Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội đã giải đáp phần nào những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp từ trước đến nay. Thủ tướng đã lắng nghe và tin rằng: “Các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp đến dự Hội nghị.
Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế
Sau một năm triển khai Nghị quyết 35, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 900.000 tỷ đồng (năm 2016), đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới. Theo cam kết của các địa phương về phát triển doanh nghiệp, thì tới năm 2020, cả nước có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp. Đây là một minh chứng cho môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, là cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Về đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 2.613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có 734 dự án mới được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đăng ký 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016.
Sau Hội nghị, trong cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị này là bước triển khai trực tiếp đầu tiên tinh thần Hội nghị Trung ương 5.
Tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. Tinh thần này được quán triệt ngay từ khâu tổ chức, khi các đại biểu từ khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tuyệt đại đa số tại Hội nghị, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta đã xác định doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này”.
Mong muốn của doanh nghiệp
Tổng giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải: Cải cách sẽ biến Việt Nam thành “con hổ mới ở châu Á”
“Nếu doanh nghiệp trong nước chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ thì sẽ khó trụ vững. Thay vào đó, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư công nghệ để phát triển cạnh tranh bền vững.
Hiện, năng suất lao động người Việt Nam tương đối thấp, do đó cần sử dụng nhiều nguồn lực từ các nguồn khác nhau để nâng cao chất lượng giáo dục. Cải cách giáo dục sẽ là trụ đỡ, giúp nâng cao năng suất lao động người Việt Nam nhanh nhất.
Tuy thời gian gần đây doanh nghiệp Việt hụt hơi hơn so với khối ngoại, nhưng tôi vẫn tin tưởng, đất nước chỉ có thể phát triển nếu có đội ngũ doanh nghiệp nội khoẻ, bền vững. Do đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần cải cách, nâng cao kỹ năng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI.
Việt Nam đang ở lợi thế lớn dựa vào nhân công giá rẻ, làn sóng FDI là cơ hội vàng để phát triển đất nước. Chính phủ cần tiếp tục cải cách, tạo điều kiện để Việt Nam trở thành con hổ mới của châu Á.
Chủ tịch Tập đoàn TH, bà Thái Hương: Phải ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để DN cạnh tranh lành mạnh
Chữ Tín trong kinh doanh gồm chữ tín của doanh nghiệp, doanh nhân nhưng chữ Tín này đang bị đánh đồng. Dù có tiêu chuẩn sữa học đường nhưng hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về dạng sữa lỏng. Hiện, không hiểu mắc ở đâu mà vẫn chưa thể ban hành được tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là về sữa. Trong khi các nước tiên tiến chỉ sử dụng sữa bột, sữa tươi thì ở Việt Nam lại lạm dụng sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên, và vẫn chưa ra được tiêu chuẩn dạng sữa lỏng.
Để biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì trước hết phải làm tử tế ngay trong nước, phải ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
Chủ tịch Công ty Hợp Lực Nguyễn Hữu Đệ: Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư
Chính phủ cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp khi mà tình trạng giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ vẫn còn phổ biến. Ở địa phương, cán bộ đi chơi quá nhiều. Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc cải cách.
Ngoài ra, nếu Chính phủ không cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, thống nhất quy trình khám - chữa bệnh giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội, các quy định về khám - chữa bệnh cho người nghèo, thông tuyến khám - chữa bệnh, tôi đề nghị: “Cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm nữa, phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư”.
Ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist: Cần mở rộng việc miễn visa du lịch
Việc miễn thị thực visa là rất cần thiết, thiết thực để thu hút khách du lịch. Nếu chúng ta chỉ có 3 năm thì nên kéo dài 5 năm. Chương trình cấp thị thực visa điện tử cho 40 nước cũng nên phát triển thêm.
Việc quy hoạch du lịch vùng, quy hoạch phát triển của từng địa phương cũng chưa thống nhất. Quy hoạch tại từng địa phương chưa đầy đủ, không đồng bộ nên phát triển không bền vững khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhất là về nguồn nhân lực. Các cơ sở du lịch có trước nhưng sau đó những cơ sở mới lại nhận lao động của các cơ sở khác. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết, đề nghị các bộ, ngành và các cấp quan tâm đến quy hoạch vùng và quy hoạch nhân lực.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan: Cần thành lập một tập đoàn bán lẻ theo quy mô quốc gia
Thị trường bán lẻ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục thời gian qua, góp phần quan trọng vào ổn định, tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt trên 10% trong năm 2016, tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu và xây dựng các chương trình khuyến thương để khuyến khích thương mại, bên cạnh các chương trình khuyến công và khuyến nông hiện tại. Trong thời gian chờ đợi, nên bổ sung các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào các chương trình khuyến công, khuyến nông, qua đó giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ - khâu kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Ngoài ra, nên thành lập một tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hàng đầu hiện tại. Ước tính, nếu được xây dựng, tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 - 5 tỷ USD/năm. Mô hình này trước đây đã từng được xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, tuy nhiên do không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh và những khó khăn trong khâu quản lý nên đã thất bại.
Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ Phạm Văn Sơn: Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp
Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế, làm bếp ăn của thế giới, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư...
Vì thế, Chính phủ cần tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân; chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương,... vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm; huy động các doanh nghiệp lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp.
Dương Thanh (ghi)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.