Thời điểm này, những cánh đồng lúa ở Phú Yên, bà con nông dân vừa thu hoạch xong, kéo theo đó là nhiều người nuôi vịt từ khắp nơi đổ về các huyện Tuy An, Phú Hoà, Tây Hoà, TX. Đông Hoà… dựng lều bắt đầu mùa chăn vịt chạy đồng.
Niền vui của người nuôi vịt
Những ngày này, đi dọc hai bên Quốc lộ 25 thuộc huyện Phú Hoà, ai nấy dễ dàng bắt gặp hàng chục nghìn con vịt được chăn thả trên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch. Vì nguồn thức ăn dồi dào này mà những người nuôi vịt không quản xa xôi, dầm sương dãi nắng, di chuyển hàng chục cây số đến đây tìm bãi thả.
Khi biết cánh đồng lúa ở Phú Yên vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Bình Thiên ở huyện Krông Pa (Gia Lai) quyết định đưa đàn vịt hơn 5.000 con xuống huyện Phú Hoà chăn thả. Ông cho hay: Vào thời điểm chưa thu hoạch lúa, không có nguồn thức ăn, gia đình bình quân mỗi ngày phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng mua thức ăn cho vịt. Có lần gia đình thiếu kinh phí, phải giảm lượng thức ăn lại thì vịt không mập mạp, đẻ trứng ít nên không có lãi, thậm chí lỗ.
Rút kinh nghiệm từ đó, để duy trì đàn vịt, ông Thiên thường xuyên di chuyển đàn vịt của gia đình mình hết tỉnh này rồi đến tỉnh khác. Vùng nào vừa thu hoạch lúa xong, ông thuê xe chở vịt đi thả đồng. Tính ra trả tiền thuê xe vẫn còn lời gấp mấy lần tiền mua thức ăn cho vịt hàng ngày.
“Bình thường, tôi thu khoảng 2.500 quả trứng/ngày thì khi đem vịt thả đồng thu được hơn 3.500 trứng. Với giá bán trứng như hiện nay 21.000 - 23.000 đồng/chục, bình quân qua mỗi đêm có thu nhập 9 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Hai tháng sau, khi mùa thả đồng kết thúc, vịt thả đồng vận động nhiều nên thịt săn chắc và thơm hơn so với vịt nuôi cám tổng hợp, giá bán cũng sẽ cao hơn”, ông Thiên cho biết thêm.
Ông Võ An cũng đang chăn thả đàn vịt hơn 3.000 con ở cánh đồng ở thôn Mỹ Hoà, xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, chia sẻ: Thức ăn cho đàn vịt của gia đình hơn 4 tạ cám/ngày thì khi thả đồng chỉ còn 1 tạ/ngày (1 bao cám 40kg với giá 300.0000 đồng) mà chúng vẫn lớn nhanh, tăng khả năng sinh sản, trong khi tôi thuê 67ha ruộng với giá từ 500.000 – 800.000 đồng/ha. Ngoài ra, trứng vịt thả đồng to, ngon và béo hơn nên dễ tiêu thụ. Tuy nuôi vịt chạy đồng gặp nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh nhưng phải chấp nhận vì nuôi nhốt thì không có lãi.
Tương tự, nhiều ngày qua, gia đình bà Lê Thị Thu Hồng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cũng đưa 3.000 con vịt chạy ăn trên khắp các cánh đồng ở địa phương này. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn có trên đồng nên mỗi ngày bà chỉ cho ăn bổ sung 1 bao cám, tiết kiệm được hơn 75% chi phí.
Cơ cực chạy theo đuôi vịt
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát của ông Thiên ít ai ngờ năm nay ông đã ngoài 60 tuổi và có gần 40 năm chăn vịt. Ông cho biết: “Cái vất vả của nghề này thật khó nói hết, như nơi ăn ở của chúng tôi chỉ là dựng cái chòi nhỏ trên đám ruộng nuôi vịt rồi sinh sống ở đây vài tháng. Tối ngủ không ngon giấc bởi phải thăm chừng đàn vịt chứ trộm hoặc có người nào ghét mình vô bỏ thuốc thì cả đàn vịt chết, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Còn ban ngày, mình phải theo đàn vịt đi khắp cả mấy chục hecta ruộng. Lúc đó, vịt ăn chỗ nào là tôi phải “đóng đô” chỗ đó. Từ nửa đêm đã nghe tiếng vịt kêu ổ, sáng sớm là lúc vui nhất của người nuôi vịt đẻ chạy đồng, bởi lúc đó dậy đi lượm trứng”.
