Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 3 năm 2022 | 10:17

Nông sản miền Trung có loại tăng giá, có loại giảm sâu

Nhiều sản phẩm nông sản của một số tỉnh miền Trung hiện nay đang vào mùa thu hoạch, bên cạnh những trái cây năm nay được mùa thì vẫn còn những nông sản chạm đáy do năng suất kém khiến nông dân đang bị thua lỗ.

Quýt tăng giá, hành tăm "chạm đáy"
 
Vào thời điểm này năm 2021 quýt PQ của bà con nông dân tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An) phải kêu gọi giải cứu, thì năm nay giá tăng rất nhiều lần khiến người trồng quýt phấn khởi.
 
bna_image_2947218_532022.jpg
Người dân phấn khởi vì cam, quýt được tiêu thụ mạnh sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Q.A

 

Theo bà con trồng quýt ở đây cho biết, giá quýt năm ngoái chỉ khoảng 2.000đ – 3.000đ/kg thì năm nay giá quýt đầu vụ đã là 4.000đ – 5.000đ/kg, nhưng đến nay giá đã tăng lên 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng không đủ để bán vì lượng người đặt hàng tăng đột biến".
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: Toàn xã có gần 100 ha quýt PQ đang cho thu hoạch, năm nay quýt được mùa, được giá nên bà con phấn khởi. Đặc biệt, nếu như các năm trước người dân phải mang đi bán lẻ hoặc quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tìm người mua, thì năm nay, thương lái các nơi đổ về đông lắm. Một số hộ để dành bán thời điểm này có thể thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
 
Huyện Nghĩa Đàn có trên 440 ha quýt PQ cho thu hoạch tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Thọ… Năng suất dự kiến đạt từ 25 - 30 tấn quả/ha, sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn trong niên vụ này.
 
Huyện Quỳ Hợp với diện tích trên 500 ha, tập trung tại các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp... Do chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối vụ nên quýt hái đến đâu đều được các thương lái thu mua đến đó.
 
Hiện, đang là thời điểm thu hoạch rộ hành tăm, trên các cánh đồng ở Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Mỹ, Nghi Thuận… người dân đang tập trung bới hành. Giá hành xuống thấp khiến người dân kém vui bởi hành tăm hiện nay chỉ bán được 16.000-17.000 đồng/kg.
 
bna_mua4381217_732022.jpg
Giá hành tăm giảm nên các thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng. Ảnh: Thanh Phúc

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (xóm 8, Nghi Lâm, Nghi Lộc) chỉ làm 1,5 sào hành tăm (giảm 0,5 sào so với năm trước). Không chỉ giảm diện tích mà việc đầu tư chăm sóc cho cây hành cũng được gia đình bà tính toán cắt giảm.
 
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: “Một sào hành tăm nếu đầu tư đầy đủ thì tốn khoảng 10 triệu đồng từ giống, phân bón, trấu, lá thông phủ, thuốc bảo vệ thực vật cộng 8 tháng bỏ công chăm sóc, thu hoạch. Năm nay, giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu vào chăm sóc cây hành cũng tăng theo. Vụ hành tăm năm ngoái thua lỗ nặng, mỗi sào hành người dân phải bù lỗ 4-5 triệu đồng chưa kể công chăm sóc, thu hoạch nên năm nay, không chỉ giảm diện tích mà chúng tôi còn giảm vật tư, phân bón đầu vào cho cây hành”.
 
Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Bên cạnh nhiều xã trồng hành truyền thống giảm diện tích thì tại nhiều xã khác, người dân lại trồng hành tự phát nên diện tích hành tăm của huyện năm nay là 234 ha (tăng 41,5ha), sản lượng 2.169,6 tấn (tăng 122,06 tấn). Giá hành ở thời điểm hiện tại là 15.000-18.000 đồng/kg (thấp thua so với các năm trước).
 
Hiện tại, giá hành tươi tại ruộng là 15.000 đồng/kg, hành đã khô, sàng sảy sạch sẽ có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Mức giá này được cho là “chạm đáy” song thương lái vẫn đang thu mua cầm chừng.
 
