Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 5 năm 2020 | 16:9

Mô hình liên kết hiệu quả SX rau VietGAP theo chuỗi giá trị

Phát triển hoạt động liên kết SX rau VietGAP theo chuỗi giá trị, ngày càng nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Lâm Đồng đã và đang góp phần tích cực giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng quy trình kỹ thuật hiệu quả trên từng diện tích canh tác.

t18.JPG
HTX An Phú, một trong những mô hình sản xuất liên kết rau VietGAP theo chuỗi giá trị gia tăng.

 

3 năm phát triển 30ha rau VietGAP

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở huyện Lâm Hà có HTX Nông - lâm nghiệp Nam Hà chưa tới 3 năm thành lập đã có bước phát triển vượt trội, trong đó hình thành 2 chuỗi giá trị sản xuất, sơ chế rau, củ, quả từ Lâm Đồng kết nối tiêu thụ với 2 công ty và 11 điểm bán lẻ của HTX tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Bình.

Cụ thể, HTX đang hợp tác hiệu quả với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Agenas (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) xuất khẩu các sản phẩm cà phê, khoai lang, chuối Laba, thanh long, sầu riêng, bơ…từ tỉnh Lâm Đồng sang Nhật, Trung Quốc, Dubai, Philipines… “Nắm bắt và khai thác được nhu cầu thị trường ngày càng tăng, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Lâm Đồng, HTX chúng tôi tập trung hướng dẫn các hộ thành viên ở các vùng nông nghiệp Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, thành phố Bảo Lộc… sản xuất rau, củ, quả tuân thủ quy trình kỹ thuật rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, khép kín theo chuỗi giá trị nên đã nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tạo niềm tin đối với người tiêu dung…”, anh Nguyễn Đăng Bằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà nhận định.

 

t19.JPG

Đến nay, HTX Nông - lâm nghiệp Nam Hà phát triển 51 hộ thành viên sản xuất theo chuỗi giá trị 30ha rau VietGAP các loại, tổng sản lượng cung ứng ra thị trường theo hợp đồng gần 900 tấn/năm. Mục tiêu phát triển liên kết của HTX trong thời gian tới là:  “Hoàn thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển chuỗi cửa hàng phân phối rau, củ, quả mang thương hiệu HTX Nông - lâm nghiệp Nam Hà…”

Mỗi năm xuất khẩu 400 tấn rau sản xuất liên kết

Nếu như HTX Nông - lâm nghiệp Nam Hà năng động, sáng tạo sau 3 năm thành lập thì HTX An Phú (Đức Trọng) đã vượt qua gần 16 năm với những khó khăn, thăng trầm, tiến bước xây dựng chuỗi giá trị ngày càng bền vững trên thương trường.

 

Tháng 1/2008, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

 

Năm 2004, HTX An Phú thành lập với mong muốn tập hợp các hộ nông dân sản xuất rau an toàn ở xã Hiệp An và các vùng lân cận ở hụyện Đức Trọng từng bước gắn với thị trường, xây dựng thương hiệu tập thể của mình. Nhưng phải đến 10 năm sau- năm 2014 mới đủ điều kiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX mới. Kết quả ở thời điểm này, HTX An Phú với 17 hộ thành viên và 2,9 tỷ đồng nguồn vốn góp bắt đầu sản xuất rau, củ, quả VietGAP khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến tổ chức chuỗi phân phối sản phẩm đầu ra. Giai đoạn đầu tiên, HTX An Phú xây dựng và đưa vào hoạt động vườn ươm giống rau, củ, quả với diện tích 4.000m2 nhà kính công nghệ cao.

Đồng thời hợp đồng thuê kỹ sư nông nghiệp trong và ngoài nước về sản xuất mô hình mẫu canh tác rau VietGAP trên diện tích 4.000m2 bên cạnh vườn ươm này. Sau nhiều lứa rau thu hoạch chủ yếu gồm cà chua, ớt, dưa leo… theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX chọn ra  quy trình kỹ thuật đạt hiệu quả cao nhất để nhân rộng trên diện tích hơn 17ha đất canh tác của 17 hộ gia đình thành viên. Đặc biệt, HTX xây dựng khoảng 750m2 xưởng sơ chế, đóng gói các sản phẩm rau với dây chuyền máy móc hiện đại. Sản xuất, chế biến gắn với thị trường, HTX kịp thời nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, tích cực đưa sản phẩm rau VietGAP thâm nhập, tạo uy tín chất lượng và giá cả cạnh tranh, sau đó tiến tới ký hợp tiêu thụ ổn định lâu dài đối với từng đối tác đầu mối trong nước và xuất khẩu.

 

t20.JPG

Ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX An Phú, Đức Trọng cho biết: “Đến nay, bên cạnh bao tiêu sản lượng thu hoạch, đưa về nhà xưởng sơ chế, đóng gói 300 tấn rau/tháng, HTX hỗ trợ nguồn giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật sản xuất cho 17 hộ nông dân trong và ngoài thành viên sản xuất liên kết thuộc địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương…”.

Kết quả những năm vừa qua, doanh thu HTX An Phú mỗi năm đều tăng khoảng 5,5%, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương; chưa kể khoảng 30 lao động thời vụ với mức thu nhập trên dưới 6 triệu đồng/người/tháng.

Về mục tiêu phát triển liên kết trong thời gian tới, Giám đốc Lê Văn Ba nói thêm: “Đến năm 2025, HTX mở rộng liên kết lên 60 nông hộ, trung bình mỗi hộ sản xuất 1ha rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, HTX nâng cấp nhà máy chế biến rau, củ, quả đạt chuẩn an toàn HACCP toàn cầu, mỗi năm xuất khẩu 400tấn, tăng lợi nhuận trên 7%...".

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, HTX An Phú và HTX Nam Hà là 2 trong 44 HTX trong tỉnh Lâm Đồng đang phát triển hiệu quả liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn. Đây là những mô hình liên kết được tiếp tục khuyến khích với nhiều giải pháp chính sách trong thời gian tới như ưu đãi vốn tín dụng, chuyển giao nghiên cứu khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng thương hiệu đặc trưng của cao nguyên Lâm Đồng…

 

Cần một chính sách sát thực tiễn

Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong quá trình cấp Giấy chứng nhận VietGAP, tuy nhiên, có một bất cập là mức hỗ trợ cho một đơn vị là 25 triệu đồng, không phân biệt diện tích hay chủng loại cây trồng.

Chính sách mang tính “cào bằng” này không sát với thực tiễn, cần sớm điều chỉnh phù hợp. Mặc dù là tỉnh dẫn đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với khoảng 3.600ha,  nhưng diện tích này cũng chỉ mới chiếm hơn 10% tổng diện tích canh tác của Lâm Đồng.

Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất VietGAP, ngành chức năng Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp, như: tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn, hỗ trợ mã tem truy xuất nguồn gốc nông sản, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo từng loại cây trồng cụ thể.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi Cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, cho biết: Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và xúc tiến đầu tư, tới đây, chúng tôi sẽ có mức hỗ trợ kinh phí cụ thể cho từng mô hình, từng loại cây trồng.

Nông sản sạch là hướng đi của Lâm Đồng và là mục tiêu mà người tiêu dùng mong đợi.  Tuy nhiên, để nông sản sạch được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, được thị trường chấp nhận và đánh giá đúng giá trị sản xuất của nó thì cần có sự minh bạch trên thị trường tiêu thụ và sự lựa chọn thông thái từ những người tiêu dùng. Có như vậy những nông hộ canh tác theo VietGAP mới bớt gian nan.


 

 

 

Văn Việt
Ý kiến bạn đọc
Top