Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 12 năm 2020 | 17:14

Rau hữu cơ, rau an toàn tăng mạnh ở Tây Nguyên

Người dân khu vực Tây Nguyên ngày càng chú trọng đẩy mạnh sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ.

 Lâm Đồng: Đã có 14,04 ha sản xuất được chứng nhận hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 14,04 ha rau và phúc bồn tử được chứng nhận sản xuất, trồng trọt hữu cơ, với sản lượng 174 tấn/năm.

 

r-9.jpg

 Tổ THT Iem Goh Chu Ru sản xuất rau theo hướng hữu cơ 1,5 ha/3 hộ dân.

 

Trong đó, Công ty TNHH Liên doanh Organic Đà Lạt là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất hữu cơ với diện tích 3,69 ha, được chứng nhận năm 2012; Công ty TNHH Tượng Sơn được chứng nhận 2 ha; Fabulous Organic Farm 2,8 ha; Công ty TNHH Univer Farm Organic 3 ha và Công ty TNHH Langbian.F Dâu rừng 2,55 ha. 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đang có 22,7 ha được sản xuất, trồng trọt theo hướng hữu cơ (bán hữu cơ). Trong đó trang trại Thiên Sinh tại Ka Đơn, Đơn Dương quy mô 8 ha; Công ty TNHH Jan S tại Đar Sar, Lạc Dương quy mô 1,7 ha; Tổ hợp tác (THT) lúa thôn Cao Sinh xã Gia Viễn, Cát Tiên với quy mô 11,5 ha và THT Iem Goh Chu Ru sản xuất rau theo hướng hữu cơ với diện tích 1, 5 ha, có 3 hộ tham gia tại thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, Đơn Dương.

Gia Lai: Hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau quả an toàn với Đà Nẵng

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai và TP. Đà Nẵng vừa tổ chức đánh giá kết quả việc thỏa thuận hợp tác sản xuất-cung ứng rau quả an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, 2 bên cũng đang bàn giải pháp tiếp tục nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

 

gl-19.jpg

 Sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Trường Phát. Ảnh: Nguyễn Diệp

 

Năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai và TP. Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác sản xuất-cung ứng rau quả ATTP. Nội dung gồm: xây dựng các chuỗi cung ứng rau quả an toàn tại Gia Lai để tiêu thụ ở Đà Nẵng; hỗ trợ doanh nghiệp 2 địa phương ký hợp đồng sản xuất và cung ứng rau quả an toàn.

Đặc biệt, 2 địa phương còn phối hợp quản lý nhà nước về ATTP đối với sản phẩm rau củ quả và các loại nông sản khác.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, từ năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 45 lớp tập huấn phổ biến kiến thức vệ sinh ATTP; tập huấn nghiệp vụ quản lý ATTP nông-lâm-thủy sản cho 1.079 lượt người tham gia.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 43 ngàn ha cây trồng các loại được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, hữu cơ; trong đó có 316 ha rau và hơn 7 ngàn ha cây ăn quả.

Đặc biệt, 2 năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu y tế-dân số, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng nhiều mô hình tiên tiến được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trên rau, cà phê, khoai lang và cây ăn quả 209,7 ha.

Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm: 10 chuỗi cà phê, 6 chuỗi rau, 1 chuỗi thịt gà, 2 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi cam, 2 chuỗi hồ tiêu, 1 chuỗi mật ong được kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Công tác lấy mẫu giám sát ATTP cũng được các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai giám sát chặt chẽ.

Theo đó, đối với những cơ sở có mẫu rau quả không đảm bảo ATTP, Sở đều có văn bản thông báo tới UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và tìm hướng khắc phục.

Hàng năm, Sở cung cấp kết quả lấy mẫu giám sát ATTP tại một số địa phương cho TP. Đà Nẵng để biết và giám sát về ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc từ Gia Lai.

Theo Ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng, trong 3 năm (2018-2020), đơn vị đã lấy 813 mẫu nông sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố, trong đó có 58 mẫu có nguồn gốc nhập từ Gia Lai, chỉ 1 mẫu củ cải trắng có chỉ tiêu Cypermethrin vượt giới hạn cho phép vào năm 2018.

Còn từ năm 2019 đến nay, các mẫu rau củ quả đều đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ (Gia Lai), cho biết: Toàn huyện có khoảng 6.447 ha rau quả cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó có TP. Đà Nẵng.

Hầu hết người dân có truyền thống thâm canh rau quả lâu năm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, chất lượng rau quả của địa phương đáp ứng quy định về ATTP.

Đặc biệt, Đak Pơ nằm trong Quy hoạch vùng sản xuất RAT của tỉnh đến năm 2025, và tầm nhìn 2030. Ủy ban nhân dân huyện đang xây dựng thương hiệu rau Đak Pơ, nhằm thúc đẩy sản xuất rau củ quả phát triển bền vững trong những năm tới.

Còn ông Phan Văn Mỹ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng-thông tin: Từ năm 2017 đến nay, Sở đã tham mưu UBND TP. Đà Nẵng ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh, trong đó có Gia Lai về sản xuất-cung ứng rau củ quả ATTP.

Qua 3 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm, Gia Lai cung cấp khoảng 10.000 tấn rau củ quả đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng Đà Nẵng.

