Cây thanh long không chỉ phát triển mạnh ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đã trồng thanh long, nên việc tiêu thụ nội địa rất khó khăn. Trong khi đó, thị trường chính là Trung Quốc đang dần “khép cửa”. Sức ép tiêu thụ sản lượng 700.000 tấn quả thanh long hàng năm của Bình Thuận ngày càng lớn.
Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương các tỉnh phía Bắc để nắm bắt kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp có phương án hiệu quả. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển.
Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương liên quan cần xác định lộ trình giảm dần lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới; tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, nhà nhập khẩu lớn, nhằm đẩy nhanh xuất khẩu chính ngạch.
Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long diễn ra tại Bình Thuận ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp luôn luôn đối mặt với 3 biến động lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, nếu không hiệp lực thì khó mà vượt qua. Để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, “trồng rồi lại chặt”, trước tiên người trồng cần tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát./.