Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 4 năm 2019 | 16:57

Nông nghiệp 4.0 không quá xa

Mới đây, ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đề nghị cán bộ, công chức tỉnh Sóc Trăng không được lạm dụng cụm từ công nghiệp 4.0. Thay vào đó, khi nào hiểu thì phát biểu, không thì thôi.

Bạc Liêu đang là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm

Bạc Liêu đang là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm

Có hiểu mới làm được, đặc biệt đối với cán bộ, có hiểu biết mới chỉ đạo và điều hành tốt. Hiểu và vận dụng đúng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp nông dân ĐBSCL có sinh kế bền vững đang là một yêu cầu cấp bách.

Hiểu cho đúng thuật ngữ 4.0

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chia lịch sử phát triển có 4 cuộc cách mạng công nghiệp: 1.0 lấy mốc là sử dụng máy cơ khí chạy bằng hơi nước (năm 1784); 2.0 lấy mốc là sử dụng động cơ điện (năm 1870); 3.0 sử dụng máy tính (năm 1969); và hiện nay 4.0 là kết nối Internet (năm 2011).

GS-TS Bùi Chí Bửu cho biết thêm: Năm 2017, Hiệp hội máy nông nghiệp châu Âu (EAM) đưa ra khái niệm nông nghiệp 4.0. Đó là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ số hóa, kết nối Internet, đưa ra các quyết định nhờ hệ thống thiết bị tự động - “nông nghiệp chính xác”, với vai trò của doanh nghiệp thông minh. Đây là sự liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông trên nền tảng khoa học, mang hiệu quả kinh tế - xã hội. Việt Nam là quốc gia đang được cả thế giới ngưỡng mộ về những thành công rất ấn tượng gần đây; nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với sự thật là nông dân mình quá nghèo. Thiếu liên kết giữa nông dân với nông dân. Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Hai thách thức lớn ấy luôn luôn là rào cản để chúng ta thực hành sản xuất nông nghiệp “theo chuỗi giá trị” mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. 

Những năm qua, nông nghiệp ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn do những tác động xấu của biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường…). Cách làm của người nông dân vẫn dựa theo thói quen, kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chưa cao; mối liên kết giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh…

Nông dân ĐBSCL cũng là đối tượng dễ chịu tổn thương, chịu thiệt vì nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều bước trung gian trong sản xuất, lưu thông và phân phối. Về lý thuyết, doanh nghiệp 4.0 sẽ hỗ trợ nông dân vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, năng suất lao động cao, chất lượng nông sản cao; nông dân thu nhập nhiều hơn với kỹ năng khoa học công nghệ cao hơn. Đó là sự liên hoàn giữa sản xuất - chế biến - thương mại. Như vậy, nông nghiệp 4.0 mang nội hàm vừa gần, vừa không quá xa với nhiều điều kiện để lý thuyết ấy trở thành hiện thực.

Vận dụng từ những điều cụ thể

Vừa qua, tỉnh Hậu Giang cũng đã có cách làm thiết thực, khi tổ chức hội nghị “Giúp nông dân làm nông thông minh”. Đây cũng là cách làm cụ thể, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”.

Tại Hậu Giang, từ năm 2019, tỉnh thúc đẩy các mô hình làm kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics, trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo. Tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ diện tích 5.200ha, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Mới đây, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty Lavifood cũng đã đề xuất đầu tư 2 dự án là Nhà máy chế biến rau củ quả cấp vùng ĐBSCL và Phát triển vùng trồng liên kết rau củ quả phục vụ cho nhà máy chế biến), với quy mô khoảng 100ha. Năm 2019, Hậu Giang tiếp tục phát huy hiệu quả công việc đã triển khai từ năm 2018, thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Tại Bạc Liêu, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Hiện khu này đã làm được 30% khối lượng công việc, chủ yếu làm mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây nhà máy, từ sản xuất thức ăn, tôm giống đến tôm thương phẩm chất lượng xuất khẩu. “Đây sẽ là một khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực nuôi tôm”, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu,  nói. 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Hiện nay đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau với nền nông nghiệp 4.0. Tuy nhiên, Đồng Tháp đang theo đuổi ý kiến của các nhà khoa học, đó là phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học mà gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và an toàn cao. Đây là một hành trình đầy khó khăn nhưng Đồng Tháp đang kiên trì thực hiện”.

 

CAO PHONG
Ý kiến bạn đọc
Top