Hàng chục năm qua, nguồn năng lượng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân Tây Nguyên chủ yếu dựa vào thủy điện.
Các nhà máy thủy điện có quy mô lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, tác động đến hệ sinh thái, thiếu bền vững, có thời điểm điện bị thiếu hụt trầm trọng.
Khắc phục tình trạng trên, Chính phủ bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án điện gió ở đây, bên cạnh những tín hiệu tích cực, đã bộc lộ một số vướng mắc, đòi hỏi phải xử lý kịp thời, nhằm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Đắk Lắk - trung tâm năng lượng tái tạo
Theo thống kê của các chuyên gia năng lượng, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng của bão, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Đắk Lắk có tiềm năng lớn về điện gió (tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW), điện mặt trời (95 GWh/năm), điện sinh khối rất dồi dào, với năng lượng sinh khối từ bã mía (gần 8 triệu tấn), cuống sắn (2,5 triệu tấn)...
Với những tiềm năng vượt bậc trong phát triển năng lượng tái tạo, Đắk Lắk được định hướng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực Tây Nguyên. Cụ thể, ngày 11/2/2020, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 15/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển năng lượng tái tạo Tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu phấn đấu, phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đạt công suất 2.000 - 3.000MW giai đoạn 2020-2025; 3.000-4.000MW giai đoạn 2026-2030; phấn đấu đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.
Để thực hiện định hướng này, Đắk Lắk đang xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các khu vực kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, địa phương cũng tích cực rà soát, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, với các dự án điện gió đang thực hiện, chính quyền và ngành chức năng tích cực hoàn thành các thủ tục liên quan đến dự án; thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai…, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm thực hiện hoàn thành dự án.
Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khai thác các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, các dự án đã đóng góp phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk bổ sung nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5-4 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió đã, đang và sẽ thực hiện góp phần đưa Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của Tây Nguyên trong tương lai.
Chưa hoàn thiện thủ tục đã ồ ạt thi công
Mặc dù được đánh giá đem lại lợi ích to lớn, nhưng quá trình triển khai các dự án điện gió trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể, theo Thông tư ngày 6/3/2020 của Bộ Công Thương về vấn đề quản lý sử dụng đất trong các dự án điện gió quy định rõ ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống… nhưng thực tế diễn ra ở Đắk Nông thì trái ngược.
Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi Đắk Song là vùng sản xuất nông nghiệp tươi tốt, với năng suất, chất lượng đứng đầu của tỉnh Đắk Nông.
Theo tìm hiểu của PV, cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2021, ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 đã được khởi công xây dựng nhiều vị trí, hạng mục công trình khi chưa hoàn thành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông và chưa có thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông còn phát hiện hơn 100 lao động quốc tịch Trung Quốc không có giấy tờ lao động hợp pháp tại công trường điện gió.
Trao đổi với PV, nhiều hộ dân ở xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho biết, vào thời điểm dự án gần triển khai, có nhiều người đến mua đất nói là để thực hiện dự án trồng cây dược liệu nhưng sau đó “bất ngờ” trở thành các trụ tuabin của điện gió.
Không chỉ bức xúc về vấn đề đất đai, người dân xã Thuận Hà còn cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 còn trái với quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư ngày 6/3/2020 rằng: Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét.
Ông Nguyễn Văn Hà, người dân xã Thuận Hà, cho biết: “Nhiều vị trí trụ tuabin nằm trong vùng đất trồng trọt của người dân, đặc biệt có trụ nằm ngay sát nhà dân, mỗi lần thi công khiến nhà cửa hư hỏng, rung lắc. Ngoài ra, nhiều nhà cửa, đất sản xuất của người dân, trong đó có gia đình tôi nằm trong phạm vi bán kính 300m tính từ chân trụ điện gió vẫn chưa được xem xét bồi thường”.
Một số hộ dân khác cho rằng: Việc triển khai các dự án điện gió khi chưa đánh giá đầy đủ mức độ tác động đến sức khỏe con người, cây trồng vật nuôi trong phạm vi 300m là không đúng với các quy định pháp luật.
Những khúc mắc trên chưa được giải quyết ổn thỏa, nên quá trình thi công các dự án điện gió, người dân liên tục tụ tập đông người phản đối, ngăn cản chủ đầu tư đưa máy móc, thiết bị vào khu vực thực hiện dự án, thậm chí còn xẩy ra xô xát.
Do bị người dân ngăn cản thi công, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, ngày 6/5 vừa qua, Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung cũng có đơn gửi UBND tỉnh Đắk Nông về một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc triển khai 3 dự án trên.
Công ty khẳng định, đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thiết kế, mua sắm trang thiết bị và thu xếp tài chính cho dự án, với mục tiêu hoàn thành dự án và phát điện thương mại vào ngày 1/11/2021.
Tương tự, quá trình triển khai các dự án điện gió ở tỉnh Đắk Lắk cũng đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như xe quá trọng tải, bụi bặm, tiếng ồn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông....
Theo phản ánh của một số hộ dân thôn 5 (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) sinh sống dọc tuyến đường liên huyện Ea H’leo – Cư M’gar, từ khi Nhà máy điện gió Ea Nam khởi công, cuộc sống của họ đã bị đảo lộn bởi xe quá tải chở vật liệu thi công chạy nhanh, liên tục gây bụi bặm, tiếng ồn, lún, nứt một số công trình dân sinh...
