Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 6 năm 2022 | 15:28

Phát triển mô hình nông nghiệp xanh, “cánh cửa” mở hòa cùng xu thế của thời đại

Các địa phương đang phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của thị trường. Nông nghiệp sẽ mở thêm nhiều “cánh cửa” thị trường, phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hòa cùng xu thế thời đại.

san-xuat-rau-an-toan-tai-ho.jpg
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín).

Hà Nội: Sản xuất xanh, tạo sản phẩm an toàn là hướng phát triển NN bền vững

Các doanh nghiệp, hợp tác xã... trên địa bàn Hà Nội và cả nước đang phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng cao của thị trường. Cách làm này cũng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Với những ưu điểm đó, về lâu dài, sản xuất xanh, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái để tạo ra sản phẩm an toàn chính là hướng phát triển bền vững...

Thực tế là nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của người dân ngày càng cao và để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thị trường, các địa phương đã và đang tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.

Theo Giám đốc Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường… hợp tác xã yêu cầu các thành viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến sản phẩm… Hiện tại, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu hoạch 5 tạ rau, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh thu 3,5-4 triệu đồng.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền cho biết, hiện hợp tác xã có 5ha trồng rau hữu cơ, hơn 1.500ha bưởi Diễn trồng theo hướng an toàn. Với mục đích tạo nguồn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp an toàn tăng 15-20% so với sản phẩm sản xuất theo phương thức cũ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, phát triển nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho các địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; kiểm soát chất lượng sản phẩm..., mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, lúa chất lượng cao là hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào; đồng thời liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn... Đến nay, cả nước đã có 463.000ha cây trồng, 16.991ha nuôi trồng thủy sản; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP. Qua thực tiễn cho thấy, sản xuất theo hướng VietGAP vừa tiết kiệm được chi phí “đầu vào”, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường...

Hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, nhưng mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là quy mô nhỏ lẻ nên khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung... Người nông dân vẫn canh tác theo thói quen trước đây, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, “đầu ra” của các sản phẩm nông nghiệp an toàn còn bấp bênh...

Để phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn về nguồn vốn cũng như năng lực ứng dụng công nghệ cao để mở rộng quy mô sản xuất.

Ở điểm nhìn khác, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng, để nâng cao chất lượng nông sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải hình thành chuỗi liên kết bền vững từ quy trình sản xuất, đến sơ chế, chế biến sản phẩm...

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, giúp nông dân, các hợp tác xã nắm vững quy trình sản xuất; đồng thời hỗ trợ xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm... Còn với “bài toán” về “đầu ra” cho nông sản hữu cơ, nông sản sạch…, trước hết cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với nhu cầu thực tế.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp Thủ đô tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách ưu đãi doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại…; đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… qua đó thúc đẩy sản xuất an toàn.

Khẳng định xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải... sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để hội nhập kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có tầm nhìn và những bước đi táo bạo để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường, trong đó tập trung vào chăn nuôi và trồng lúa; phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, an toàn, quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong nước và xuất khẩu.

Thanh Hóa: Phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát triển các mô hình nông nghiệp an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đa dạng các sản phẩm như gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà... từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

177d4195700t91855l0.jpg
Sản xuất rau, quả trong nhà lưới tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

 

Từ 27 ha ban đầu, đến nay, vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hà Long (Hà Trung) đã nhân rộng ra khoảng 200ha. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất... Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Để người dân yên tâm sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê tiêu thụ từ 100 đến 150 tấn sản phẩm mỗi năm. Hiện nay, sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh và trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Được biết, trước yêu cầu sử dụng sản phẩm gạo sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, các huyện như Nông Cống, Hà Trung, Quảng Xương, Yên Định, Thọ Xuân... đã đẩy mạnh phát triển mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó, hình thành vùng trồng lúa hữu cơ với diện tích 310 ha tại các huyện Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Yên Định. Có thể nói, bên cạnh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất. Thông qua mô hình, người dân đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học.

Bên cạnh gạo sạch, các sản phẩm nông sản như rau, củ, quả, thịt gà, thịt lợn... cũng được người dân các địa phương tập trung sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.560 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP; 330 ha nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ... Ngoài ra, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng đã quen thuộc với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, như thịt gà, thịt vịt, thịt lợn... được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,... đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn, con nuôi đặc sản... theo hướng an toàn sinh học và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, với đa dạng các sản phẩm nông sản, thời gian tới phát huy những tiềm năng, lợi thế, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng rau, củ, quả,... theo tiêu chuẩn VietGAP; các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích. Đối với diện tích sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận, cần tăng cường liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, các bếp ăn tập thể, trường học... Đồng thời, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc in bao bì, tem nhãn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia các hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Bắc Ninh: Thêm “cánh cửa” phát triển nông nghiệp bền vững, hòa cùng xu thế của thời đại

Cùng với việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chất lượng, sản xuất theo hướng chuyên canh, an toàn theo mô hình nông nghiệp xanh… thì đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại chính là giải pháp mở thêm những “cánh cửa” đưa nông sản đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cùng với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh triển khai thêm nhiều phương thức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ như: hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; kết nối doanh nghiệp với hệ thống tham tán thương mại và đối tác trên các nền tảng internet; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản cung cấp cho các đối tác tiềm năng… bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.

 

9.jpg
Sản xuất xúc xích tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Dabaco xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du

 

Tuy nhiên, việc kết nối, tiêu thụ các vùng sản phẩm nông nghiệp, nhất là liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi nông nghiệp trong tỉnh nói riêng cũng như trên bình diện cả nước vẫn đang sản xuất theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chưa có nhiều vùng hàng hóa chuyên canh lớn, có thể truy xuất nguồn gốc; công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức; liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo…

Do vậy, để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các thị trường lớn có giá trị cao cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cho cả những vấn đề trước mắt và lâu dài.

Để có được nền nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài việc người nông dân cần đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như thế giới thì việc tăng cường giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương là vô cùng cần thiết.

Trong đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức truyền thống như: tổ chức hội chợ, chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề; tăng cường kiểm tra hàng mẫu, vùng sản xuất… Tiếp tục xây dựng nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng toàn diện cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tìm kiếm thông tin về hội chợ, hội thảo, chương trình, sự kiện cũng như các đối tác có liên quan đến mỗi ngành hàng nông sản; kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu nước ngoài…

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển các hình thức bán hàng trên môi trường mạng, từng bước hội nhập với xu thế thương mại thời đại cách mạng công nghiệp 4.0… hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, gia tăng giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Kết hợp nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu…, nông nghiệp nước nhà sẽ mở thêm nhiều “cánh cửa” thị trường; gắn tiêu thụ nông sản với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hòa cùng xu thế của thời đại./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top