Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác trong nước có thể phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa vì không đáp ứng được các yêu cầu quy định trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và Thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/2/2016.
Doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục cấp phép
Trước đây, hoạt động quản lý phân bón là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. Kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, sản phẩm phân bón được chia ra làm 2 nhóm riêng biệt: phân hữu cơ vẫn thuộc bộ NN-PTNT quản lý, phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương quản lý.
Năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 2114/BCT-HC và Thông tư 29/2014/TT-BCT về việc triển khai hợp quy sản phẩm thực hiện Nghị định 202. Hoạt động hợp quy đối với những sản phẩm phân đơn (urea, lân, kali) chưa thấy vướng mắc. Tuy nhiên, sản phẩm phân hỗn hợp như NPK do chưa có quy chuẩn quốc gia đã khiến nhiều DN lúng túng. Để tháo gỡ, ngày 20/4/2015, Cục Hóa chất có công văn số 389a/CHC-SPT gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn công bố hợp quy các sản phẩm phân bón vô cơ theo Thông tư 29 của Bộ Công Thương, trong đó nói rõ “khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa ban hành thì tạm thời theo các tiêu chuẩn cơ sở của DN sản xuất tự công bố (theo danh mục phân bón như Nghị định 191 trước đây). Sau khi có hướng dẫn, các DN sản xuất phân bón đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ và công bố hợp quy sản phẩm phân bón NPK gửi về Sở Công Thương các tỉnh, thành theo quy định.
Đại diện Cục trồng trọt trao đổi với các doanh nghiệp tại hội thảo về quản lý phân bón.
Tuy nhiên, với khoảng 5.000 - 7.000 sản phẩm phân bón vô cơ hỗn hợp hiện nay mà số lượng phòng phân tích được chỉ định thì không nhiều, vì vậy các DN phải “xếp hàng” chờ trong nhiều tháng để mong được đến lượt. Trong khi chờ được hợp quy, các DN sản xuất phân bón đang ở tình trạng “dở khóc dở cười” bởi vì nếu sản xuất mà trên bao bì chưa in dấu hợp quy thì nguy cơ sản phẩm sẽ bị xem là hàng giả và kém chất lượng. Nếu tạm ngừng sản xuất, chờ được cấp dấu hợp quy thì thiệt hại cho DN sẽ vô cùng lớn. Phân bón là mặt hàng kinh doanh liên quan tới mùa vụ, vì vậy, các DN có sản phẩm mà không dám bán.
Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, kể từ khi Nghị định 202 có hiệu lực, việc quản lý phân bón vô cơ được giao toàn bộ cho Bộ Công Thương. Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách về phân bón nên chỉ trông chờ vào lực lượng quản lý thị trường, mà đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm việc thanh kiểm tra hàng hóa khi đang lưu thông. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan tới phân bón gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài sản phẩm phân bón vô cơ thì trong số khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón khác mà các Sở NN-PTNT và các DN gửi về Cục Trồng trọt, đến nay, mới chỉ có trên 240 sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp phép. Phần lớn các hồ sơ gửi về cục chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân khiến hồ sơ không đầy đủ như có những DN đã tiến hành làm khảo nghiệm cho sản phẩm nhưng lại chưa lập hội đồng để đánh giá, công nhận kết quả khảo nghiệm. Nhiều DN còn nhầm lẫn giữa hợp quy với chất lượng.
Quy định chưa rõ ràng
Theo Cục Trồng trọt, kể từ khi quy định mới về quản lý phân bón có hiệu lực, đơn vị đã tiếp nhận 141 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Tuy nhiên, qua thẩm định, hầu hết các hồ sơ đề nghị cấp phép đều chưa hợp lệ. Hầu hết các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu quy định về nhân lực. Chính vì vậy, đến nay mới chỉ cấp phép sản xuất cho 21 đơn vị với 240 loại phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Hóa chất Cần Thơ cho biết, DN của ông đã nộp hồ sơ 6-7 tháng nay, nhưng đang vướng ở quy định về nhân lực.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ và các loại phân bón khác có nguy cơ bị đóng cửa do vướng các thủ tục đăng ký.
