Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 8 năm 2022 | 11:16

Những mô hình nông nghiệp hiệu quả ở Sơn La

Nhằm thay thế những diện tích đất trồng cây kém hiệu quả, phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, nhiều địa phương ở Sơn La đã chú trọng chọn cây trồng có thế mạnh để mở rộng sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết ở Chiềng Pha

 

bi-xanh.jpg

Mô hình trồng bí xanh ở xã Chiềng Pha.

 

Chúng tôi đến bản Heo Trại - vựa trồng rau an toàn của xã, thăm mô hình trồng rau của gia đình anh Quàng Văn Pản, đúng vào thời điểm đang bước vào vụ thu hoạch bí xanh. Anh Pản cho hay: Cuối năm 2020, được chính quyền địa phương và Công ty rau quả Ngọc Linh tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã tiên phong chuyển đổi 5.000m² đất trồng lúa sang trồng bí xanh. Sau vụ đầu, thấy chất đất phù hợp với điều kiện canh tác, cây bí cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ lại ổn định, nên tôi đã mạnh dạn thuê, mượn đất của nhiều hộ lân cận để phát triển mô hình bí xanh và trồng thêm cải thảo gối vụ. Đến nay, diện tích trồng rau của gia đình đã mở rộng lên hơn 1 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha/vụ, doanh thu trừ chi phí cả 3 vụ thu về hơn 300 triệu đồng/năm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong bản chủ động chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng bí xanh, cải thảo. Toàn xã hiện có hơn 17 hộ trồng bí xanh, cải thảo với tổng diện tích hơn 4,3 ha. Tham gia ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH thương mại rau quả Ngọc Linh Sơn La, mỗi hộ dân được cung ứng giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, rau được chăm sóc đảm bảo, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên bí xanh, cải thảo sinh trưởng và phát triển tốt, sạch sâu bệnh, sai quả. Toàn bộ sản phẩm được Công ty cam kết thu mua trung bình với giá 6.000 đồng/kg; sản lượng đạt 30 tấn/ha. Theo tính toán, từ khi bà con chuyển sang làm theo công thức “2 vụ bí xanh + 1 vụ cải thảo”, tổng thu nhập cả 3 vụ bình quân trong toàn xã năm 2021 đạt mức 2 tỷ đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Những ngày này, gia đình anh Quàng Văn Ơn, bản Heo Trại đang bận rộn bước vào thu hoạch bí xanh. Vừa nhanh tay cắt bí trên giàn, anh Ơn vừa chia sẻ: Từ 5.000 m² ruộng khô cằn bị bỏ hoang, nay tôi trồng bí xanh, cải thảo đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt; bí xanh, cải thảo rất dễ trồng và chăm sóc, thích nghi tốt với đất đai, khí hậu. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu được 1 vụ cải thảo, 1 vụ bí xanh, với sản lượng 20 tấn, bán cho Công ty trung bình giá 6.000 đồng/kg, trừ chi phí thu hơn 100 triệu đồng. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm. Đồng thời, vận động bà con làm theo để có thu nhập.

Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Những năm gần đây, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân; phối hợp liên kết phát triển bền vững, tránh tình trạng khi có nhiều người trồng thì giá lại xuống thấp. Vui nhất là, nhiều hộ dân đã có thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng, các mô hình chăn nuôi vào sản xuất. Trong đó, có mô hình trồng bí xanh, cải thảo đã được các hộ dân nhân rộng và phát triển. Xã đang tiếp tục chọn địa điểm để nhân rộng mô hình, giúp nhiều hộ dân thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu được tốt hơn; khuyến khích người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học.

