Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tiềm năng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ rất lớn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tiềm năng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao; cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển.
Tăng trưởng khoảng 8 - 9% giai đoạn 2021 - 2030
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò “phên dậu” và “lá phổi” đối với đất nước của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.
Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết.
Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030, trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2 - 3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng 54 - 55%... Hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.
Tiềm năng và cơ hội
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, trong đó có 6 tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn) có đường biên giới đất liền với Trung Quốc dài 1.273km và 2 tỉnh có đường biên giới đất liền với Lào dài 610 km (Điện Biên, Sơn La); có diện tích hơn 95.000km2, chiếm 28,74% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc. Dân số gần 13 triệu người (13% dân số cả nước), đóng góp 8,54% GDP cả nước.
Vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu..., có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Ngoài ra, vùng có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, đó là: Có khí hậu phù hợp để phát triển nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu sản phẩm với nhiều loại cây trồng - vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới; có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu quốc tế và lối mở thuận lợi cho giao thương, xuất - nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp không chỉ cho vùng mà cho cả nước; là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa riêng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ nên có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái; một số lĩnh vực được xác định còn nhiều dư địa cho phát triển như chế biến sản phẩm nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp đa giá trị...
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, vùng hội đủ những yếu tố cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, hữu cơ và đặc sản của cả nước.
San phẳng “vùng trũng” bằng kế hoạch cụ thể
Từ nhận định của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, đó là “Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, tại Hội nghị, nhiều tỉnh đã đưa ra kế hoạch hành động và giải pháp tạo động lực phát triển vùng.
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cho biết, tỉnh đã xác định rõ 5 nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới:
Thứ nhất, ổn định và từng bước nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, nhất là khu vực đồng bào thiểu số gắn với sắp xếp, ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho dân cư biên giới. Tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững để bảo vệ rừng, nước đầu nguồn; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao thương kinh tế: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối - hợp tác một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt giữa các địa phương trong vùng với vùng Tây Nam của Trung Quốc; đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thứ ba, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistic quan trọng của cả nước, có năng lực tập trung, điều phối thông suốt hàng hoá giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc… Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt 50 tỷ USD.
Thứ tư, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch, văn hóa của vùng và cả nước qua khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa gắn với xây dựng đồng bộ trụ cột là Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, bảo đảm năng lực đón trên 15 triệu du khách vào năm 2030.
Thứ năm, phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng lớn.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại quan điểm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: “Phát triển nông nghiệp Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản”.
Ông cho rằng, nếu chỉ cứ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác. Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hoá tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm, hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao.
“Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc, người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng trong các thôn, bản rẻo cao, tạo dựng sự kết nối gần gũi, thân thiết đến du khách, đến người tiêu dùng. Đây cũng là những điều mà Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu và các địa phương khác đang kiên trì theo đuổi và đạt được thành công bước đầu”, ông Hoan nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để trong 1 đến 2 nhiệm kỳ, sẽ tạo bước tiến rõ rệt về xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của họ được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không.
Phát huy nội lực và liên kết chặt chẽ để phát triển
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine.
Tập trung, tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của vùng và từng địa phương trong vùng trong thời gian tới. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi; cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gồm vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng… Các địa phương thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; chú trọng các mô hình: Lãnh đạo công-quản trị tư; đầu tư công-quản lý tư; đầu tư tư-sử dụng công. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; trong đó có hình thức đối tác công tư, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược.
Ưu tiền nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực. Xác định đầu tư cho giáo dục - đào tạo và y tế là đầu tư cho phát triển. Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng. Triển khai hiệu quả các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người yếu thế... Chú trọng phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết, trước hết là trong các tổ chức Đảng, giữ vững vai trò là “phên dậu” về quốc phòng, an ninh của vùng đối với cả nước.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư “đã cam kết thì phải làm bằng được”, ”lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “chân thành, trách nhiệm”, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền, nhân dân địa phương, tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng. Điều quan trọng nhất là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư làm ăn, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Năm điểm quan trọng của Nghị quyết số 11-NQ/TW
|
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.