Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2017 | 10:23

Nhà vườn tất bật chuẩn bị hoa Tết

Vẫn còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song các nhà vườn hoa cây cảnh trên cả nước đã tất bật chuẩn bị hoa Tết, với nhiều chủng loại phong phú, phù hợp túi tiền người tiêu dùng.

Buôn Ma Thuột: Hối hả chuẩn bị hoa Tết

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018, nhưng thời điểm này các nhà vườn ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã tất bật tưới nước, chăm bón cho từng khóm hoa, cây kiểng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết

Nhìn những người nông dân đang thoăn thoắt cắt tỉa, vun xới cho những khóm hoa mơn mởn, chúng tôi cảm nhận được không khí mùa Xuân đang đến gần. Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng hoa, chị Đỗ Thị Hồng Hải ở thôn 8, cho biết, những năm gần đây, do kinh tế khó khăn nên khách hàng mua hoa chơi Tết thường có xu hướng chọn những loại màu sắc rực rỡ, có hương thơm, lại giữ được lâu nên gia đình chị chủ yếu xuống giống các loại hoa truyền thống, giá cả phải chăng như: lay ơn, cúc vạn thọ, đại đóa, pha lê…

Để phục vụ Tết Nguyên đán, ngoài 2 sào chuyên trồng hoa cắm bình, chị Hải còn trồng thêm 150 chậu cúc. Hoa Tết là vụ sản xuất quan trọng, nhưng thời tiết năm nay diễn biến thất thường, mưa nhiều, cây dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh nên chị phải thường xuyên ở vườn để theo dõi và chăm sóc hoa.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh chăm sóc hoa chuẩn bị đón Tết.

Còn ở thôn 1, cứ vào khoảng tháng 9 âm lịch là gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh lại bắt đầu làm đất, xuống giống một số loại hoa, cây cảnh. Trên diện tích hơn 1 sào, bà Anh phân chia để trồng nhiều loại cây khác nhau, từ cây nhỏ để bàn, treo tường như: xương rồng, dương xỉ… cho đến những chậu hoa lớn có giá trị kinh tế cao. Theo bà Anh, công việc chăm sóc hoa tưởng đơn giản nhưng để hoa nở đúng dịp Tết và đạt chất lượng cao rất cần sự tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc và nhạy bén nắm bắt sự thay đổi của thời tiết để tiến hành bón thúc hay kìm hãm sự phát triển của cây.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngoài hàng nghìn chậu hoa, cây cảnh hiện có, năm nay bà còn nhập thêm khoảng 700 chậu hoa, cây cảnh mới lạ, độc đáo như: Ngọc dạ minh châu, hải đường, đỗ quyên… từ TP. Đà Lạt. Theo dự đoán của nhiều nhà vườn, năm nay các địa phương chuyên trồng hoa Tết ở miền Trung bị lũ lụt thiệt hại nặng nên giá hoa có thể tăng từ 5 – 10% so năm trước.

Ông Quách Thùy Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng cho biết, nếu như trước đây, các hộ dân chỉ trồng hoa với quy mô nhỏ, manh mún, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay toàn xã đã có trên 15 ha đất, chuyên trồng hoa chủ yếu ở thôn 8,9 với khoảng 50 hộ.

Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn mở rộng diện tích nên xã Hòa Thắng được xem là một trong những vựa cây cảnh lớn, chuyên cung cấp cho thị trường trong tỉnh, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Văn Giang: Rực rỡ sắc hoa Xuân Quan

Những ngày này, men theo triền đê sông Hồng, khi tầm mắt bắt gặp những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những chuyến xe tải nườm nượp nối đuôi nhau thu mua hoa, cây cảnh, ấy là ta đã đến với xã huyện Xuân Quan - Văn Giang (Hưng Yên)

Hơn 3 năm trở lại đây, diện mạo nông thôn Xuân Quan phát triển vượt bậc. Những diện tích sình lầy, ngập tràn lau sậy trước đây được người dân đầu tư, cải tạo, chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, hình thành những vườn hoa ngút ngàn tầm mắt. 

Anh Đàm Lê Huy chăm sóc hoa phục vụ Tết.

Nhờ đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun tưới, chiếu sáng tự động nên các  nhà vườn có thể chủ động trồng các loại hoa theo mùa, hạn chế sự tác động của thời tiết. Cứ mùa nào hoa ấy, các vườn hoa trong xã luôn rực rỡ sắc màu.

Ngoài việc quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nghề trồng hoa, cây cảnh, xã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong việc sản xuất hoa, cây cảnh cho bà con.

Ngoài ra, các nhà vườn trong xã còn liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, sản xuất hoa, cây cảnh, nhằm chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa, cây giống trong quá trình sản xuất.

Chính sự đoàn kết, đồng lòng từ lãnh đạo đến người dân, nên dù mới phát triển hơn 3 năm nay, nhưng làng hoa Xuân Quan được nhiều khách tham quan và thương lái biết đến. Hiện nay, toàn xã có trên 160 ha diện tích hoa, cây cảnh, rải đều ở các thôn, với khoảng 700 hộ làm nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các tỉnh bạn.

Ngoài các hộ trực tiếp sản xuất hoa, cây cảnh, cây công trình, xã còn có hàng trăm hộ kinh doanh hoa, cây cảnh, giá thể trồng hoa, cây cảnh, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ vận tải... nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân, thương lái và khách tham quan.