Việc trồng thành công bí xanh, cải thảo trên đất ruộng khô hạn tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu đã mở ra triển vọng mới trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là tổ chức liên kết sản xuất theo hợp đồng, tránh tình trạng bị thương lái ép giá đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng, tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Nâng cao hiệu quả kinh tế của cây na

Hiện, tỉnh có trên 350 ha trồng na, tập trung nhiều ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Yên Châu. Những năm qua, mặc dù người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng trong quá trình trồng, chăm sóc cây na còn gặp một số vấn đề, như: Quả na chín tập trung, thời gian thu hoạch ngắn, kỹ thuật trồng và chăm sóc na chưa đảm bảo, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, trồng chưa theo quy hoạch...

 

cay-na.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện đề tài tại HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

 

Khắc phục hạn chế, năm 2019, tỉnh phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất na tại Sơn La” do Thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng quy trình thâm canh na áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, từng bước nâng cao năng suất chất lượng, rải vụ thu hoạch, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cơ sở áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra đánh giá điều kiện đất, nhu cầu sản xuất, trên cơ sở đó đã lựa chọn 3 huyện Mai Sơn, Yên Châu và Mộc Châu thực hiện đồng bộ các biện pháp canh tác rải vụ na, như: Cắt tỉa, cưa đốn, bón phân, thụ phấn cho cây na.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Hội, thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, được nhóm thực hiện đề tài lựa chọn để triển khai thực hiện kỹ thuật canh tác rải vụ trên diện tích 1 ha vườn na dai của gia đình. Sau gần 3 năm triển khai, kết quả cho thấy, thời gian đốn tỉa phù hợp là từ 15/1 đến đầu tháng 2 trong năm, lúc này cây đã có một khoảng thời gian ngủ nghỉ, tích lũy dinh dưỡng, thời tiết khí hậu thuận lợi cho việc sinh trưởng phát triển cây trồng, vì vậy số lượng lộc ra nhiều, thời gian ra hoa ngắn và tập trung hơn. Đối với phương pháp đốn tỉa, thực hiện đốn lửng, để lại những cành có đường kính từ 1,5 cm trở lên, cách đầu cành 30-40 cm sẽ cho năng suất, chất lượng quả cao nhất. Ông Hội thông tin: Thực hiện các biện pháp bón phân, cắt cành, tạo tán, thụ phấn rải vụ thu hoạch na, tôi thấy quả na đều, có mẫu mã đẹp, tỷ lệ quả xấu giảm hẳn, năng suất cao hơn.

Nhóm thực hiện đề tài còn tiến hành trồng mới 3 ha na dai với các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch tại 3 huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Sau hơn 2 năm chăm sóc, năm 2021, cây na đã cho thu hoạch. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ở bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu được nhóm thực hiện đề tài lựa chọn để trồng 1 ha với 600 cây na dai từ tháng 6/2019. Gia đình ông Sơn được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và các giải pháp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch. Ông Sơn chia sẻ: Cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2021, cây cho quả bói, được 2 tấn quả, chất lượng, mẫu mã quả đẹp, giá bán trên 30.000 đồng/kg.            

Thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải cho biết: Sau khi áp dụng các quy trình kỹ thuật rải vụ, quả na có mẫu mã đẹp. Trước đây, tỷ lệ quả vẹo, quả không cân đối, quả nhỏ nhiều, mỗi năm chỉ thu được 1 vụ, đến nay mẫu mã màu sắc quả đẹp, quả to, tròn đều hơn, na thu hoạch rải 3 vụ/năm.            

Sau khi áp dụng thành công các biện pháp rải vụ na và kết quả từ mô hình trồng mới, nhóm thực hiện đề tài, Trường Cao đẳng Sơn La đã phối hợp với các huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người dân tại các địa phương. Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Chúng tôi phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; khuyến khích phát triển cây na trên diện tích đồi đất dốc kém hiệu quả, gắn việc mở rộng vùng trồng với phát triển thương hiệu cho quả na.         

Những kết quả đạt được của đề tài, là cơ sở khoa học để các ngành, huyện quy hoạch vùng sản xuất na tập trung, từng bước đưa cây na trở thành cây trồng chủ lực, hướng tới xây dựng thương hiệu na Sơn La, góp phần làm phong phú thêm danh mục các loại trái cây của tỉnh Sơn La.

