Nhà máy mía độc nhất trên vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chậm thu mua trong khi mía đã quá tuổi khiến hàng ngàn nông dân điêu đứng.
Những ngày này, đi khắp các nẻo đường, sông rạch trên địa bàn huyện Trà Cú rất dễ bắt gặp hình ảnh ghe, xe chất đầy mía đậu chờ để được vào nhà máy đường của Công ty Cổ phần mía đường Trà Vinh bán mía.
Chuyện bỏ ra vài ngày, thậm chí cả chục ngày chờ tài (số thứ tự) là một chuyện, điều khiến người nông dân sốt ruột nhất là mía càng để lâu càng bị hao hụt, bị thất thoát.
Có mặt trên ruộng mía khoảng 5 công của mình, bà Kiên Thị Xê (ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh) ngao ngán thở dài: "Trồng 5 công mía nhưng do không có vốn liếng nên tôi nhờ đại lý đầu tư giống, phân rồi trừ vào tiền bán mía khi thu hoạch. Nhưng giờ mía không bán được, chi phí chặt mía, vác mía cao nên tính ra lỗ mấy chục triệu. Giờ chỉ có nước giao bằng khoán đất cho đại lý để đi mần mướn chứ hết cách rồi".
Trong khi đó, trên con rạch Mù U nằm kế bên Công ty Cổ phần mía đường Trà Vinh, hằng trăm ghe chất đầy mía nằm chờ tài.
Trên ghe mía đã khô héo. Những người đàn ông muốn hút thuốc phải lên bờ để hút vì sợ tàn thuốc làm cháy mía, cháy ghe!.
Có mặt trên ghe ông Ba Nang cho biết ghe chở 15 tấn mía của mình đã nằm trên sông Mù U chờ 5 ngày nay.
"Hiện còn khoảng 150 chiếc ghe đến trước tui còn phải chờ chắc ghe tui phải chờ hơn 5 ngày nữa. Mới đậu có năm ngày mà ghe đã nổi lên cả khúc do mía bị hao hụt, giảm trọng lượng. Tình hình này lỗ chắc chứ không có lời", ông Ba Nang nói.
Đây cũng là tình trạng chung của hàng trăm chiếc ghe chở mía đậu trên sông Mù U.
Ngày 8-3, ông Thạch Sô Phanh, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết sản lượng mía trên địa bàn khoảng 432.200 tấn nhưng đến thời điểm hiện tại mới tiêu thụ được 1/3. Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ được khoảng 2.500 tấn mía.
Nguyên nhân lượng mía năm nay tồn đọng nhiều được lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú giải thích là do nhà máy thu mua trễ hơn những năm trước gần 2 tháng vì nhà máy bị trục trặc.
Bên cạnh đó, nhiều ghe mía từ địa phương khác như Sóc Trăng cũng qua Trà Vinh để bán nên việc tiêu thụ mía bị quá tải.
"Trước những bức xúc của người dân, mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã có buổi làm việc với Công ty CP Mía đường Trà Vinh. Qua đó, doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua hết toàn bộ mía trong tỉnh cho nông dân. Nên bà con cứ yên tâm", ông Thạch Sô Phanh trấn an.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.