Theo ông Văn Công Thới - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đã làm việc với các cơ quan Trung ương, các ngành, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện các tiêu chí, tìm kiếm, bổ sung tài liệu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm.
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện việc hỗ trợ tỉnh Bình Thuận qua hai con đường: Hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản; và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình này.
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, các cơ quan hữu quan đã phải tác động ở nhiều cấp, các kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực. Theo đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước còn lại.
"Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản và Cục Sở hữu trí tuệ đã ký thoả thuận. Theo đó, họ đăng ký với chúng tôi cấp cho 3 sản phẩm của Nhật Bản chỉ dẫn địa lý đó là thịt bò, hồng, cá hồi. Và họ cấp cho chúng ta 3 sản phẩm là vải thiều Lục Ngạn, hai là thanh long Bình Thuận và 3 là cà phê Buôn Ma Thuột", ông Đinh Hữu Phí thông tin thêm.
Việc được Nhật Bản cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý theo nhận định của các chuyên gia là có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là các thị trường khó tính… Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Ông Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết: "Việc đăng ký nước ngoài rất quan trọng để bảo vệ thị trường của chúng ta ở nước ngoài. Vấn đề sắp tới đây là cần phải hỗ trợ, hướng dẫn và giúp các địa phương có sản phẩm đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ ở trong nước mà cả các nước là thị trường tiềm năng".
Trước thanh long Bình Thuận, năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang cũng được Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật và các thị trường khác./.