Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2017 | 10:29

Nông dân, đối tác quan trọng của Vinamilk

Bên cạnh việc sở hữu 10 trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại trải dài từ Bắc vào Nam, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, đồng thời tạo lực đẩy giúp nông nghiệp các địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, Vinamilk còn liên kết với nông dân chăn nuôi bò sữa.

Một điểm thu mua sữa tươi nguyên liệu cho bà con nông dân của Vinamilk.

Thu tiền tỷ mỗi năm từ nuôi bò sữa

Vài năm trở lại đây, bò sữa nổi lên là đối tượng nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An).

Ông Nguyễn Hùng Sơn (xóm 3, xã Nghĩa Hợp) là người đầu tiên đưa bò sữa về nuôi. Lúc đầu, nhờ các mối quen biết trong làm ăn, ông vận động một số hộ đi tham quan các mô hình nuôi bò sữa trong Nam, ngoài Bắc. Mục đích là để sau đó, các hộ sẽ đầu tư chăn nuôi, tạo thành vùng tập trung, liên kết với trang trại bò sữa Vinamilk trong việc bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi tham quan, học hỏi, các hộ dân này vẫn ngần ngại, chưa dám tham gia.

“Năm 2014, tôi vay gần 300 triệu đồng từ ngân hàng, bà con, ra trang trại của Vinamilk ở Thanh Hóa mua 4 con bò sữa đã chửa với giá trên 270 triệu đồng về nuôi. Vài tháng sau thì 4 con bò cho sữa rồi đẻ ra 4 con bê cái. Từ năm 2014 đến 2015, đàn bò cho sữa, nhập theo hợp đồng với Nhà máy sữa Vinamik, giúp tôi hoàn vốn, đầu tư sửa sang trại nuôi và mua thêm 7 con nữa”, ông Sơn cho biết.

Đến nay, đàn bò của gia đình ông Sơn đã nâng lên 20 con, trong đó có 7 con cho sữa với sản lượng bình quân 20kg/ngày/con. Trừ các chi phí, ông lãi ròng trên 1 triệu đồng/ngày. Sắp tới, ông sẽ mở rộng trang trại, tăng tổng đàn.

Để đảm bảo thức ăn cho đàn bò, ông Sơn đã tích tụ được 3ha đất canh tác, chủ yếu trồng ngô, cỏ voi. Cùng với thân, lá cây sắn thu mua hàng năm, gia đình ông Sơn ủ men cho đàn bò ăn.

Theo ông Sơn, đàn bò nhập từ Australia tuy giá có đắt hơn đàn bò nhập từ New Zealand nhưng đổi lại khả năng thích nghi với nhiệt độ cao tại Nghệ An tốt hơn. Với bò sữa, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin thì phải quan sát tình hình sức khỏe của đàn bò. Bò sữa hay gặp một số bệnh như viêm vú, tụ huyết trùng, bệnh viêm móng… Cần hạn chế tắm rửa cho bò, trừ khi vắt sữa, chuồng nuôi phải đảm bảo khô thoáng, về mùa hè phải sử dụng quạt gió cho bò.

Thấy ông Sơn nuôi bò sữa ngon ăn, đến nay tại huyện Tân Kỳ đã có 9 hộ tham gia nuôi bò sữa, nâng tổng đàn bò lên trên 200 con, trong đó có 60 con cho sữa. Ông Sơn, người đầu tiên đưa bò sữa về nuôi ở địa phương, được bầu là Chủ tịch HĐQT-Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa huyện Tân Kỳ.

Tuy nhiên, hiện đàn bò sữa của huyện Tân Kỳ vẫn đang nuôi phân tán, số lượng còn hạn chế. Nguyện vọng của các nông hộ nuôi bò sữa tại đây là được tạo điều kiện tốt nhất nâng dần tổng đàn, đủ điều kiện để nhà máy Vinamilk đặt một bồn thu mua trên địa bàn.