Can Lộc xây dựng thêm 16 sản phẩm tham gia OCOP năm 2022
 
16 sản phẩm tham gia OCOP năm 2022 của huyện Can Lộc gồm: mật ong Tâm An (Sơn Lộc), mật ong Trà Sơn (Gia Hanh), dầu ăn hành tăm Võ Minh, tinh dầu hành tăm núi Hồng (Vượng Lộc), giò me Hoài Võ, nem chua Hoài Võ (Kim Song Trường), chay dinh dưỡng Đông An (Mỹ Lộc), bánh đa nem tươi (Trung Lộc), cà dừa Thượng Lộc, bưởi giận trà sơn (Thượng Lộc), cam Hoàng Ngân (Mỹ Lộc), cam Thái Sơn (thị trấn Đồng Lộc), cam Phùng Khoan (Thường Nga), gạo hữu cơ Hạ Vàng (Vượng Lộc), rượu wikky Can Lộc (thị trấn Nghèn), tinh dầu sả Hoàng Ngân (Mỹ Lộc).
 
68d1163621t84478l0.jpg
Mật ong Trà sơn (Gia Hanh)...được xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022

 

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các sản phẩm OCOP, bên cạnh chính sách của tỉnh, huyện Can Lộc hỗ trợ các chương trình đào tạo tập huấn, tạo điều kiện thuê đất mở rộng nhà xưởng, tiếp cận với các kênh vốn vay lãi suất thấp.
 
Quảng Bình có hơn 830ha lúa đông-xuân bị sâu bệnh và chuột phá hoại
 
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc cây lúa vụ đông-xuân với diện tích 29.467ha và lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ-đứng cái. Tuy nhiên, toàn tỉnh đã có hơn 830ha lúa đông-xuân bị sâu bệnh gây hại, như: Đạo ôn lá, bọ trĩ, chuột, bạc lá, ốc bươu vàng...
 
images728162_a2.jpg
Người dân huyện Lệ Thuỷ ra đồng chăm sóc lúa đông-xuân.

 

Trong đó, 393ha bị chuột phá hoại, 241ha nhiễm đạo ôn lá, 63ha bị nhiễm bọ trĩ, 56ha nhiễm đốm sọc vi khuẩn, 52ha bị bệnh bạc lá và hơn 25ha bị ốc bươu vàng. Diện tích lúa bị sâu bệnh và chuột gây hại tập trung nhiều nhất tại các huyện: Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủ, Minh Hoá…
 
Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các địa phương tập trung chỉ đạo bà con nông dân tích cực phòng trừ sâu bệnh; phát động phong trào diệt chuột, ốc bươu vàng để bảo vệ cây trồng vụ đông-xuân.
 
Đồng thời, dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bà con nông dân nên thường xuyên tổ chức thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh mới phát sinh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
 
Quảng Trị khẩn trương phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa
 
Thời tiết ấm, độ ẩm không khí cao, kết hợp sương mù về đêm và sáng sớm vừa là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng nhưng cũng rất thích hợp cho các đối tượng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, không để bùng phát trên diện rộng.
 
le-an-1350.jpg
Phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn tại huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A
Huyện Hải Lăng là địa phương có diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân lớn nhất tỉnh với hơn 6.880 ha. Nhưng qua điều tra đồng ruộng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), trên cây lúa đã phát hiện một số đối tượng dịch hại như bệnh vàng lá sinh lý, bệnh bạc lá; đặc biệt, bệnh đạo ôn đã xuất hiện với diện tích nhiễm 15 ha.
 
Theo thống kê của Trạm TT&BVTV liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị, trong tổng số hơn 5.980 ha diện tích lúa toàn huyện đã có trên 52 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn. Tỉ lệ bệnh trung bình 5 %- 10%, nơi cao 15% - 20%, cục bộ trên 30%. Bệnh gây hại trên các giống Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, HC 95... ở một số xã như: Triệu Thành, Triệu Hòa, Triệu Giang, Triệu Phước, Hải Lệ... Ngoài ra, còn có bệnh bạc lá vi khuẩn gây hại trên diện tích 58 ha, chuột gây hại trên 150 ha.
 
Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được hơn 25.900 ha lúa. Đến nay, toàn tỉnh có 640 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, xuất hiện ở hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh như các huyện Gio Linh 450 ha, Triệu Phong 52 ha, thành phố Đông Hà 42 ha… Bệnh gây hại chủ yếu trên các giống HC 95, Bắc thơm 7, Bắc Thịnh, VN 10, IR38... Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục ấm, ẩm độ không khí trên 85%, về đêm và sáng sớm có sương mù là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển, lây lan ra diện rộng, hại nặng và có thể gây cháy nhiều vùng nếu việc phòng trừ không kịp thời và triệt để.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top