Chứng kiến cảnh ông Thiên cầm trên tay một cây sào dài gần 4m đang lùa vịt thì cơn mưa chiều ập đến, chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi cơ cực của những người chăn vịt chạy đồng. Mặc cho trời mưa như trút, ông cứ lầm lũi lùa vịt mà đi. Đôi bàn tay đen nhẻm, gân guốc vì nắng gió bỗng trở nên trắng bệch, đôi môi tím ngắt vì lạnh... Vừa về đến chòi, dẫu đang ướt nhẹp nhưng ông vẫn phải kiểm tra “quân số” vịt. Vừa thay xong bộ đồ, ông nấu nước sôi pha trà mời chúng tôi. Uống hết lý nước trà, ông Thiên thở phào chia sẻ: “Chăn vịt chạy đồng di chuyển khắp nơi, nay ở đây vài hôm mai lại đi chỗ khác. Hết thức ăn ở đồng này, người nuôi lại chuyển đàn sang vùng khác, gần thì trong tỉnh xa phải qua tỉnh khác nên đồ đạc mang theo ít gạo, cá khô, mấm, xoong nồi… gói gọn trong bao tải. Vịt đi tới đâu, những người nuôi vịt phải cất chòi ăn ngủ ở đó. Bởi, thức ăn chính của chúng là lúa còn sót lại sau thu hoạch hay các loại cá, ốc bươu vàng, trứng ốc…
Ban đêm ngủ thì sợ rắn, rít vô, lo đủ điều. Ngoài ra, phải đối diện với bọn trộm vặt, cò mồi, xin đểu trắng trợn mà ông và những người nông dân khác chỉ biết cắn răng chịu đựng, không dám tố cáo đến ngành chức năng. Họ sợ khi tố cáo, kẻ xấu sẽ hạ độc nguồn nước, thức ăn nhằm tiêu diệt đàn vịt nuôi. Cũng theo lời của ông Thiên, nuôi vịt chẳng khác gì như chăm một đứa trẻ, mỗi khi đàn vịt có triệu chứng bệnh là ông phải thức trắng đêm canh chừng, rồi tự tiêm thuốc cho từng con một.
Mới hôm kia, ông dựng lều ở cánh đồng xa phía trên nhưng do mưa lớn nước ngập nên phải bỏ lều, lùa vịt tới đây trú ẩn. Ban ngày thì lội dưới bùn, ngâm dưới nước bẩn nên ông và những người chăn vịt thả đồng khác thường bị các bệnh về da như ghẻ lở, nứt nẻ tay chân, khô sạm… Tối nằm ngủ thì gặp mưa lạnh thấu xương.
“Hồi đó, có người bán lại đàn vịt 1.000 con. Thấy nghề cũng có được thu nhập nên mình về tìm hiểu rồi làm luôn tới giờ. Nghề nuôi vịt chạy đồng long đong lắm. Đời nuôi vịt thả đồng bạc bẽo nhất là xa nhà, xa vợ con. Có những cái tết nguyên đán cũng không về được sum vầy bên gia đình”, ông Thiên bộc bạch.
Ông nói đến đây, chúng tôi cố nín thở để không phải hít cái mùi khó chịu của vịt, của rơm mục. Vậy mà ông Thiên vẫn thản nhiên: “Quen rồi. Ngày nào cũng ăn chung, ngủ chung. Hơn 40 năm nay rồi, có sao đâu”.
Phòng ngừa dịch bệnh
Nhiều hộ chăn nuôi vịt đang có chung nỗi lo là mùa mưa ẩm ướt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. “Sống bằng nghề chăn nuôi vịt chạy đồng gần 20 năm nay nên tôi nhận thức rất rõ hậu quả ghê gớm một khi chúng bị nhiễm dịch bệnh. Để tránh rủi ro, hàng năm, gia đình chi hơn 7 triệu đồng để tiêm vắc xin cúm gia cầm cho toàn đàn, nếu không phòng dịch cho đàn lỡ nhiễm bệnh thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Trần Lê Toàn cho hay.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), vì đàn vịt nhà bà chỉ có 1.500 con nên được tiêm vắc xin cúm gia cầm miễn phí. Chưa kể, gia đình bà còn mua thêm vắc xin tả tiêm hết cho cả đàn. “Mùa này vịt ăn chủ yếu mồi tươi (thức ăn tươi sống) trên đồng, cộng với thời tiết mưa nhiều nên rất dễ bị dịch tả cần chủng ngừa hết cho an tâm”, bà Tâm nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 5,1 triệu con, trong đó có hơn 50% là vịt. Toàn tỉnh hiện có 36 trại nuôi vịt, còn lại được nuôi nhỏ lẻ trong dân. Hiện nay, người nuôi vịt nhỏ lẻ đang cho vịt chạy đồng, cộng với thời tiết mưa nắng thất thường nên nguy cơ phát sinh, bùng dịch trên đàn vịt là rất cao. Toàn tỉnh hiện có huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa là 2 địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch cúm gia cầm nên được tỉnh hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm tiêm miễn phí cho đàn dưới 2.000 con. Các địa phương còn lại, người nuôi phải tự mua vắc xin này để phòng dịch. Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh đã tiêm được 427.950 liều vắc xin cúm gia cầm, các địa phương cũng đang tiếp tục vận động người dân mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, các ngành chuyên môn tỉnh Phú Yên đã khuyến cáo, hướng dẫn chủ trang trại tự giác tiêm vắc xin phòng các bệnh như: dịch tả, cúm gia cầm, viêm gan… cho đàn gà, vịt và người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin và vệ sinh môi chuồng trại và, thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng thường xuyên…
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…
Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, Zoom..., vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội Làm vườn huyện Yên Thành (Nghệ An) còn chú trọng nhân rộng các mô hình VAC hiệu quả.