Theo quy định tại Điều 8, mục 3, khoản a Nghị định 202, để được sản xuất phân bón, công ty sản xuất phân bón phải có đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 41 quy định phải kèm theo bản sao chứng thực các văn bằng, chứng chỉ của từng người chứng minh giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về hóa, lý, sinh học.
“Công ty chúng tôi có nhiều xí nghiệp thành viên và đã có một phó giám đốc xí nghiệp sản xuất phân bón là kỹ sư hóa được đào tạo bài bản tại Đại học Cần Thơ. Người này chịu trách nhiệm trước công ty và ban giám đốc về quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, song người này lại không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty. Chính vì vậy, khi nộp hồ sơ vẫn không được xét duyệt. Phía cơ quan quản lý yêu cầu giám đốc công ty, người có tư cách pháp nhân, phải có bằng đại học liên quan đến chuyên môn này. Bản thân tôi do yêu cầu về quản lý nên đã có tới 4 bằng đại học nhưng lại không có bằng liên quan đến chuyên môn theo quy định. Như vậy nếu đáp ứng đúng quy định bắt buộc này thì công ty phải mất 4-5 năm nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Chẳng lẽ bây giờ chúng tôi phải tạm dừng sản xuất và đợi đến lúc đó chắc tôi cũng đã nghỉ hưu rồi”, ông Hào bức xúc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng và ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong ban giám đốc chỉ cần một người có bằng cấp chuyên môn theo quy định là được. “Không ai bắt buộc anh là tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc phải có bằng chuyên môn, chỉ cần người trực tiếp quản lý sản xuất có bằng cấp chuyên môn là được”, ông Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến điều kiện sản xuất phân bón, đại diện một DN cho rằng, các quy định trong nghị định và thông tư chỉ thiết kế phù hợp với DN đã có cơ sở vật chất sẵn, còn đối với các DN đầu tư mới vào lĩnh vực này thì dường như còn “bỏ ngỏ”. Để được sản xuất phân bón, DN phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật. “Tuy nhiên, khi một DN mới muốn đầu tư vào lĩnh vực này, họ chưa biết có được chấp nhận hay không thì làm sao dám mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng, phòng thử nghiệm...”, vị này đặt câu hỏi.
Ông Phan Duy Đức, Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Hiếu Giang cho biết, công ty ông được thành lập năm 2002. Năm 2004, doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê. Năm 2005, các sản phẩm phân hữu cơ của công ty đã được công bố trong danh mục, nhưng hiện nay có nguy cơ phải đóng cửa do các quy định liên tục thay đổi. Khi công ty ông làm thủ tục để gia hạn trong danh mục phân bón thì bị trễ, chính vì vậy mà hiện nay sản phẩm của đơn vị này không có trong danh mục, mà theo quy định của Nghị định 202 thì sản phẩm không có trong danh mục thì không được hợp quy.
“Hiện DN muốn xin giấy phép hoạt động phải công bố hợp chuẩn, hợp quy về phân bón. Tuy nhiên, nếu chờ hợp quy thì công ty phải khảo nghiệm lại sản phẩm và phải chờ kết quả trong một năm. Nếu các cơ quan quản lý không có hướng mở để DN Việt Nam có điều kiện phát triển thì trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thị trường phân bón trong nước sẽ phải nhường sân chơi cho nước ngoài nhảy vào”, ông Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết, với những trường hợp sản phẩm không thay đổi công thức, thành phần nhưng hiện không thể công bố hợp quy bởi không đúng theo Thông tư 41, Cục Trồng trọt sẽ tập hợp phản ánh từ các doanh nghiệp để trình lên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem xét, giải quyết.
Trước những khó khăn của các DN trong ngành sản xuất phân bón hiện nay, ông Ma Quang Trung cho biết, Cục sẽ ghi nhận các ý kiến của các DN đang gặp vướng mắc trong các quy định của Nghị định 202 và Thông tư 41 để trình lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét điều chỉnh Thông tư 41 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Quang Minh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.