Vừa qua, giống đậu nành Vinasoy 02-NS do Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) chọn tạo đã được Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT chính thức ra thông báo chấp nhận cho lưu hành giống. Mặt khác, Vinasoy đã thử nghiệm phát triển vùng nguyên liệu đậu nành....
Được phép lưu hành giống đậu nành riêng Vinasoy 02-NS
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (thành lập năm 2013) đã lai tạo thành công 02 giống đậu nành mới, không biến đổi gen Vinasoy 01-CT và Vinasoy 02-NS được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT (Cục Trồng trọt) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng vào năm 2019.
Mới đây, Cục Trồng trọt đã chính thức ra thông báo chấp nhận tự công bố lưu hành giống Vinasoy 02-NS cho khu vực Tây Nguyên và Miền Trung. Giống Vinasoy 02-NS được lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính từ giống địa phương Cư Jút hoa trắng với giống mới có đặc tính nổi trội. Giống Vinasoy 02-NS có khả năng thích ứng tốt tại các vùng sản xuất, quả chín đồng đều, kích thước hạt lớn, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại, năng suất 25-35 tạ/ha, cao gấp 1,5-2 lần so với giống đậu nành truyền thống.
Theo ông Huỳnh Sơn Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) chia sẻ: “Giống đậu nành Vinasoy 02-NS được Cục Trồng trọt cấp phép lưu hành là một bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học của Vinasoy. Điều này khẳng định Vinasoy không chỉ là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành hàng sữa đậu nành – chiếm đến 85% thị trường trong nước mà còn đủ khả năng chọn tạo ra những giống đậu nành mới có đặc tính nông học phù hợp với các vùng nguyên liệu và đáp ứng chất lượng sản phẩm của Vinasoy”.
Bên cạnh đó việc sở hữu ngân hàng gen đậu nành phong phú với hơn 1.500 dòng/giống và áp dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống, trong thời gian tới VSAC sẽ đẩy nhanh việc chọn tạo những giống đậu nành mới cho từng vùng nguyên liệu trong nước, có phẩm chất hạt chuyên biệt và chất lượng phù hợp với các dòng sản phẩm phát triển cho người Việt Nam và các thị trường quốc tế của Vinasoy.
Tâm huyết phát triển vùng nguyên liệu đậu nành nội địa
Hạt giống đậu nành là đầu vào quan trọng cho hành trình phát triển vùng nguyên liệu đậu nành trong nước mà Vinasoy đã tâm huyết và nỗ lực gây dựng nhiều năm nay. Ngoài việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đủ, tốt, mang giá trị dinh dưỡng Việt Nam cho các sản phẩm của Vinasoy, phát triển vùng nguyên liệu đậu nành nội địa còn là trách nhiệm với cộng đồng, với nền nông nghiệp Việt Nam.
Vinasoy đã thử nghiệm thành công việc đưa cây đậu nành trồng trên đất lúa tại Miền Bắc (Hà Nội và Vĩnh Phúc) từ vụ Đông năm 2019. Đến đầu năm 2020, Vinasoy đã bắt đầu đưa cây đậu nành xuống ĐBSCL thử nghiệm trên đất lúa tại Đồng Tháp và Vĩnh Long. Thử nghiệm trên nền giống đậu nành Vinasoy 02-NS và giống địa phương cho thấy cây đậu sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, thời vụ và khí hậu khu vực ĐBSCL. Bà con nông dân cũng đánh giá giống Vinasoy 02-NS có nhiều ưu điểm vượt trội hơn giống địa phương.
Cùng với đó, Vinasoy cũng đã hợp tác với nhà sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất tại Việt Nam và thử nghiệm thành công máy gặt đậu nành. Đậu nành sau khi thu hoạch bằng máy đảm bảo chất lượng làm nguyên liệu cho Vinasoy theo tiêu chuẩn chọn lọc khắt khe. Việc trồng và thử nghiệm thành công máy gặt đậu nành trên đất lúa mở ra tiềm năng to lớn cho việc phát triển cây đậu nành tại ĐBSCL vào vụ xuân hè trong cơ cấu “2 vụ lúa - 1 vụ đậu”, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, Vinasoy đang phát triển vùng nguyên liệu tại bốn vùng trong cả nước: Miền Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL theo mô hình hợp tác toàn diện. Vinasoy cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng với giá cạnh tranh, đảm bảo nông dân có lời.
Đây là tiền đề quan trọng để phát triển trở lại diện tích trồng đậu nành tại Việt Nam, vốn dĩ thấp hơn nhiều so với với mục tiêu 166 nghìn ha của Chính phủ Việt Nam trình bày trong "Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2016-2020". Đồng thời, việc mở rộng vùng nguyên liệu trên cả nước cũng sẽ giúp Vinasoy có được nguồn đậu nành nguyên liệu chất lượng cao, tươi mới quanh năm và được “may đo” cho cá sản phẩm đặc thù và sáng tạo mà Vinasoy sẽ giới thiệu ra thị trường trong tương lai.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.