Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 8 năm 2016 | 2:41

Nông dân “quay lưng” với nhãn tiêu quế

Thời gian gần đây, nhà vườn Tiền Giang không còn mặn mà với cây nhãn tiêu quế (còn gọi là nhãn tiêu da bò, chiếm 70 - 80% diện tích nhãn của tỉnh). Đặc biệt, loại cây ăn trái từng gây “sốt” một thời nay đang bị thay thế dần bởi cây trồng khác.

Nhiều nhà vườn dự tính chuyển đổi cây nhãn tiêu quế sang cây trồng khác.

Chưa có thời điểm nào mà cây nhãn tiêu quế lại rơi vào tình trạng “thoái trào” như hiện nay. Ngay cả nhà vườn có nhiều năm gắn bó với cây trồng này giờ cũng tính chuyện “buông tay” vì hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Nguyễn Văn Đực (ấp Bình, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành) cho biết, 5 công (1 công = 1.000m2) nhãn tiêu quế  trên 20 năm tuổi sắp phải thay thế do giá nhãn thấp. “Nhãn tiêu quế chủ yếu bán cho thương lái đi hàng sấy nhưng thời gian gần đây họ không mua hàng này nữa. Còn nhãn tươi, thương lái mua với giá rất thấp, khoảng 10.000 đồng/kg. Có thời điểm giá nhãn xuống còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá như thế này, nhà vườn cầm chắc thua lỗ. Hiện, tôi đã trồng xen 400 cây chanh vào vườn nhãn để có thu nhập cho gia đình. Nếu giá tiếp tục xuống thấp, tôi phải đốn số nhãn này”, ông Đực tâm tư.

Anh Thân Văn Thật, ấp Thuận kề bên, cho biết, đã đốn toàn bộ 1,5 công nhãn tiêu quế hơn 10 năm tuổi chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Lý giải quyết định của mình, anh Thật cho biết, nhãn tiêu quế tuy cho năng suất cao nhưng dễ bị nhiễm bệnh, giá lại thấp. Trong khi đó, nhãn xuồng cơm vàng tuy không cho trái nhiều bằng nhưng trái ăn ngon hơn, giá khá cao, cây lại ít bệnh.

Tình trạng nhà vườn không mặn mà, “quay lưng” với cây nhãn tiêu quế cũng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo cơ quan chức năng của huyện Cái Bè, trước khi xảy ra dịch bệnh “chổi rồng”, Cái Bè có 2.900ha nhãn nhưng nay chỉ còn khoảng 900ha do người dân chuyển sang trồng bưởi, chanh, ổi, mít, xoài…

Còn theo một cán bộ bảo vệ thực vật TX. Cai Lậy, năm 2015, thị xã có 615ha nhãn. Hiện nay, chưa thống kê lại diện tích nhãn trên địa bàn nhưng qua thông tin từ các xã, nhà vườn đã chuyển đổi 46ha nhãn sang trồng sầu riêng, bưởi…

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, toàn tỉnh hiện còn khoảng 3.200ha nhãn, so với trước khi xảy ra bệnh “chổi rồng” là khoảng 8.000ha, do nhà vườn chuyển sang trồng các cây khác. Trước tình hình này, chi cục đã chỉ đạo các trạm phối hợp với cơ quan chức năng địa phương điều tra lại diện tích nhãn trên địa bàn.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, các nhà vườn trồng nhãn lâu năm cho rằng, giá nhãn tiêu quế trong thời gian gần đây diễn biến không thuận lợi, chỉ là “giọt nước tràn ly” làm cho nhà vườn đi đến quyết định chuyển đổi cây trồng có nhiều năm gắn bó này.

Một trong những lý do quan trọng khác làm cho nhà vườn “quay lưng” với cây nhãn tiêu quế là nguy cơ tái nhiễm bệnh “chổi rồng” luôn hiện hữu. Bởi theo các nhà vườn này, dù những năm qua  có triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh “chổi rồng” nhưng bệnh vẫn cứ tái đi, tái lại nên năng suất nhãn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng cao do phải thêm chi phí thuốc phòng trị bệnh “chổi rồng”.

“Từ khi xử lý đến khi cây ra bông, chúng tôi phải phun ít nhất 3 lần thuốc chỉ để phòng, trừ bệnh “chổi rồng”. Ngoài ra, nhà vườn còn phải mướn nhân công phun xịt, vậy mà chưa chắc đã thu hoạch được năng suất tốt. Nếu như trước đây, giá nhãn khoảng 10.000 đồng/kg là người trồng có thể huề vốn hoặc có lời, thì nay phải từ 12.000-13.000 đồng/kg”, một nhà vườn chia sẻ.

Đó là chưa tính, trước nguy cơ tái nhiễm bệnh “chổi rồng” đòi hỏi nhà vườn phải chăm sóc cây nhãn nhiều hơn để tăng sức chống chịu của cây, càng đẩy chi phí sản xuất tăng thêm. Trong tình hình khó khăn với rủi ro cao như thế, giá nhãn liên tục ở mức thấp trong thời gian qua đã gây thêm áp lực cho nhà vườn. Kết quả là nhiều nhà vườn chọn giải pháp đốn nhãn tiêu quế để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Võ Văn Men, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật ban hành quy trình kỹ thuật mới về quản lý bệnh “chổi rồng” hại nhãn. Theo đó, quy trình đã giảm bớt số lần phun thuốc nên giúp giảm chi phí phòng, chống bệnh “chổi rồng” cho nhà vườn.

Trước tình hình nhà vườn đang chuyển đổi mạnh cây nhãn tiêu quế, chi cục khuyến cáo, khi quyết định chuyển đổi, bà con cần cân nhắc lựa chọn cây trồng để mang lại hiệu quả cao, lâu dài. Nhà vườn cũng có thể ghép gốc nhãn tiêu quế với nhánh nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Thạch Kiệt…

Nếu trồng lại nhãn tiêu quế, nhà vườn cần chọn giống sạch bệnh, vệ sinh vườn trước khi trồng, nhất là loại bỏ các cây ký chủ nhện lông nhung như bù ngót, cơm nguội… để cắt nguồn trung gian truyền bệnh.

Ngô Văn/Ấp Bắc

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top