Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 | 17:37

Người dân xã Quảng Thọ xuyên trưa đi kiếm thức ăn cho cá

Những đợt mưa, lũ và rét trong khoảng thời gian vừa qua khiến cỏ mà người dân trồng để làm thức ăn cho cá trắm cỏ chết rụi. Trước tình cảnh đó, để đảm bảo cá nuôi không bị đói, hụt cân nặng người dân xã Quảng Thọ phải xuyên trưa đi kiếm thức ăn cho chúng.

Ông Nguyễn Dũng, 64 tuổi, người nuôi cá lồng tại thôn Nam Phò A, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, khoảng từ năm 2015 gia đình ông bắt đầu tham gia nuôi cá lồng ở ven sông Bồ và đến nay ông Dũng đã đầu tư được 2 lồng nuôi. Toàn bộ cá gia đình ông nuôi là loại cá trắm cỏ.

 

Ông Dũng đi cắt bèo tây từ xã Quảng Thái về cho cá ăn.
Ông Dũng đi cắt bèo tây từ xã Quảng Thái về cho cá ăn.

 

Để đáp ứng được nguồn thức ăn ổn định cho cá, gia đình ông Dũng phải thuê thêm đất ruộng của những người khác để trồng cỏ cho chúng ăn với mức giá 2 triệu đồng/sào (500 m2)/năm. Hiện tại, gia đình ông có 5 sào ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, các đợt mưa, lũ và rét nhiều ngày qua đã khiến toàn bộ cỏ trồng này chết rụi.

“Giờ cỏ thì không có, mà cho cá ăn bột hoặc sắn khô thì chi phí cao quá, giá 01 bao bột giờ là 320.000 đồng rồi, khoảng 10 ngày mới cho chúng ăn 1 lần. Mà không cho ăn thì cá dễ bị hao thịt, thậm chí đói quá gặp thời tiết bất lợi khả năng đề kháng kém là dễ chết lắm nên giờ chú phải tranh thủ chạy đi các vùng lân cận để cắt cỏ, bèo tây, rong rêu về làm thức ăn cho cá”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, cho cá ăn bột một phần là chi phí cao một phần thì chất lượng thịt không ngon và dễ bị thương lái ép giá thì người nuôi sẽ không có lãi. Vì vậy, khoảng thời gian này, họ phải tận dụng đi tìm nguồn thức ăn từ khắp nơi. Tuy nhiên, trước khi cắt bèo tây, cỏ hay rong rêu cho các ăn họ phải tìm hiểu thông qua người dân xung quanh để biết chính xác nguồn thức ăn này không bị phun thuốc diệt cỏ, hóa chất.

Để cá không bị gầy, giảm thịt ông Trung dùng sắn khô làm thức ăn cho cá của mình.
Để cá không bị gầy, giảm thịt ông Trung dùng sắn khô làm thức ăn cho cá của mình.

 

Ông Trung, 48 tuổi - một người nuôi cá trắm cỏ khác tại thôn Nam Phò A cho biết, nuôi cá lồng là công việc phụ và là nguồn thu nhập tăng thêm cho gia đình, do đó họ không có nhiều thời gian để đi tìm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, ông Trung dự định thu hoạch 230 con cá với trọng lượng khoảng 3kg/con trong dịp Tết Nguyên đán này nên giờ gia đình phải sử dụng sắn khô cho chúng ăn để tránh việc cá gầy và bị ép giá.

Vợ chồng ông Tý (50 tuổi) và bà Hồng (47 tuổi) chia sẻ, 2 vợ chồng phải đi xuyên buổi trưa với quảng đường dài hàng chục km để cắt rong mái chèo ở các sông hồ về làm thức ăn cho cá. Một chuyến đi cắt được vài bì rong nhưng chỉ đủ cho cá ăn trong ngày.

 

Vợ chồng ông Ty, bà Hồng xuyên trưa đi kiếm thức ăn cho cá.
Vợ chồng ông Tý, bà Hồng xuyên trưa đi kiếm thức ăn cho cá.

 

“Công việc nặng nhọc chúng tôi cũng làm được. Mưa lạnh thì mặc thêm áo, xuống lấy rong lên rồi thì đốt đống lửa hơ qua cho ấm rồi về nhưng mà đi như thế này thì tội nghiệp mấy đứa con ở nhà đi học về không có người lo cơm nước rồi chúng phải ăn uống lung tung. Giờ tôi phải chạy về coi chúng như thế nào đã”, bà Hồng nói trong lúc bỏ nhanh bì rong xuống cạnh lồng cá.

Quan sát tại các lồng nuôi cá trắm dọc sông Bồ đoạn đi qua xã Quảng Thọ, người dân tận dụng mọi nguồn nguyên liệu như lá chuối, thân cây chuối cắt mỏng, lá rau già… để làm thức ăn cho cá.

 

Người dân tận dụng rau xanh.
Người dân tận dụng rau xanh.
Hoặc rong mái chèo làm đồ ăn cho cá.
Hoặc rong mái chèo làm đồ ăn cho cá.
Thức ăn cho cá được người dân dự trữ cạnh các lồng nuôi.
Thức ăn cho cá được người dân dự trữ cạnh các lồng nuôi.

 

Tại xã Quảng Thọ, nếu thuận lợi một lứa cá trắm cỏ người dân thường nuôi trong khoảng 18 – 20 tháng, lúc này cá sẽ đạt trọng lượng 5 – 6 kg/con, ước tính thu về 40 – 50 triệu đồng/1 lồng (250 – 300 con). Sau khi trừ chi phí (khoảng 15 triệu) người nuôi cá thu về từ 25 – 35 triệu đồng/1 lứa cá/1 lồng.

Tuy nhiên, tùy thuộc từng thời điểm khác nhau mà người dân có thể thu hoạch cá sớm hơn dự định ban đầu. Điển hình, trong dịp Tết Nguyên đán nếu được giá thì những hộ dân có cá đạt trọng lượng từ 2,5 – 3kg/1 con trở lên cũng sẽ xuất bán để thu hồi vốn và bắt đầu vụ cá tiếp theo.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền Ngô Văn Dinh chia sẻ, với kinh nghiệm nuôi cá lồng ven sông Bồ lâu năm của người dân và sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng nên trong thời điểm mưa lạnh, giá rét vừa qua toàn bộ cá nuôi lồng trên địa bàn đều an toàn.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top