất, nâng cao giá trị hải sản.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017; các nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, theo quy định (IUU); các quy định khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an toàn cho người, tàu cá khi ra khơi.
Khuyến khích chủ tàu khai thác xa bờ lắp thiết bị hành trình VMS, đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết trên biển để tương trợ lẫn nhau khi biến động…
Kéo dài từ tháng 10 AL năm trước đến tháng 3 AL năm sau, mặc dù chịu nhiều bất lợi của thời tiết nhưng vụ cá bấc vẫn được ngư dân mong đợi bởi những đàn cá nổi và nhiều loại cá tầng đáy có giá trị cao thường xuất hiện.
Do vậy, đây là thời điểm ngư dân tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm sẵn sàng vươn khơi, đón đầu vụ bấc với hy vọng cá đầy khoang.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.