Mùa thu hoạch ngô giống ở Chiềng Sung

Từ cuối tháng 7 đến nay, trên các cánh đồng của xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn và Mường Chùm, huyện Mường La, bà con hối hả vào vụ thu hoạch ngô giống, không khí lao động hết sức khẩn trương, nhộn nhịp. Toàn bộ diện tích trồng ngô giống thu hoạch đến đâu, bà con lại cày ải đất gieo trồng cây màu vụ thu đông ngay đến đó.

Vụ ngô giống năm nay, Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung tiếp tục liên kết trồng ngô giống với nông dân các bản của xã Chiềng Sung và Mường Chùm theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Công ty bỏ vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, người nông dân trồng ngô giống trên chính diện tích đất sản xuất của gia đình và bán lại sản phẩm cho Công ty. Đồng thời, Công ty cam kết người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn những cây trồng ngắn ngày khác để bà con yên tâm đồng hành cùng doanh nghiệp.

 

ngo-giong.jpg

Nông dân bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn thu hoạch ngô giống.

 

Ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung, cho biết: Năm nay, Công ty sản xuất 5 loại ngô giống, gồm LVN10, LVN61, HN88, SS586 và SS557, với tổng diện tích 525 ha; trong đó giống LVN10 chiếm tới 440 ha. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, nhất là giai đoạn cây ngô trỗ cờ, tung phấn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 lại mưa nhiều, nên đã ảnh hưởng đến năng suất, hiện Công ty đã có chính sách hỗ trợ cho bà con. Sản lượng năm nay dự kiến đạt khoảng 1.600 tấn, thời gian thu hoạch sẽ kết thúc vào nửa đầu tháng 9. Toàn bộ diện tích ngô giống sau thu hoạch Công ty sẽ giúp nông dân trồng vụ thu bằng ngô sinh khối, bí đỏ và đậu đỏ, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn và tăng thêm thu nhập cho bà con.

Trên nương ngô của gia đình anh Mùa A Ly, bản Ta Đứng, xã Chiềng Sung mấy chục người đang tập trung thu hoạch. Anh Mùa A Ly chia sẻ: Đây là vụ thứ 3, gia đình liên kết trồng ngô giống với Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung. Với 1,2 ha, dự kiến năm nay sẽ thu lãi khoảng 40 triệu đồng, thu hoạch xong gia đình tiếp tục trồng đậu đỏ. Bản Ta Đứng có 30 đồng bào dân tộc Mông, thì hơn 20 hộ đã liên kết trồng hơn 30 ha ngô giống với Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung.

Còn gia đình chị Giàng Thị Dua, bản Nong Chạy, xã Mường Chùm đã liên kết trồng ngô giống với Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung gần 15 năm nay, với 5,5 ha, mỗi năm trừ chi phí, còn lãi hơn 200 triệu đồng. Chị Dua bảo: Bản có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Mông, hiện nay đều tham gia trồng ngô giống. Việc liên kết sản xuất giúp bà con không phải lo đầu ra cho sản phẩm, đầu vụ sản xuất được Công ty cung ứng giống, phân bón và hỗ trợ thuốc trừ sâu trị giá 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ tiền thuê nhân công rút cờ 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khi thu hoạch ngô giống xong, toàn bộ diện tích được cán bộ kỹ thuật Công ty hướng dẫn chuyển sang trồng bí, đậu đỏ, hình thức luân canh này không những tạo thêm việc làm, thu nhập, mà còn cải tạo đất, phòng chống sâu bệnh cho cây ngô vụ sau.

Trong nhà máy chế biến ngô giống của Công ty, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 tấn ngô bắp được chuyển từ ngoài đồng về. Hơn một tháng qua, mỗi ngày có hàng trăm nhân công của các hộ liên kết trồng ngô giống được Công ty thuê phục vụ sản xuất. Ngô bắp sau khi chuyển từ ngoài đồng về phải qua tuyển chọn lần 1 bằng thủ công loại bỏ những bắp không đạt tiêu chuẩn, rồi đưa vào sấy 72 tiếng, sau đó chuyển sang máy tách hạt, sàng và phân loại, đây là công đoạn hết sức quan trọng, để bảo đảm chất lượng ngô giống, cán bộ kỹ thuật của Công ty phải trực tiếp tham gia và hướng dẫn công nhân thực hiện đúng quy trình.

