Rất nhiều địa phường ở miền núi phía Bắc thời gian qua đã thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng khác và đã xuất hiện những mô hình cho thu nhập cao.
Tủa Chùa chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập
Người dân bản Phô, xã Trung Thu (Tủa Chùa) chăm sóc cây dâu tây. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Thời gian qua, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả hoặc không thuận lợi nguồn nước tưới sang các loại cây trồng khác. Tại những khu vực chuyển đổi đã xuất hiện những mô hình mang lại thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống.
Ðến nay, huyện Tủa Chùa đã chuyển hơn 200ha đất nương bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của từng vùng như xoài Ðài Loan (tại các xã: Xá Nhè, Sính Phình); lê Ðài Loan (Lao Xả Phình, Sín Chải); chanh leo (Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải); mít Thái Lan (Tủa Thàng, Huổi Só); sa nhân (Mường Ðun, Sính Phình, Tủa Thàng, Tả Phìn, Sín Chải, Huổi Só); khoai sọ, bí đỏ, su su (Trung Thu); mắc ca (Mường Ðun, Mường Báng).
Trước đây, trên những diện tích nương, chân ruộng một vụ tại bản Phô, xã Trung Thu, người dân chỉ biết trồng ngô, lúa nương; năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm gần đây, dân bản đã chuyển đổi sang trồng rau màu cho thu nhập cao hơn.
Là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi cây trồng, ông Thào A Tinh, bản Phô cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển 5.000m2 đất trồng lúa nương, ngô sang trồng các loại rau củ quả là su su, khoai sọ, bí đỏ. Những loại cây này đều thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trường, phát triển tốt cho năng suất cao. Hiện nay chúng tôi được hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó”.
Ðến nay, sau 2 năm triển khai, cây dâu tây hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất cao, quả to, mọng nước và rất ngọt; hiệu quả kinh tế gấp 5 - 6 lần sản xuất các loại cây trên nương truyền thống. 100% sản lượng dâu tây được HTX H’Mông thu mua tận vườn; trung bình 1.000m2 trồng cây dâu tây cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Nhận thấy dâu tây phù hợp với địa phương, xã Trung Thu khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tạo vùng nguyên liệu ổn định.
Anh Thào A Vừ, cán bộ khuyến nông xã Trung Thu cho biết: Hiệu quả kinh tế từ cây dâu tây cũng như các loại cây khác như: Chanh leo, su su, khoai sọ tím mà xã đã triển khai trồng thay thế đều cao gấp nhiều lần so với canh tác các cây trồng truyền thống. Trồng những loại cây này đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng điều đó cũng góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân vùng cao, giúp người dân từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế chuyển đổi cây trồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi hiện nay gặp trở ngại là hầu hết diện tích chuyển đổi là khu vực vùng cao, quy mô, diện tích còn nhỏ, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung. Chủ thể thực hiện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn khó khăn về kinh tế, thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất; năng lực và trình độ canh tác còn thấp.
Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể nâng cao chất lượng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, thời gian tới huyện Tủa Chùa tiếp tục xác định lợi thế của từng địa bàn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trọng điểm, ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo hướng liên kết sản xuất. Ðối với các xã phía Bắc, huyện tập trung phát triển các loại cây ăn quả bán ôn đới chịu được lạnh như: Su su, chanh leo, rau cải… Các xã phía Nam tập trung phát triển các loại cây phù hợp khí hậu cận nhiệt đới như: Nhãn, mít, bưởi, cam...
Cách làm của Huổi Luông
Chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, phù hợp với tình hình địa phương, xã Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, duy trì và tăng mức thu nhập hàng năm cho người nông dân nơi biên giới.
Người dân xã Huổi Luông (Phong Thổ) chăm sóc cây ngô. Ảnh: Báo Lai Châu
Trước đây, xã Huổi Luông được biết đến là “xứ sở” của cây chuối tây. Cao điểm nhất là từ năm 2016 đến giữa năm 2018, toàn xã có trên 900ha. Chuối được trồng phổ biến ở 21/21 bản của xã với trên 90% số hộ trong xã tham gia trồng. Vào thời điểm đó, khắp các bản đâu đâu cũng phủ màu xanh bạt ngàn của chuối và mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân (trung bình đạt từ 150-160 triệu đồng/ha). Chuối tây trở thành cây trồng chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 trở lại đây, chuối bắt đầu xuất hiện bệnh héo rũ Panama và có mức độ lây lan nhanh. Cây kém phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả, thậm chí những cây con mọc ra từ gốc bố mẹ bị bệnh cũng bị héo rũ phải chặt bỏ sau nhiều tháng trồng.