Năm nay, ngoài các loại hoa thảm, hoa giỏ treo như: Dạ yến thảo, cúc lá nho, ngọc thảo xoắn kết… các nhà vườn quan tâm đầu tư trồng và nhân giống các giống hồng nhập ngoại. Đến nay, Xuân Quan có hàng trăm giống hồng ngoại khác nhau được các nhà vườn nhân giống thành công với giá bán trung bình từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng/chậu.

Anh Đàm Lê Huy, thôn 8 chia sẻ: Trước đây tôi làm cây cảnh bon sai. Sau khi thị trường bon sai bão hòa, tôi đã chuyển sang trồng các loại hoa công trình. Nhờ kinh nghiệm của các nhà vườn đi trước, cộng thêm kiến thức thực tế ở Hà Nội, T.p Hồ Chí Minh, tôi đã mở rộng diện tích từ 700m2 lên gần 2 mẫu.

Năm nay, bên cạnh các loài hoa thảm, hoa giỏ treo, cây công trình, trên 2/3 diện tích vườn tôi tập trung trồng và nhân giống các loại hoa hồng ngoại, có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc…Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 5 – 6 vạn bầu hoa, cây công trình các loại, thu nhập đạt 700 triệu đồng/năm.

 Ông Nguyễn Ngọc Hàm, thôn 1 cho biết: Sau khi xuất ngũ, tôi bắt tay vào trồng các loài hoa cắt cành để bán, kết hợp làm bon sai. Năm 2010, chuyển hướng sang trồng các loài hoa giỏ treo, hoa thảm với diện tích trên 1 mẫu. Sau khi sản phẩm của các nhà vườn trong xã tìm được chỗ đứng trên thị trường, tôi quyết định thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng thêm 2,5 mẫu.

Năm nay, làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan được UBND tỉnh Hưng Yên xét công nhận làng nghề. Đây là dịp để các nhà vườn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa, cũng là dịp để quảng bá sản phẩm hoa, cây cảnh của địa phương đến khách tham quan trong và ngoài tỉnh. 

Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: “Trước đây, các hộ trồng hoa, cây cảnh trong xã không nhiều, chủ yếu trồng hoa phục vụ tết, các tháng còn lại người dân vẫn trồng ngô, đỗ tương để bảo đảm thức ăn cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, Xuân Quan đã chủ động học hỏi kinh nghiệm trồng hoa của các địa phương và áp dụng khoa học – kỹ thuật trong ươm, trồng các loại hoa, cây công trình. Trừ chi phí đầu tư, trung bình mỗi sào người dân thu lãi từ 30 – 50 triệu đồng”.

ĐBSCL: Hơn 10 triệu chậu hoa kiểng phục vụ tết 2018

Theo ước tính có khoảng 8-9 triệu chậu hoa kiểng các loại sẽ được nông dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) cung ứng cho nhu cầu thị trường khắp nơi trong dịp Tết. Cúc mâm xôi, cúc tiger, vạn thọ, hoa treo giàn, mai vàng, tắc kiểng… đã và đang được người dân chăm sóc, nhằm đảm bảo cho hoa kiểng tươi tốt và nở bông đúng dịp tết.

Ngoài ra, kiểng thú hình 12 con giáp cũng là thế mạnh của làng hoa kiểng Chợ Lách, cũng đang được các nghệ nhân nơi đây o bế; trong đó, nhiều hộ tập trung sản xuất kiểng thú hình các chú chó ngộ nghĩnh để phục vụ năm Mậu Tuất.

Nông dân ĐBSCL chăm sóc cây kiểng kịp  phục vụ  Tết 2018.

Ông Nguyễn Văn Vĩ, hộ sản xuất kiểng thú ở Chợ Lách, bộc bạch: “Năm nay dự kiến tung ra thị trường khoảng 50 "chú chó", với giá bán dự định từ 3- 5 triệu đồng/"con" (tùy lớn nhỏ). Đa phần các sản phẩm kiểng thú đều được thương lái các nơi, các đơn vị… đến đặt mua vào thời điểm trước tết”.

Tại làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đang nhộn nhịp vào vụ tết. Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ xã Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Liên tục mấy tháng nay gia đình tập trung o bế hơn 4.000 chậu cúc mâm xôi cho đẹp để bán đúng vào dịp tết 2018. Thông thường 1 vụ cúc mâm xôi kéo dài khoảng 6 tháng và đến nay đã hơn phân nửa đoạn đường. Về cơ bản thời tiết năm nay tạm ổn, ít sâu bệnh nên cúc phát triển bình thường, nông dân đang hy vọng cúc sẽ nở bông đúng dịp tết nhằm bán được giá cao”.

Chị Huỳnh Ngọc Tuyền, ngụ ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc) bộc bạch: “Dân ở làng hoa kiểng Sa Đéc gần như sản xuất quanh năm, vì vậy mà nhiều người gọi nơi đây là “thành phố 4 mùa hoa”.

Tuy nhiên, mùa hoa tết vẫn là chủ lực, bởi hộ nào cũng đầu tư sản xuất số lượng lớn nhằm đưa hoa kiểng Sa Đéc đi tiêu thụ khắp nơi. Bình quân chi phí đầu tư 1 chậu hoa khoảng 15.000- 20.000 đồng (tùy loại), nếu đến tết bán được từ 30.000 đồng/chậu trở lên, sẽ có lời. Riêng cúc mâm xôi đầu tư cao hơn và giá bán phải từ 50.000- 70.000 đồng/chậu mới đảm bảo lợi nhuận”.

Theo Hội Sinh vật cảnh TP. Sa Đéc, diện tích hoa kiểng hiện trên 510 ha, dự kiến nông dân cung ứng ra thị trường tết 2018 từ 2- 3 triệu chậu hoa kiểng các loại…

An Như (Tổng hợp)
 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top