Vụ xuân là vụ quan trọng trong năm, năm nay, thời tiết bất lợi, rét đậm, rét hại, thiếu nước, sâu bệnh… Để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi, nhiều địa phương đang phấn đấu gieo cấy đúng khung thời vụ.
Sơn La khẩn trương sản xuất vụ xuân
Sau những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nông dân huyện Quỳnh Nhai đã khẩn trương triển khai sản xuất vụ xuân, từ khâu chọn giống, chuẩn bị đủ lượng phân bón cho đến làm đất, thủy lợi, đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ... Khí thế lao động sôi nổi, hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi.
Đảm bảo tiến độ sản xuất vụ xuân, huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, lựa chọn các giống mới cho năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh; chủ động phân bón, khâu làm đất; chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, bảo vệ thực vật xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân gieo trồng đúng lịch mùa vụ, cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân Quỳnh Nhai cấy lúa vụ chiêm xuân.
Các xã ra quân làm thủy lợi trước tết để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, đã sửa chữa hơn 50 công trình thủy lợi lớn, nhỏ; nạo vét gần 200km mương phai, với khối lượng nạo vét gần 200m³ bùn, đất... khơi thông dòng chảy đảm bảo nguồn nước tưới sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, không để tình trạng thiếu nước gay gắt, hạn chế thấp nhất diện tích lúa nước chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Tranh thủ thời tiết ấm, nguồn nước thuận lợi, thời điểm này, nông dân trong huyện đã khẩn trương xuống đồng sản xuất. Dọc quốc lộ 6B, từ xã Chiềng Khoang vào trung tâm huyện, lên đến vùng cao xã Chiềng Khay, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân tấp nập xuống đồng. Với 124 ha lúa chiêm xuân, đến nay, nông dân xã Chiềng Khoang đã cấy được hơn 100 ha. Tiến độ như hiện nay, chỉ khoảng 2 tuần nữa toàn bộ diện tích lúa của xã sẽ cấy xong. Anh Tòng Văn Hoan, bản Đông, xã Chiềng Khoang, cho biết: Vụ chiêm xuân năm nay, gia đình tôi lựa chọn giống lúa nếp 87. Quá trình xuống giống mạ, tuân thủ quy trình kỹ thuật và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng nilon để che, rắc thêm tro, bón thêm phân NPK, nên mạ sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh việc lựa chọn giống lúa năng suất, có khả năng chống chịu sâu bệnh, người dân chú trọng khâu làm đất, sử dụng phân bón. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, vụ này, gia đình anh Lường Văn Bán, bản Nà Hỳ, xã Chiềng Khoang đã sử dụng thêm phân chuồng để bón lót cho đồng ruộng. Theo anh Bán, việc sử dụng phân chuồng sẽ góp phần cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp. Đảm bảo cấy đúng khung thời vụ, gia đình anh và một số hộ trong bản đã cấy đổi công nhau cho nhau. Đến nay, gia đình anh Bán đã cấy 7.000 m², dự kiến 2 ngày nữa sẽ cấy xong 1.300m² lúa.
Trên những thửa ruộng đã được cày, bừa và đủ nước, những bó mạ vơi dần dưới bàn tay của các bà, các chị, tiếng cười nói rôm rả khiến không khí xuân càng thêm vui. Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cấy, những diện tích lúa trà sớm cũng được bà con tích cực kiểm tra, chăm bón. Ông Lò Văn Long, bản Ít, xã Mường Sại, cho biết: Đảm bảo đúng khung thời vụ, gia đình chủ động giống và khâu làm đất, nên khi mạ được tuổi, gia đình tôi đưa mạ xuống cấy. Trước Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã cấy xong toàn bộ gần 1.000m² lúa. Hiện nay, lúa sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.
Trao đổi về tiến độ gieo cấy vụ xuân, ông La Văn Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Theo kế hoạch, toàn huyện phấn đấu cấy 840 ha, với cơ cấu giống chủ yếu là nếp 87, nếp 89, nhị ưu 838, nhị ưu 63. Do đặc thù từng vùng, nên vụ chiêm xuân ở Quỳnh Nhai được chia làm 2 trà: trà sớm và trà muộn. Đối với trà sớm, thời điểm này, nông dân đã cấy xong hơn 200 ha tập trung ở các xã: Chiềng Bằng, Mường Sại, Chiềng Khoang. Đối với trà lúa muộn, nhân dân đã xuống mạ giống và tập trung vào khâu làm đất; phấn đấu cấy xong vào đầu tháng 3. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa chiêm xuân, chúng tôi tập trung hướng dẫn bà con chú ý phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.