Anh Hoàng A Dọ - Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết: “Thấy cây chuối bị bệnh nhiều nên xã đã tuyên truyền, vận động Nhân dân chặt bỏ, chuyển đổi sang trồng các loại cây quen thuộc khác như: sắn, ngô. Sở dĩ chúng tôi chọn 2 loại cây này đầu tiên vì các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Sản phẩm thu hoạch phục vụ nhu cầu chăn nuôi và bán ra thị trường. Những năm gần đây, nhu cầu thị trường cao, sức tiêu thụ tốt, nhất là sắn củ giá thành tăng cao. Năm 2020, có lúc sắn đạt 2.000-2.200 đồng/kg tươi, gấp đôi so với những năm trước”.
Để việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, xã Huổi Luông quan tâm tuyên truyền cho Nhân dân căn cứ trên diện tích đất của từng hộ gia đình để cân đối chuyển đổi loại cây trồng phù hợp. Trước khi chuyển đổi, khuyến cáo Nhân dân tiến hành chặt, phơi khô, đốt hết thân và lá cây chuối để ngăn chặn mầm bệnh. Trong quá trình canh tác, chú trọng hơn đến khâu chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2020, diện tích ngô do bà con trồng đạt 713ha (tăng 56ha so với năm 2019), diện tích sắn là 150ha. Sản lượng sắn, ngô lần lượt đạt 16.500 tấn và 2.967,6 tấn. Cùng với ngô, sắn, xã khuyến khích bà con duy trì trồng 129ha cây nghệ, 336ha lúa mùa, 2ha lạc, 1ha đậu tương. Nhờ đó, mùa nào thứ đấy, các loại cây trồng phát triển tốt, mang lại thu nhập cho nông dân. Năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2019). Số lượng hộ nghèo của xã giảm từ 168 hộ (năm 2019) xuống còn 149 hộ (năm 2020).
Pô Tô là một trong số những bản phát triển nhất của xã Huổi Luông nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo lời kể của anh Giàng A Dụ - Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng bản Pô Tô, trước đây đời sống bà con khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ cây chuối mà hộ nghèo vươn lên cận nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thành hộ trung bình và từ hộ trung bình thành hộ khá. Gắn bó với cây chuối nhiều năm khi phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác bà con rất tiếc. Song để đảm bảo cuộc sống, có thu nhập, bà con đồng thuận chuyển đổi từ chuối sang các cây trồng khác (nghệ đen, sắn, ngô). Giờ đây, thay vì 100ha chuối như trước, cả bản chỉ còn khoảng 13% số hộ trồng chuối, diện tích là 4ha.
Anh Giàng A Phô, người dân bản Pô Tô chia sẻ: “Năm 2020, gia đình tôi chuyển đổi từ trồng chuối sang trồng sắn và nghệ. Gặp thời điểm sắn được giá, nghệ dễ bán, mang lại cho gia đình 30 triệu đồng tiền lãi. Cùng với cấy lúa và chăn nuôi, hiện nay cuộc sống gia đình tôi ổn định, nuôi các con ăn học đầy đủ”.
Với mong muốn tìm ra loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, trong 2 năm 2019 và 2020 xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng xoài và chuối cấy mô. Trong đó, xoài được các hộ dân ở bản Pô Tô trồng với diện tích 28ha. Chuối trồng ở bản Ma Lù Thàng 2. Các loại cây đều cho tỷ lệ sống cao, mức sinh trưởng, phát triển tốt. Một số cây soài cao hơn 1m, bắt đầu ra hoa.
Anh Lý A Xà, người dân bản Pô Tô cho hay, tháng 7/2020 gia đình anh tham gia mô hình trồng xoài với 280 gốc trồng trên diện tích 1,6ha. Được chăm sóc cẩn thận, cây phát triển nhanh giờ đã cao khoảng 1m. Một số cây đã ra hoa gia đình rất mừng. Tuy nhiên, để nuôi cây gia đình anh tỉa hoa đi, chờ đợi những mùa hoa sau.
