Hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững đã trở thành nhận thức tất yếu với nhiều nông dân ở Đắk Lắk.
Không còn tình trạng chạy theo giá cả để lặp lại điệp khúc “chặt trồng - trồng chặt”, nông dân ngày càng quan tâm đến nâng cao chất lượng cây trồng, gia tăng sản lượng.
Trồng cà phê xen hồ tiêu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững là hướng đi của nhiều nông dân Đắk Lắk hiện nay. (Ảnh: Mỹ Hằng)
Năm 2019, ông Lê Văn Hùng, ở thôn 8, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin quyết định áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn cà phê 1 hecta, đồng thời bón phân cân đối, quản lý dịch bệnh tổng hợp theo quy trình chăm sóc cà phê của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Mô hình này đã nhanh chóng phát huy tác dụng, lượng nước tiết kiệm khoảng 50% so với tưới thông thường; đồng thời giúp đưa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được hòa tan thẩm thấu đến từng gốc, giúp cây hấp thu nhanh hơn… Nhờ đó, ông tiết kiệm được 30% chi phí chăm sóc, năng suất chất lượng cà phê cũng tăng lên.
“Trước đây, tôi cứ loay hoay mãi với cây cà phê, có lúc cũng nghĩ đến vực chặt bỏ để trồng các cây khác mang lại hiệu quả kinh tế hơn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại đây vẫn là cây trồng chủ lực thích hợp với vùng đất này nên thay vì chặt bỏ tôi lại đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào để giảm công, giảm chi phí đầu vào nhưng tăng năng suất thì giá có xuống nhưng thu nhập vẫn ổn định”, ông Lê Văn Hùng cho hay.
Ông Bùi Hữu Dũng, ở thôn 2, xã Ea Tiêu cho hay, gia đình ông có hơn 1 hecta đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân xã qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông cũng đã mạnh dạn chuyển đổi xen canh một cách hợp lý hơn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay với 1 hecta cà phê xen hồ tiêu, mỗi năm, gia đình ông thu về trên 3,5 tấn cà phê nhân, gần 2 tấn tiêu, cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
“Thực tế mà nói áp dụng khoa học kỹ thuật năng suất cao hơn truyền thống trước kia. Truyền thống trước kia họ trồng mỗi cây cà phê thì không ăn thua, giờ họ trồng xen được cả hai nguồn thu rồi áp dụng khoa học kỹ thuật vẫn hơn nhiều. Kinh tế vượt gấp rưỡi ngày xưa”, ông Bùi Hữu Dũng chia sẻ.
Xác định cà phê và hồ tiêu là 2 cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, Hội nông dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin thường xuyên phối hợp với phòng nông nghiệp, trung tâm khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con. Cụ thể là việc trồng xen canh hồ tiêu và cà phê sẽ cho hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Đắc Tiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kui cho biết: “Khi xen canh hợp lý, cho thu nhập ổn định, từ đó, bà con thấy được ổn định nên xen canh phù hợp chăm sóc cây cà phê và hồ tiêu. Tuy giá cả có lúc lên lúc xuống những diện tích đưa năng suất cao thì thu nhập của bà con vẫn ổn định. Tháng 10-11-12 thu hoạch cà phê, xong xuôi cà phê thì bà con lại thu hoạch tiêu mãi ra tháng 3-4 mới thu hoạch xong tiêu nên nguồn thu rất ổn định. Từ đó, bà con rất phấn khởi trong việc xoá đói giảm nghèo một cách bền vững”.
Có thể thấy khi hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, người nông dân Đắk Lắk không còn bị phụ thuộc nhiều vào giá cả, không còn chạy theo vòng luẩn quẩn “ chặt trồng – trồng chặt”. Ưu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ cấu hợp lý cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích là cách mà nhiều nông dân Đắk Lắk đang hướng tới./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…