Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 11 năm 2021 | 10:28

Nỗ lực của ngư dân miền Trung để gỡ "thẻ vàng"

Phấn đầu cùng với Nhà nước để gỡ “thẻ vàng” của EC vào cuối năm 2021, ngư dân các tỉnh miền Trunhg đã tích cực tham gia và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đánh bắt hải sản hợp pháp, đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân, uy tín Nhà nước.

Vì lợi ích của chính mình phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định
 
Nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, đã nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của việc EC áp dụng “Thẻ vàng” đối với ngành thủy sản của Việt Nam, vì vậy ngư dân đã nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà nước trong việc đánh bắt, khai thác nguồn thủy hải sản, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đại dương và nghề cá được phát triển bền vững.
 
infonet_1_2.jpg
Ngư dân Trần Văn Hòa trong một chuyển ra khơi (ảnh Infonet)
 
Là một  ngư dân có nhiều năm làm nghề đánh bắt cá trên biển, ngư dân Trần Văn Hòa ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, một trong những quy định đánh bắt hải sản đúng pháp luật là đánh bắt cá đúng vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, không xâm phạm vùng biển của quốc gia khác. Muốn đánh bắt hải sản đúng lãnh hải của mình nhất thiết phải có các thiết bị định vị, giám sát hành trình (VMS), nếu không có những thiết bị này ngư dân có thể đánh bắt cá ở những vùng không thuộc chủ quyền của ta, vi phạm các quy định. Vì thế, chúng tôi đã thực hiện việc lắp thiết bị giám sát hành trình ngay cho phương tiện của mình.
 
Ông Tuấn nói: “Mình làm như vậy để chấp hành đúng quy định của Nhà nước, nhưng quan trọng hơn đó là vì lợi ích của chính mình và ngư dân của mình đang làm ăn, sinh sống bằng tài nguyên của biển”.
 
Ngư dân Nguyễn Văn Dũng ở thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) thì cho hay: "Chúng tôi cũng đã chấp hành nghiêm túc, cùng chung tay bảo vệ ngư trường, cải thiện năng lực đánh bắt. Đặc biệt, ở đây đã có những nhà chuyển đổi từ nghề te, xăm mười, giã cào... vốn là những nghề có nguy cơ xâm hại môi trường biển rất cao sang nghề câu, vó, rê khơi thuần túy để không gây hại môi trường, đánh bắt được các loại hải sản có giá trị...”.
 
Không đánh bắt cá, thủy hải sản ở những vùng biển thuộc các quốc gia khác, khai thác đúng với ngành nghề hoạt động đã được cấp phép và cập nhật hành trình của từng chuyến đi biển cụ thể để cùng chính quyền và Nhà nước gỡ bỏ thẻ vàng của EC, nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Trị đã thực hiện rất nghiêm chỉnh các quy định này.
 
Ngư dân Nguyễn Tiến Kềm (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), chủ tàu cá QB 98995 TS nói: “Bữa nay, ngư dân đã thực hiện không vi phạm vùng biển nước ngoài, phải khai thác đúng với ngành nghề hoạt động được ghi trong giấy phép. Thuyền trưởng phải cập nhật, phải ghi chép nhật ký khai thác theo từng chuyến biển cụ thể về tọa độ, kinh độ, ngư cụ, sản lượng khai thác. Có như vậy mới làm ăn bền vững trên biển được”.
 
Như vậy ý thức của ngư dân đã nâng lên rõ rệt trong việc cùng chung tay với Nhà nước gỡ bỏ bằng được thẻ vàng của EC, điều này cho thấy sự đồng lòng của người dân với Nhà nước để thực hiện đúng các quy định của EC, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đại dương. Để ngư dân thực hiện được các quy định này, công tác phổ biến, giáo dục và tuyên truyền của các đơn vị chức năng là rất quan trọng.
 
Tuyên truyền cho ngư dân thực hiện đúng quy định
 
Được giao nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, các đồn, trạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đóng trên tuyến biển Hà Tĩnh đã tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật giúp ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của Luật Thủy sản, thực hiện các biện pháp gỡ bỏ thẻ phạt từ Ủy ban châu Âu (EC), tiến tới đánh bắt có trách nhiệm và hiệu quả.
 
