Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 9 năm 2017 | 4:40

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên quê hương cách mạng

Vùng Yên Thế trước đây (Tân Yên bây giờ) nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là một trong những địa phương đầu tiên giành chính quyền về tay nhân dân; hiện nay, Tân Yên là địa phương đi đầu trong tỉnh Bắc Giang về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Lượng bên khu nhà lưới của HTX Vinh Quang.

Hào khí quê hương

Ngày 3/9/1944, tại Yên Thế,  đã diễn ra một sự kiện lịch sử, đánh dấu một trang mới trong tiến trình phát triển cách mạng của địa phương, đó là 2 chi bộ Đảng đầu tiên của miền quê Yên Thế được thành lập tại Yên Lý, Phúc Sơn và Đồng Điều, Tân Trung.

Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên ghi: “Ngày 15/4/1945, một bộ phận Cứu quốc quân phối hợp với du kích Yên Thế tiến đánh phủ đường Yên Thế thu 17 súng, 2 máy chữ, tiêu huỷ toàn bộ sổ sách giấy tờ”. Sau đó Phát xít Nhật cử Tưởng Văn Trang làm Tri phủ. Ngày 15/7/1945, Tưởng Văn Trang bị ta bắt tại dốc Đanh, Tân Trung. Đêm 16 rạng ngày 17/7/1945, du kích Yên Thế được sự hỗ trợ của một bộ phận tự vệ Hiệp Hoà đã phất cao cờ đỏ sao vàng ập vào phủ đường, chiếm giữ kho súng, thu gom tiêu huỷ hết sổ sách, tập trung binh lính nha lại và người nhà của chúng để giải thích chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở phủ Yên Thế đã giành thắng lợi. Từ đêm ngày 16 và suốt ngày 17 - 18/ 7/ 1945, phong trào cách mạng ở Yên Thế đã thành cao trào. Phát huy thắng lợi, đêm 18/7, ta đánh đồn binh Bố Hạ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Yên Thế đã thành công. Uỷ ban cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt.  Năm 1957, huyện Yên Thế cũ được chia tách thành 2 huyện: Tân Yên và Yên Thế.

Phát huy tinh thần quả cảm, thượng võ và nhân văn của miền đất “trai Cầu Vồng”, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cán bộ, nhân dân huyện Tân Yên luôn đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đồng thời trên miền đất này cũng xuất hiện nhiều phong trào mang đậm tính giáo dục và nhân văn, đó là: Phong trào sạch làng tốt ruộng tại xã Đại Hoá; Tháng cô Tấm vào hội khởi nguồn từ xã Hợp Đức, sau này trở thành phong trào Trần Quốc Toản của thiếu niên, nhi đồng; Phong trào xây dựng nhà bia, khởi nguồn từ Ngọc Lý; Phong trào Hội mẹ chiến sỹ khởi đầu từ xã Ngọc Thiện...

Tân Yên được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Huyện có 5 xã anh hùng, 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 46 mẹ Việt Nam anh hùng.

Mạnh dạn đưa công nghệ cao vào sản xuất

Những ngày mùa Thu lịch sử, tôi về Tân Yên để tìm hiểu việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tôi khi vừa dự một cuộc họp Thường vụ, ông Nguyễn Quang Lượng, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Yên, chia sẻ: Tân Yên có mô hình cấp huyện về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang hoạt động khá hiệu quả; các mô hình còn lại đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo ông Lượng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm khơi dậy  và  đánh thức tiềm năng nông nghiệp đang ngủ quên.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Yên có hẳn nghị quyết triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; không những thế, chính quyền còn có  cơ chế và chính sách hỗ trợ riêng. Đối với các dự án áp dụng công nghệ cao cho nông nghiệp có diện tích sử dụng đất trên 2.000m2 sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng, các dự án dưới 1.000m2 được hỗ trợ 70 triệu đồng. Trên địa bàn huyện còn có những dự án bán công nghệ cao sản xuất rau an toàn, cây ăn quả được UBND huyện hỗ trợ 30 triệu đồng/dự án.

Chúng tôi đến thăm HTX Vinh Quang (thôn Thượng, xã Cao Xá), mô hình áp dụng công nghệ cao cung ứng sản phẩm  rau quả cho chế biến xuất khẩu. Chủ nhiệm HTX Giáp Văn Nam hồ hởi đón chúng tôi và cho biết: HTX đang thực hiện dự án trồng rau sạch, với diện tích hơn 2.600m2.  Chúng tôi đang cho làm đất và chuẩn bị gieo 2 triệu cây giống là cà chua bi và ớt. Hiện nay trên thị trường xuất khẩu, hai sản phẩm này đang được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng, vì vậy giá thành tương đối cao. Sản phẩm của HTX không đủ cung cấp cho nhà sản xuất đồ rau củ quả xuất khẩu.

Trong quá trình thực hiện dự án, HTX được UBND huyện hỗ trợ 300 triệu đồng; được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện theo dõi, hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc rau.

Ông Nguyễn Quang Lượng tâm sự: Phát huy truyền thống của huyện cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Yên sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã đề ra trong nông nghiệp, với mục tiêu nâng cao đời sống người dân. Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, Tân Yên đã có nhiều thay đổi nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang, cuộc sống của nhân dân càng ngày được nâng cao.

Phạm Thủy

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top