Năm 2021, xã dự kiến tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thí điểm trồng 30ha mắc-ca ở 2 bản: U Ra và La Vân. Hiện, xã đang tổ chức cho Nhân dân đăng ký, đến tháng 6, tháng 7 sẽ đưa vào trồng mắc-ca. Đối với cây quế, xã trồng 40ha ở các bản: Huổi Luông 1, Huổi Luông 3 và Hồ Thầu. Khi bắt đầu triển khai trồng xã sẽ phối hợp mở 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc quế và mắc-ca cho người dân.
Chia sẻ về các loại cây trồng mới, anh Dọ khẳng định: “Xoài, chuối cấy mô được lựa chọn giống kỹ lưỡng, có nhiều ưu điểm như: quả to, ngon, ngọt, hình thức bắt mắt, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Khi trồng đảm bảo mật độ, khoảng cách nên triển vọng lớn. Riêng với mắc-ca, quế có tỷ lệ dinh dưỡng và tỷ lệ dầu cao, hứa hẹn khi thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Các mô hình nếu thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng”.
Với sự chủ động trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Huổi Luông sẽ thực hiện thành công mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, phá thế độc canh cây lúa, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, đẩy lùi đói nghèo nơi biên giới.
Yên Bái chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu
Trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Yên Bái
Yên Bái là tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn nhưng chủ yếu là đất lâm nghiệp, còn đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa không có nhiều (tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm trên 42.000 ha; trong đó, lúa xuân trên 19.000 ha, lúa mùa trên 23.000 ha). Không chỉ vậy, mà có rất nhiều chân ruộng chua, ám sơn, ven sông suối nên thường xuyên ngập úng...
Để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha (cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn 1.400 ha; cánh đồng Đại - Phú - An và Đông Cuông huyện Văn Yên 600 ha, cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên 500 ha).
Sản lượng lúa hàng hóa hàng năm đạt trên 28.000 tấn. Sản xuất ngô đã hình thành được vùng chuyên canh tập trung với trên 12.500 ha tại các huyện: Văn Yên 2.000 ha, Lục Yên 2.000 ha, Văn Chấn 2.800 ha, Trấn Yên 400 ha, Yên Bình 500 ha, Trạm Tấu 1.800 ha, Mù Cang Chải 3.000 ha; sản lượng ngô đạt 99.000 tấn/năm.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, nâng cao hiệu quả sản xuất trên mỗi héc - ta canh tác, bà con đã tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu mang lại kết quả rất tốt. Trong 3 năm (2017 - 2020) toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên 1.712 ha.
Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm (ngô, rau màu) 808,7 ha gồm: đất 2 vụ lúa 668,67 ha; đất 1 vụ lúa 140,04 ha. Hiệu quả kinh tế của diện tích chuyển đổi sang trồng ngô, rau, hoa cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2 - 3 lần. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng dâu tằm và cây ăn quả 733,92 ha.
Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế của diện tích chuyển đổi sang trồng dâu tằm cho giá trị kinh tế cao gấp 3,5 - 4 lần so với trồng lúa. Đối với 169 ha chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng lúa. Chuyển đổi và xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm với diện tích 121 ha; trong đó, thành phố Yên Bái 70 ha, huyện Văn Chấn 30 ha, huyện Văn Yên 11 ha, huyện Lục Yên 10 ha.
Đặc biệt, người dân đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cùng người dân cùng liên kết tham gia sản xuất hiệu quả và hiện đã có 3 hợp tác xã tại 3 xã: Âu Lâu, Tuy Lộc, Văn Phú của thành phố Yên Bái với 109 thành viên sản xuất 10,23 ha, năng suất trung bình 160 tạ/ha. Các sản phẩm rau an toàn do các hợp tác xã sản xuất ra được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có dán tem, truy xuất được nguồn gốc.
Vài năm trở lại đây, huyện Trấn Yên tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, huyện đã có 700 ha dâu và năm 2017 sản lượng kén mới đạt 200 tấn thì năm 2019 đạt 700 tấn và năm 2020 này chắc chắn đạt trên 750 tấn và dự kiến thu về không dưới 75 tỷ đồng.
Chị Lê Thị Phương ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành phấn khởi: "Trồng dâu nuôi tằm nhàn hơn trồng lúa; thu nhập lại cao gấp 3 - 4 lần. Gia đình tôi có 5 sào đất kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2015 và thấy hiệu quả nên thuê thêm 5 sào nữa với giá 500.000 đồng/vụ để trồng dâu nuôi tằm. Bình quân mỗi năm gia đình nuôi 8 lứa tằm, mỗi lứa 7 nong tằm… sau khi trừ chi phí thu lãi còn trên 50 triệu đồng”.
