Sau 30 năm tái lập (01/7/1989 - 01/7/2019), Phú Yên có sự phát triển vượt bậc, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân qua nhiều thế hệ.
Thành tựu 30 năm
Thời gian đầu tái lập tỉnh, với những bộn bề khó khăn, kinh tế Phú Yên có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh trong khu vực; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở tất cả các ngành, các khâu then chốt đều yếu và thiếu; Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Trong 30 năm phát triển và hội nhập, Phú Yên có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14%. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 24.925 tỷ đồng, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1990-2018 đạt 9%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến cuối năm 2018 đạt 15.822 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2018 đạt 126.970 tỷ đồng. Hơn 2.990 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,6%/năm. Phú Yên hình thành các khu kinh tế trọng điểm như: Khu Kinh tế Nam Phú Yên, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các khu công nghiệp An Phú, Hòa Hiệp, Đông Bắc Sông Cầu... làm động lực cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa của Phú Yên từng bước được hoàn thiện, mở rộng về quy mô đào tạo và chất lượng phục vụ; Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới trường, trạm được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa; Đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên, y - bác sĩ luôn được bổ sung đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu phát triển dân trí và chất lượng cuộc sống người dân. Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa đạt được nhiều kết quả, với 22 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng cấp quốc gia.
Từ tỉnh chỉ có 1 thị xã và 6 huyện, đến nay, Phú Yên có 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện. Dân số thành thị năm 1989 có 120.277 người , nay đạt khoảng 267.000 người, với nhịp thay đổi theo hướng đô thị hóa.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên luôn gắn liền với sự phát triển vùng, miền và gắn kết với sự phát triển của hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy. Mạng lưới giao thông đường bộ được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh với 2 trục chính. Đó là Quốc lộ 1A chạy theo trục Bắc Nam, gắn kết Phú Yên với trục phát triển kinh tế Nam Trung Bộ qua Bình Định, Khánh Hòa, với việc thông hầm Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông, tạo thuận lợi giao thương của tỉnh đối với trục kinh tế này. Đó là các tuyến quốc lộ 25, 29 và 19C đã mở ra hành lang kinh tế Đông - Tây, gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên; kết hợp với sự phát triển của các cảng biển như Vũng Rô hay sau này là Bãi Gốc, mở ra cơ hội để Phú Yên trở thành cửa ngõ phía Đông vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, hàng không ngày càng phát triển, số lượng khách và chuyến bay đến và đi ở Cảng Hàng không Tuy Hòa ngày càng tăng. Tháng 11/2019, Phú Yên dự kiến đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Nga. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch nâng cấp cảng hàng không này thành cảng hàng không quốc tế với quy mô 5 triệu khách/năm.
Phát triển bền vững, không nóng vội
Với những nền tảng, động lực quan trọng của thành tựu 30 năm, vấn đề quan trọng của Phú Yên là làm sao tận dụng hiệu quả những nền tảng, động lực đó trong bối cảnh kinh tế, chính trị của đất nước và quốc tế hiện nay để khắc phục tồn tại, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
So với các tỉnh trong khu vực, Phú Yên là địa phương đi sau, xuất phát điểm thấp, bất lợi trong cạnh tranh thu hút đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, đi sau cũng là một lợi thế để Phú Yên học hỏi, tiếp thu và khắc phục những tồn tại của các địa phương đi trước, đặc biệt là trong vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong công tác quản lý nhà nước.
Trong vấn đề về phát triển, mục tiêu của Phú Yên là làm thế nào để có thể vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, vừa đảm bảo được lợi ích, nâng cao được chất lượng cuộc sống cho người dân. Người dân phải là trung tâm thụ hưởng các thành tựu phát triển về mọi mặt của tỉnh.
Hiện nay, Phú Yên đã hội tụ nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là lợi thế về địa hình, vị trí địa lý, ưu đãi về thổ nhưỡng và hạ tầng đồng bộ. Do đó, trong thu hút đầu tư phát triển, không nóng vội, thực sự cầu thị để xây dựng Phú Yên thành vùng đất phát triển, có nền kinh tế phát triển bền vững.
Định hướng phát triển
Phú Yên đang từng bước rà soát, xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh với tầm nhìn phát triển bền vững trong dài hạn dựa trên các yếu tố:
Một là, tận dụng được những lợi thế hiện có của tỉnh, trong xu thế phát triển của cả nước và sự dịch chuyển của kinh tế quốc tế, đồng thời ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng về cả đạo đức và trình độ. Để từ đó xây dựng được một nền hành chính hiện đại, minh bạch, một môi trường đầu tư tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ba là, tập trung thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa.
Với lợi thế của tỉnh, Phú Yên có thể thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển thành khu vực giáo dục đại học và sau đại học chất lượng quốc tế, cũng như phát triển các bệnh viện quốc tế và trung tâm điều dưỡng chất lượng cao.
Bốn là, trong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển được du lịch, muốn đảm bảo được chất lượng cuộc sống thì cần bảo vệ được môi trường. Ở đây, chúng ta không chỉ nói việc xả rác bừa bãi, điều quan trọng hơn là việc quản lý đô thị, quản lý xả thải, phát triển hạ tầng môi trường, trồng cây xanh, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần... Đây là vấn đề lớn, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội.
Năm là, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể như di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh,.. và di sản văn hóa phi vật thể.
30 năm qua, các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta nền tảng và động lực quan trọng để phát triển. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay là làm sao phát huy tối đa những giá trị đó, để xác định định hướng phát triển của tỉnh, để làm sao, Phú Yên có thể phát triển nền kinh tế bền vững, ổn định về chính trị, an ninh -quốc phòng được giữ vững, nhân dân có được cuộc sống chất lượng cao. Đó là cơ sở để Phú Yên vừa phú (giàu có), vừa yên (yên bình).
Phạm Đại Dương
Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.