Do đó, người dân mong muốn, nhà đầu tư và chính quyền địa phương cần nhanh chóng khắc phục tình trạng bụi bặm, tiếng ồn, xe quá trọng tải để đảm bảo an toàn cho người dân sống hai bên đường. Đối với nhà cửa, công trình bị hư hỏng phải sớm ghi nhận và có đền bù thỏa đáng.
Nhiều bất cập
Việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực là tín hiệu đáng mừng, khi nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta đang phát triển theo xu hướng sống xanh của thế giới.
Các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng đề nghị bổ sung quy hoạch tới 91 dự án, tổng công suất 11.733MW.
Sự bất cập về cơ sở hạ tầng là vấn đề lớn với các dự án điện gió hiện nay. Hầu hết dự án điện gió đều nằm ở nơi phụ tải thấp, chủ yếu ở vùng nông thôn, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp trong các năm qua, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất từ các dự án mới được bổ sung quy hoạch. Do vậy, việc đấu nối vào đường dây 100kV, 200kV đều là thách thức.
Đánh giá về các dự án đã hoạt động và dự án được bổ sung vào quy hoạch, một chuyên gia về điện gió cho rằng, các quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án điện gió hầu hết chỉ bổ sung các dự án lưới điện phục vụ đấu nối cho từng dự án cụ thể, mà chưa đề cập bổ sung quy hoạch đối với các công trình lưới điện một cách tổng thể, đồng bộ, nên không đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất từ tất cả dự án.
Tại không ít quốc gia, nguồn năng lượng tái tạo được xây dựng để thay thế cho nguồn thiếu hụt và phải nhập khẩu. Do đó, dự án năng lượng tái tạo được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ. Còn ở Việt Nam, các dự án điện mặt trời và điện gió được xây dựng ở những khu vực đáp ứng điều kiện tự nhiên, đất đai, nhưng lại không có nhu cầu sử dụng lớn. Ngược lại, khu vực có nhu cầu điện lớn lại không thể làm điện gió, điện mặt trời. Điều này dẫn đến quá tải cục bộ trên lưới và rất khó xử lý. Vì lẽ đó, nếu không có quy hoạch hợp lý về lưới điện thì giá trị của nguồn điện gió sẽ không được khai thác hiệu quả.
Vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để có sự đồng bộ về nguồn và lưới trong những năm tới khi lượng điện gió đưa vào sử dụng lớn, tập trung ở một số tỉnh. Do đó, cần phải quy hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Nếu không làm kỹ quy hoạch thì sẽ gặp tình trạng đầu tư vào điện gió mà không giải tỏa được công suất. Cần có những kiến nghị bằng con số rõ ràng hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không truyền tải được công suất, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Liên quan vụ tranh chấp tại các dự án điện gió, sáng 17/6/2021, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi họp thông tin thêm và khẳng định đang rà soát, chấn chỉnh để đảm bảo đủ điều kiện khởi công.
Đại diện UBND huyện Đắk Song cho biết, hiện có tổng cộng 547 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m tính từ chân của 78 cột điện gió. Hiện nay, huyện Đắk Song đang chờ hướng dẫn của tỉnh để có hướng giải quyết đối với những căn nhà này cũng như xử lý các vấn đề liên quan tới phạm vi 300m tính từ chân các cột điện gió.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định, UBND tỉnh có nhiều chính sách thu hút đầu tư và các dự án điện gió sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án Đắk N’Drung có nhiều bất cập. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành tháo gỡ. Chủ đầu tư các dự án điện gió phải phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thiện các thủ tục, thực hiện việc thi công các dự án theo đúng quy định. Dự án nếu có ảnh hưởng đến người dân, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ.
“Về khoảng cách 300m từ trụ tuabin đến các hộ dân, hiện Bộ Công Thương đã có dự thảo trả lời UBND tỉnh. Khi có văn bản chính thức, tỉnh sẽ triển khai để đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp”, ông Yên nói.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, rõ ràng đã có những bất thường trong một số dự án điện gió ở khu vực Tây Nguyên và cần phải kiểm tra, rà soát để xử lý các vấn đề này.
Trước hết, phải khẳng định, phát triển điện gió là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên quá trình thực hiện cần có những quy định chặt chẽ nhằm tránh tình trạng dự án ma, mua bán dự án, lấy danh nghĩa doanh nghiệp trong nước nhưng thực chất lại mời doanh nghiệp nước ngoài vào…
Tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các địa phương, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định trong việc thực hiện dự án để cấp chủ trương đầu tư, chạy hoàn thành trước ngày hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị bất kỳ sự vi phạm nào đều phải xử lý nghiêm.
Ngoài ra, với sức ép tiến độ, cấp chủ trương thực hiện dự án nhanh chóng, không công khai minh bạch, không đưa ra hội đồng tư vấn độc lập sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực. Theo tôi, điều này cần phải có các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, tạm thời đình chỉ, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, về điện gió, điện mặt trời hiện nay, công nghệ ở Trung Quốc rất phát triển, nhưng trong bối cảnh dịch Covid - 19 rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền, rất cần sự giám sát, quy định chặt chẽ.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.