Thời gian tới, Sở sẽ giao cho Ban Quản lý ATTP thành phố tiếp tục ký thỏa thuận mới với Gia Lai về sản xuất-tiêu thụ nông sản. Ngoài rau củ quả còn xây dựng thêm các chuỗi liên kết khác như: thịt bò, gạo đặc sản, cà phê…

Bên cạnh đó, 2 bên còn quan tâm tiêu thụ sản phẩm OCOP theo hình thức trao đổi sản phẩm lâu dài, khi có các hội chợ xúc tiến thương mại thì Đà Nẵng sẽ thông báo cho Gia Lai và ngược lại, để cùng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Chương trình hợp tác sản xuất-cung ứng rau quả an toàn giữa Gia Lai và Đà Nẵng đã mang lại kết quả tích cực, người sản xuất/người tiêu dùng cùng hưởng lợi.

Ông Nguyễn Hiệp cho biết thêm: “Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại Đà Nẵng trong những năm tới, huyện đang phối hợp với các đơn vị khảo sát, xây dựng các điểm hỗ trợ chứng nhận sản xuất rau củ quả an toàn theo hướng VietGAP…

Mở các lớp tập huấn cho thành viên HTX, THT và nông dân về sản xuất RAT theo chuẩn VietGAP, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng rau an toàn đạt 500 ha vào năm 2030. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau quả trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Tấn Hải-Trưởng ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng, cho hay: “Những năm qua, thỏa thuận hợp tác đã tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa 2 bên rất tốt. Từ đó, có định hướng, chính sách cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các chợ đầu mối, cửa hàng tốt hơn.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, nhất là bảo vệ thương hiệu RAT  Gia Lai tại Đà Nẵng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: “Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất rau củ quả, lúa gạo, đến cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi heo, bò của tỉnh cũng rất phát triển, là điều thuận lợi để xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ. Việc liên kết chuỗi thời gian qua đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân”.

Đắk Nông: Nông dân ngày càng chú trọng sản xuất rau an toàn

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và để bảo vệ sức khỏe, môi trường, người trồng rau Đắk Nông ngày càng ý thức về sản xuất RAT.

Chị Nguyễn Thị Kim Sơn, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), có 1 sào đất trồng các loại rau ăn lá, ăn quả. Nhiều năm nay, chị trồng rau cung ứng cho các chợ ở trung tâm thành phố.

 

rat-6.jpg

 Năm 2020, sản lượng rau toàn tỉnh ước đạt 66.981 tấn

 

Theo chị Sơn, nghề trồng rau không nặng nhọc, nhưng lại cần sức bền. Công việc luôn tất bật từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác. Hơn nữa, để có rau bán thường xuyên, không bị mất mốí thu mua, phải "gối đầu" liên tục.

Với kinh nghiệm của mình, để phòng, chống sâu bệnh, chị chú trọng làm đất kỹ càng, sạch sẽ, sử dụng phân chuồng hoai mục để tạo độ mùn, cung cấp dinh dưỡng cho đất. Vì thế, đã hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc BVTV.

Theo chị Sơn: “Sản xuất rau mà nói  không dùng thuốc BVTV là vô lý, nhưng tôi sử dụng đúng lúc, đúng thuốc cho phép, đủ liều lượng, bảo đảm thời gian cách ly để rau an toàn. Bây giờ mà rau không sạch là không ai mua, nên người trồng phải tuân thủ kỹ thuật để bán lâu dài”.

Theo UBND T.p Gia Nghĩa, Thành phố có khoảng 180 ha rau, tập trung ở phường Nghĩa Phú, xã Đắk Nia, Đắk R’moan. Việc trồng rau bảo đảm ATTP ngày càng được người dân ứng dụng.

Đồng thời, họ đang đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, hạn chế hoặc sử dụng đúng cách thuốc BVTV. Lấy mẫu kiểm tra hàng năm, không phát hiện dư lượng thuốc BVTV trong các loại rau tại Thành phố.

Điều này góp phần duy trì vùng sản xuất rau an toàn, ổn định trên địa bàn để cung ứng cho thị trường. Những năm qua, Gia Nghĩa đã tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về quy trình, kỹ thuật sản xuất RAT.

Xã Thuận Hà (Đắk Song) là một trong những vùng rau lớn của tỉnh. Hiện, có khoảng 200 ha đất trồng rau quanh năm. Điều đáng mừng là việc sản xuất rau theo hướng ATTP đã được đa số nông dân áp dụng.

Các hộ đều ý thức cao trong liên kết thành vùng trồng lớn, tạo thuận lợi  từ khâu giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hái và tiêu thụ. Người trồng rau cũng áp dụng đúng quy trình nông nghiệp, góp phần tạo thị trường rau ổn định. Các HTX, THT đã tạo được kênh tiêu thụ riêng, hạn chế tình trạng được mùa, mất giá.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, những năm trước, sản xuất rau có nơi chưa an toàn. Khoảng 5 năm nay, qua việc lấy mẫu kiểm tra đã không phát hiện vi phạm về ATTP.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tập huấn, xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Trong đó, nội dung chính là sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Ngoài ra, đã vận động nhân dân cân bằng giữa sử dụng sản phẩm nguồn gốc hữu cơ sinh học với hóa học. Vì vậy, nhiều vùng trồng rau vẫn duy tri sản lượng, chất lượng, góp phần lớn bảo vệ đất đai, nguồn nước, môi trường. Sản phẩm rau làm ra cũng bảo đảm an toàn, tốt cho sức khỏe nông dân, người tiêu dùng.

Năm 2019, toàn tỉnh có 4.730 ha rau, sản lượng đạt 63.551 tấn. Năm 2020, diện tích tăng, ước đạt 5.574 ha, sản lượng 66.981 tấn. Tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid, nhưng rau đã góp phần đáng kể trong bảo đảm thu nhập cho người dân.

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top