UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ngãi muốn lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý nhanh chóng các phản ánh của doanh nghiệp. Củng cố, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hiệp hội doanh nghiệp, phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; đồng thời tăng cường sự tham vấn của doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển, …
Quang cảnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Tại buổi tiếp, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi đã thông tin những điều cần lưu ý về chính sách thuế và trả lời 24 câu hỏi của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ thuế nên Cục Thuế tỉnh thông báo cưỡng chế, Bảo hiểm xã hội tỉnh không cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và không chốt sổ BHXH cho người lao động, doanh nghiệp đề nghị Cục Thuế tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn, cho đơn vị chậm nộp thuế, không thực hiện cưỡng chế để đơn vị tiếp tục sản xuất kinh doanh có tiền trả nợ và nộp thuế cho Nhà nước theo qui định.
Xác định ý nghĩa của buổi gặp gỡ, đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn phát biểu ý kiến về một số khó khăn cũng như vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp giúp doanh nghiệp tỉnh phát triển. Tuy có nhiều ý kiến tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhưng có thể thấy rằng một số vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm như: cơ chế chính sách về thuế, giá thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư, đào tạo lao động, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía tỉnh để phát triển.
Cơ bản các kiến nghị của doanh nghiệp được đại diện lãnh đạo các sở ngành của tỉnh tiếp thu ý kiến cũng như trả lời, giải đáp những vướng mắc.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phản ánh những khó khăn vướng mắc với lãnh đạo tỉnh.
Phát biểu kết luận tại buổi gặp gỡ đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đánh giá cao các cơ quan (Cục Thuế, Cục Hải quan) tổng hợp, trả lời các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp. Ông Thọ cho rằng, lãnh đạo tỉnh luôn xác định doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, trong những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng, cởi mở; tích cực cải cách hành chính, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường đối thoại, tiếp xúc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp xây dựng và phát triển.
Ông Thọ yêu cầu Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan và các đơn vị liên quan trực tiếp giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, đồng thời đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đối với những nội dung vượt thẩm quyền của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ của mình với nhà nước, nhất là nộp thuế, phản ánh nhanh cho lãnh đạo tỉnh nếu có đơn vị nào nhũng nhiễu, khó dễ với doanh nghiệp...
Hải Yến
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…