Gia đình ông Vũ Viết Lâm cũng ở thôn Lan Đình trồng 15 sào dâu, mỗi năm nuôi trên dưới 200 vòng tằm thu 3 tấn kén, bán thu trên dưới 300 triệu đồng…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu có giá trị kinh tế cao đã và đang rất thành công ở địa phương, góp phần khai thác lợi thế về đất đai và bảo đảm thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi héc - ta canh tác.
Mai Châu linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa
Gia đình anh Hà Văn Uần, xóm Đồng Uống, xã Mai Hạ (Mai Châu) chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Báo Hòa Bình
Từ xã Tòng Đậu đến thị trấn Mai Châu (Hòa Bình), các xã: Chiềng Châu, Vạn Mai, Mai Hạ, ngay từ tháng 2 song song với cấy lúa, bà con tích cực chuyển đổi các ruộng cạn, thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác, nhất là dưa hấu và các loại bí lấy hạt, mướp đắng lấy hạt. Theo báo cáo của UBND huyện, vụ này, toàn huyện có trên 90 ha diện tích đất lúa được chuyển sang trồng các loại cây khác. Không chỉ vụ này, từ nhiều năm qua, huyện đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên đất lúa, đạt được hiệu quả kinh tế cao. Dưa hấu Mai Hạ và nhiều loại rau, củ, quả đã, đang tạo được dấu ấn trên thị trường.
Mai Hạ là xã tiên phong trong chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác của huyện. Thời điểm này, không khí sản xuất ở cánh đồng xã Mai Hạ diễn ra hết sức khẩn trương. Theo lãnh đạo xã cho biết, vụ này, xã trồng 37 ha dưa hấu, 8 ha ngô, hơn 2 ha bí lấy hạt và hơn 4 ha hoa màu các loại. Đồng đất khá bằng phẳng, con đường nội đồng được cứng hóa đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên thửa ruộng rộng hơn 500 m2, gần 5 năm trở lại đây, gia đình anh Hà Văn Uần, xóm Đồng Uống không còn cấy lúa mà chuyển sang trồng mướp đắng lấy hạt. Những ngày này, anh luôn có mặt ngoài ruộng để tưới nước, chăm bón cho ruộng mướp đắng đã trồng được 10 ngày. Anh Uần chia sẻ: So với trồng lúa thì trồng mướp đắng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Vụ này, gia đình tôi trồng tổng 1.500 m2 mướp đắng lấy hạt và bí lấy hạt, chỉ còn cấy một ít diện tích lúa.
Cũng giống như anh Uần, nhiều năm qua, gia đình ông Hà Văn Tư, xóm Lầu, xã Mai Hạ cũng đã chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng dưa hấu, bí lấy hạt và lặc lày, với diện tích hơn 4.000 m2. Theo ông Tư chia sẻ, kể từ khi chuyển sang trồng các loại cây nói trên đã giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, trồng dưa hấu đã trở thành hướng đi mà ông và nhiều hộ dân ở xã Mai Hạ lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. "Mấy năm nay, đầu ra của dưa hấu ổn định, thu hoạch được bao nhiêu tư thương đều mua hết. Năm vừa rồi, dưa hấu đã có nhãn hiệu nên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn trồng bí cũng không lo đầu ra vì chúng tôi liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty trước khi trồng”, ông Tư cho biết.
Việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho ông Tư và người nông dân trên địa bàn huyện Mai Châu. Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Sản phẩm từ diện tích đất lúa chuyển đổi đều tiêu thụ khá thuận lợi. Như năm 2020, diện tích trồng dưa hấu của huyện là 40 ha, sản phẩm đã có tem chứng nhận và được tiêu thụ không chỉ trong huyện, tỉnh mà nhiều tư thương ở các tỉnh khác về thu mua tận vườn. Sản phẩm khác như ngô, lạc vừa đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, vừa là nguồn cung cấp cho dịch vụ du lịch tại địa phương.
Để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng năm, nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi cây trồng, điều này không những đa dạng hóa nhiều loại cây trồng vào sản xuất mà còn giúp tăng thu nhập cho người dân.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…