Yên Bái: Vụ xuân với mục tiêu gia tăng giá trị
Vụ xuân 2022, toàn tỉnh Yên Bái dự kiến đưa vào gieo cấy trên 19.995 ha, dự ước sản lượng đạt 106.750 tấn.
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Ảnh: Báo Yên Bái.
Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi; tránh rét "nàng bân” khi lúa trỗ, tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch, đồng thời tạo thuận lợi cho việc gieo cấy sớm lúa vụ hè thu, vụ mùa và triển khai vụ đông 2022.
Ngoài ra, tránh việc sử dụng quá nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau để gieo cấy gây khó khăn lớn trong việc chỉ đạo thời vụ gieo cấy, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, tưới tiêu nước, thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rút gọn các loại giống, trong đó lúa lai gồm các giống: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Thục hưng số 6, N.ưu 69, N.ưu 89, TH 3-3, Việt Lai 20, CT 16, Nghi hương 2308, GS55, Thái xuyên 111, LY 2099; lúa thuần gồm các giống chủ lực: Hương chiêm, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Bắc Hương 9, Bắc thơm số 7, ĐS1, J01, J02, Séng cù, Hà Phát 3, BQ, Khang dân 18, DT66, HT1, DQ11, TBR225, Đại Dương 2, Đông A 1, VT-NA6, nếp 87.
Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Bên cạnh áp dụng nghiêm lịch thời vụ cơ cấu giống, các địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân diện tích liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các vùng gieo cấy cùng một giống lúa có thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện đầu tư áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cùng đó, mở rộng các hình thức dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông dân hoặc hộ nông dân trong cung ứng giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, làm mạ tập trung, mạ khay, mạ ném, cấy bằng máy, phun thuốc trừ sâu bệnh, tưới tiêu; đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời điểm cuối tháng 1/2022, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ diện tích đất và lượng mạ để cấy được trên 19.995 ha kế hoạch, các xã vùng thấp đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân. Là địa phương có nhiều lợi thế trong việc sản xuất lúa hàng hóa, những năm gần đây thị xã Nghĩa Lộ đã có sự chuyển dịch lớn trong việc lựa chọn các giống lúa chất lượng cao vào thâm canh. Vụ xuân này, thị xã đưa vào sản xuất 2.000 ha lúa xuân trong đó tiếp tục đưa bộ giống lúa chất lượng cao như Séng cù, Hương chiêm, J02 (chiếm hơn 70% diện tích) vào gieo cấy.
Bà Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông - lâm thủy sản TND, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Đơn vị tiếp tục liên kết với nông dân các xã Hạnh Sơn, thị trấn Nông trường Liên Sơn sản xuất trên 30 ha lúa chất lượng cao, chủ lực là giống Séng cù với hình thức doanh nghiệp cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân”.
Tại huyện Văn Chấn, cũng thời điểm trên, các xã vùng thấp đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân. Ông Hoàng Hữu Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Vụ xuân này, toàn huyện đưa vào gieo cấy 2.700 ha lúa nước, trong đó tập trung mở rộng diện tích gieo cấy lúa thuần chất lượng cao gắn với hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung bằng các giống: Chiêm hương, ĐS 1, HT 1, Séng cù, Thiên ưu 8, J 02, Bắc thơm số 7... với tỷ lệ chiếm từ 50 - 55 % là lúa thuần, 45 - 50 % là lúa lai”.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy lúa theo đúng khung lịch thời vụ, dự kiến toàn tỉnh kết thúc gieo cấy lúa xuân vào ngày 25/2.
Nông dân Lào Cai ra đồng ngày xuân
Ngày từ Mùng 2 Tết, bà con nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hối hả ra đồng chăm sóc các loại cây trồng với tâm trạng phấn chấn, kỳ vọng năm mới sản xuất nhiều thắng lợi.
Trên các cánh đồng, triền đồi từ vùng thấp đến vùng cao đâu đâu cũng thấy bà con nông dân đang tất bật với công việc thu hái, chăm sóc cho các loại rau màu và làm đất chuẩn bị sản xuất kế tiếp.
Nông dân ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch hoa phục vụ người dân đi lễ đầu năm.
Nông dân sản xuất rau màu ngay sau Tết Nguyên đán.
Đầu xuân nông dân làm đất chuẩn vị gieo trồng vụ mới.
Người dân làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa xuân.
Với những người nông dân, mùa Xuân không chỉ mang theo hy vọng mà còn là mùa của thi đua lao động sản xuất. Với sự nỗ lực, hăng say sản xuất, năm 2022, bà con nông dân sẽ được đền đáp bằng những mùa vàng bội thu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…