Kỹ sư Hoàng Văn Hạnh, phụ trách kỹ thuật, thông tin: Năm nay, bắt đầu vào vụ thu hoạch, thời tiết diễn biến thất thường, nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu 2 cơn bão nhiều ngày có mưa lớn, bà con thu hoạch, vận chuyển ngô từ ngoài đồng về hết sức khó khăn. Do đó, cùng với có chính sách hỗ trợ nông dân, Công ty huy động hết cán bộ, công nhân tập trung các giải pháp bảo đảm tiến độ sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung, với việc xây dựng mối liên kết sản xuất chặt chẽ đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người nông dân, những năm gần đây diện tích trồng ngô giống của Công ty liên tục được mở rộng. Cũng chính từ tham gia trồng giô giống, mà các bản như Nong Chạy, Cao Sơn, Tà Đứng... đã cơ bản không còn hộ nghèo. Đặc biệt, từ mối liên kết này, đã giúp bà con nông dân khai thác hiệu quả diện tích đất canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ có thu nhập cao, bền vững.

Nâng cao chất lượng giống, tăng năng suất cây trồng

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 87.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Nhìn vào diện tích cây trồng hàng năm và cây lâu năm có thể thấy nhu cầu giống cây trồng phục vụ cho sản xuất của người nông dân ở tỉnh ta rất lớn. Theo đó, xác định việc tuyển chọn và nhân giống sản xuất cây đầu dòng là mắt xích quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn về chất lượng giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành bình tuyển cây đầu dòng, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn về giống cây đảm bảo sạch bệnh, năng suất, có khả năng thích ứng với thời tiết.

 

cay-giong.jpg

Vườn ươm giống chanh leo của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

             

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức bình tuyển, công nhận được 193 cây ăn quả và cây công nghiệp đầu dòng, gồm 187 cây ăn quả các loại, như bơ, xoài tròn, xoài GL4, thanh long, bưởi đỏ, bưởi da xanh, nhãn, mận, hồng tại các huyện Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Vân Hồ, sản lượng trên 250.000 mắt ghép/năm; 6 cây chè cung ứng 3.000 mắt ghép/năm. Ngoài ra, bình tuyển, công nhận 4 vườn cây đầu dòng, gồm 2 vườn nhãn chín muộn, 1 vườn xoài GL4 và 1 vườn lê Tai nung, năng lực sản xuất trên 2,5 triệu mắt ghép/năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp đủ điều kiện để giúp người sản xuất lựa chọn các loại giống cây trồng đảm bảo. Danh sách cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; danh mục giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên địa bàn tỉnh để người dân có nhu cầu về giống biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Hướng dẫn quản lý, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác nguồn giống cho các tổ chức, cá nhân được công nhận có hiệu quả và đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, đặc biệt đối với những giống cây trồng nhập nội khi đưa vào khảo nghiệm, trồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, thiết lập các vườn ươm được chứng nhận cây đầu dòng. Từ một địa phương phải nhập khẩu giống, nhưng đến nay, Sơn La không chỉ cung cấp đủ nguồn giống cho người dân trên địa bàn mà còn cung ứng cho một số tỉnh.     

Bài toán nâng cao chất lượng cây ăn quả phải bắt đầu từ nâng cao chất lượng giống cây trồng, do đó, cần phải bắt đầu từ quản lý chất lượng giống. Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc điều tra, rà soát, xác định và tổ chức bình tuyển để công nhận thêm một số cây đầu dòng cho cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Cùng với đó, khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng để sản xuất an toàn, hiệu quả.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top