Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 1 năm 2017 | 3:45

Nhiều thách thức kiểm soát lạm phát dưới mức 4% năm 2017

Năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới và việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Dù mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% trong năm 2016 đã thành công - ở mức 4,74%, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới và việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội đề ra trong năm nay ở mức 4% sẽ khó đạt được.

Theo Tổng cục thống kê, bình quân mỗi tháng năm 2016 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4%; chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so tháng 12 năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Đây là một thành công trong điều hành chính sách của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc kiểm soát lạm phát và điều chỉnh giá một số dịch vụ công tiệm cận với giá thị trường, đảm bảo điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

Năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều thách thức trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động lên lạm phát. Cụ thể, việc điều hành chính sách tiền tệ vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời, phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 cũng ở mức cao song dư địa chính tài khóa bị hạn chế.

Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới dự báo khả năng tiếp tục tăng trong năm nay; mức lương tối thiểu vùng tăng 6,7 - 7,5% từ 01/01/2017; mức lương cơ sở tăng 7,4% từ 1/7/2017 và việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa dịch vụ quan trọng như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước… sẽ tác động nhất định lên mặt bằng giá.

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương phân tích: “Giá hàng hóa thế giới năm 2017 nhiều khả năng tăng. Quỹ tiền tệ quốc tế đã dự báo năm 2017 mặt bằng giá thế giới sẽ tăng 10-15% so với năm 2016 mà chúng ta là nước nhập khẩu rất lớn nên giá hàng hóa thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Thứ 2, tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra 6,7% của năm 2017 cũng là tương đối cao. Nền kinh tế muốn tăng trưởng cao thường cũng phải nới lỏng chính sách đầu tư và chính sách tiền tệ, tạo sức ép lên lạm phát. Thứ 3, đồng đôla Mỹ tăng do FED tăng lãi suất và sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống cũng khiến xu hướng hồ hởi của thị trường Mỹ tăng. Thứ 4, năm 2017 còn rất nhiều địa phương tăng giá dịch vụ y tế. Do vậy, mục tiêu 4% là tương đối khó đạt được”.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá thì trong năm 2017 cần điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm cao độ, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Còn lãi suất, về cơ bản sẽ ổn định và phải có chính sách tài khóa thắt chặt. Phải sử dụng nguồn ngân sách một cách hợp lý nhất. Chính sách tài chính cũng vô cùng quan trọng, tác động tới kiểm soát lạm phát. Với chính sách tài khóa chặt chẽ được thực thi một cách có hiệu quả cũng như kiểm soát việc chi tiêu của nguồn ngân sách một cách hợp lý thì chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 là 4% có thể khả thi”.

Trước những áp lực lên lạm phát, các chuyên gia khuyến cáo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều hành giá (giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện, giá nước sinh hoạt), lãi suất và tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ./.

Theo Cẩm Tú/VOV

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top