Hợp tác mọi mặt  với nông dân

Được biết, song song với hệ thống trang trại hiện đại, Khối phát triển vùng nguyên liệu (PTVNL) của Vinamilk còn duy trì ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi nguyên liệu (STNL) cho hàng ngàn đơn vị/hộ chăn nuôi trong cả nước, tạo nên một cầu nối phát triển bền vững, hài hòa với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh với sữa nhập khẩu.

Hệ thống các trạm sữa là mắt xích không thể thiếu trong mối liên kết này. Năm 2016, Khối PTVNL đã hoàn thành chương trình nâng cấp, hiện đại hóa các trạm thu mua sữa, tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời xây dựng mới các trạm sữa theo mô hình hiện đại, quy trình khép kín, đáp ứng nhu cầu mở rộng chăn nuôi của nông dân. Hiện, Khối PTVNL quản lý hơn 90 trạm thu mua sữa trên phạm vi cả nước, ngoài hoạt động chính là thu mua sữa, các trạm thu mua sữa còn thực hiện nhiệm vụ phân phối thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bò sữa, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh cho bò sữa...

Ngoài mạng lưới các trạm thu mua, năm 2016, Khối PTVNL còn tiến hành khởi công Trung tâm STNL Củ Chi, với cơ chế quản lý tập trung mới, tương xứng với quy mô của hoạt động chăn nuôi bò sữa tại khu vực Đông Nam Bộ. Tất cả nguồn sữa tươi ở khu vực này sẽ được tập trung về đây, sau khi được kiểm soát chất lượng sẽ được điều phối cho tất cả các nhà máy tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trung tâm được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, bao gồm: kho lạnh để chứa mẫu tập trung; hệ thống máy phân tích nhanh, trả kết quả tới từng hộ dân; hệ thống CIP tự động, giúp các xe bồn của các trạm sữa được sử dụng chế độ vệ sinh tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hệ thống các bồn làm lạnh sữa nhanh, thể tích lớn, tính linh hoạt cao, vừa có thể tiếp nhận sữa của các trạm thu mua khi cần thiết, vừa có thể tiếp nhận trực tiếp sữa cho nông dân nuôi bò.

Bên cạnh việc cam kết đầu ra cho đơn vị/hộ chăn nuôi có ký hợp đồng mua bán sữa, Khối PTVNL còn cử cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng, kỹ thuật… trực tiếp làm việc với người nông dân, tư vấn và chuyển giao tiến bộ khoa học trong chăn nuôi bò sữa để người dân chăn nuôi ngày một hiệu quả.

Tiến xa hơn, năm 2016, Khối PTVNL đã kết hợp với các chuyên gia nước ngoài và các công ty sản xuất TĂCN lớn trên thế giới đưa ra sản phẩm thức ăn chăn nuôi có thành phần dinh dưỡng tối ưu cho bò sữa, không những giúp tăng sản lượng và chất lượng sữa, mà giá cả rất cạnh tranh và ổn định. Với chương trình này, các hộ chăn nuôi sẽ nhận cám về sau khi mang sữa tới trạm mà không phải trả tiền ngay, tiền cám sẽ được cấn trừ vào tiền sữa hàng tuần. Chương trình thực sự đã và đang giúp nông dân giảm được giá thành sản xuất, yên tâm, gắn bó và mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa.

Tiếp nối thành công của chương trình kiểm soát chất lượng và giá TĂCN cho bà con, Khối PTVNL đang tiếp tục triển khai chương trình giúp kiểm soát tế bào Soma và bệnh viêm vú cho đàn bò trong dân, bước đầu đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rất tích cực từ các đơn vị/hộ chăn nuôi. Các sản phẩm này được nhập khẩu trực tiếp từ NewZealand và đã được kiểm chứng tại các trang trại của Vinamilk là mang lại hiệu quả rất tốt.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết, đến nay, tổng đàn bò bao gồm trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là gần 120.000 con, mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa bò tươi nguyên liệu.  Vinamilk hiện có 10 trang trại đang hoạt động với quy mô tổng đàn gần 20.000 con. Tất cả bò của Vinamilk là bò cao sản, được nhập từ Úc, Mỹ. Nguồn cung cấp sữa tươi trong nước từ nông dân hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu sản xuất của Vinamilk…