96d4082927t55882l0.jpg
BĐBP Vũng Áng - Sơn Dương xuống tận nhà nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

 

Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) tập trung tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân  về những quy định của Luật Thủy sản, khi đi đánh bắt hải sản phải mang đầy đủ giấy tờ khi ra vào cửa lạch, để hoạt động đánh bắt được minh bạch, rõ ràng và có trách nhiệm hơn.
 
Trung tá Lê Xuân Thọ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Nếu như trước đây thỉnh thoảng vẫn còn tình trạng các đội tàu xa bờ khai thác ở vùng biển trái tuyến, thậm chí xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhiều tàu thuyền ở các xã bãi ngang vẫn hành nghề giã cào thì sau những đợt tuyên truyền, vận động, chấn chỉnh của Đồn Biên phòng Lạch Kèn thì ý thức của bà con ngư dân đã được nâng lên rõ rệt.
 
222-205934_178.jpg
Lực lượng Thanh tra Thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Bình) thực hiện kiểm tra  tàu cá xuất bến. Ảnh: Tâm Phùng.

 

Ngoài các công tác tuyên truyền các lực lượng chức năng còn tổ chức kiểm tra để xử lý các phương tiện và chủ tàu đã vi phạm.
 
Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Các tàu đánh bắt xa bờ trước khi cập bến, cán bộ Ban Quản lý cảng cá đều kiểm tra, xác minh thông tin trên trang thông tin của Tổng cục Thủy sản xem tàu đó có vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài hay không. Sau đó, cán bộ Ban Quản lý cảng cá sẽ kiểm tra nhật ký hành trình và giám sát số lượng hải sản đưa lên bờ gắn với thông tin trong nhật ký. Nếu các chủ tàu và phía doanh nghiệp thu mua hải sản có yêu cầu, Ban Quản lý cảng cá sẽ cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc thủy sản để đưa ra thị trường.
 
Theo Trung tá Hồ Xuân Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vinh Hiền (Thừa Thiên-Huế) cho biết, thực hiện đợt cao điểm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế từ ngày 15-10 đến 15/11/2021, đơn vị đã chủ động triển khai lực lượng, tăng cường phương tiện để kiểm tra, kiểm soát tàu, thuyền ra, vào hoạt động trên biển ở cửa biển Tư Hiền. Cán bộ làm việc tại Trạm kiểm soát của Đồn kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi khi không có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và trang bị theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
 
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, cùng với việc khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản, về hướng dẫn khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài cho bà con ngư dân.
 
Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra nghề cá cho cán bộ quản lý các xã, phường, ban quản lý cảng cá và các tổ hợp tác, tổ đoàn kết, tổ biển xa và nghiệp đoàn nghề cá. Cấp phát gần 5.000 tờ rơi, 500 sổ tay pháp luật tuyên truyền cho ngư dân. Tổ chức cho hơn 1.000 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, ngư dân hiểu rõ và chấp hành đúng quy định khi ra khơi.
 
Vẫn còn có tàu cá vi phạm
 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, qua kiểm tra, một số địa phương bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ và đạt được một số kết quả trong kiểm kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng…
 
Tính đến ngày 30/6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620/94.572 tàu, đạt 90,53%.
 
bna_a14434731_10112021.jpg
Lực lượng Kiểm ngư tiếp cận tàu cá không sơn ghi biển số. Ảnh: N.H
 
Đối với công tác chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản. Đáng chú ý, theo ông Tiến, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
 
“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm ở các nước trong khu vực. Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61,9 tỷ đồng. Năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13,679 tỷ đồng…”, ông Tiến thông tin.
 
Chưa xóa “thẻ vàng” đồng nghĩa với việc thủy sản nước ta, chưa thể tiếp cận đầy đủ với thị trường quốc tế, khiến đầu ra cho thủy sản đã khó lại càng khó hơn, mục tiêu hiện đại hóa nghề cá và tiến vào hội nhập gian nan hơn. Vì thế, rất cần sự nỗ lực từ phía chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân, đồng thời cũng rất cần ngư dân thực hiện nghiêm chỉnh quy định về đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Việt Nam và Quốc tế, để sơm gỡ bỏ được thẻ vàng, đưa sản phẩm thủy sản của ta ra thị trường thế giới.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top