Bà Mai Kiều Liên khẳng định, hiện Vinamilk thu mua toàn bộ sữa tươi của nông dân sản xuất với mỗi ngày trên 300 - 400 tấn sữa. Nhà máy sữa Việt Nam hoạt động từ năm 2013, giai đoạn 1 với công suất 400 triệu lít/năm đã hoàn thành và trong năm 2017 sẽ tăng 50% công suất, lên 600 triệu lít/năm và đến 2018 sẽ hoàn thành và đạt 800 triệu lít/năm. Vinamilk cam kết phát triển ngành công nghiệp sữa nội địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường tăng trưởng nhanh, giảm nhập khẩu và giúp nông dân cải thiện cuộc sống.

Vinamilk sẵn sàng liên kết với các hộ nông dân để phát triển đàn bò sữa cao sản nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí, tăng năng suất bò và chất lượng sữa khi chăn nuôi bằng bò cao sản nhập từ New Zealand. Vì vậy, Vinamilk mong muốn chính quyền các địa phương có giải pháp phối hợp với Vinamilk để hỗ trợ nguồn vốn cho người nông dân chuyển sang nuôi bò sữa cao sản để đáp ứng nhu cầu sữa cho Vinamilk cũng như tăng thu nhập cho người nông dân.

Đơn cử như tại TP.Hồ Chí Minh, Vinamilk đã kết hợp với gần 4.000 hộ nông dân thành phố để cố gắng trong vòng 3 năm tới sẽ tăng được năng suất nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Vinamilk xác định không chạy theo số lượng nuôi mà nuôi ít nhưng năng suất cho sữa lớn, giá thành chăn nuôi hạ sẽ tạo thu nhập cho người dân cao hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là con giống và thức ăn. Hiện thức ăn Vinamilk đã sản xuất. Về nguồn giống, Vinamilk có thể hỗ trợ để chuyển đổi đàn bò đã thoái hóa để nuôi bò cao sản dù nuôi ít hơn nhưng người nông dân vẫn có lợi hơn.

Cũng theo bà Mai Kiều Liên, do chăn nuôi manh mún, chất lượng giống thấp nên hiện năng suất sữa của người nuôi bò ở Củ Chi khá thấp, khoảng 17-18 lít sữa/con, trong khi bò sữa nuôi tại trang trại của Vinamilk đạt trên 30 lít/con. Hiện Vinamilk đã nhập bò giống từ Mỹ và New Zealand, sau đó thuần hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam và chuyển giao cho người nuôi nhằm tăng năng suất sữa lên cao. Dự tính, giống bò sữa sau khi thuần hóa có giá 50 - 60 triệu đồng/con và trong 2 - 3 năm người nuôi sẽ thu hồi được vốn. Vinamilk khuyến cáo các hộ nông dân nên tập trung lại với nhau để cùng chăn nuôi tập trung khoảng 50 - 100 con thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Vinamilk sẽ hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản lượng sữa để người dân yên tâm sản xuất. Vì vậy, bắt buộc phải tăng năng suất sản lượng sữa từng con bò để giảm giá thành và cần có lộ trình thực hiện hiệu quả.

Trong 40 năm qua, thành tựu đạt được của Vinamilk đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Vinamilk là thương hiệu đem lại tự hào cho doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh với thế giới và được cả thế giới biết đến thương hiệu Vinamilk. Đồng thời, Vinamilk cũng giúp người nông dân Việt Nam tiêu thụ sản phẩm sữa. Công ty phát triển, kéo theo hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiêu thụ được sản phẩm sữa.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top