Trung tuần tháng 10, chúng tôi có dịp đến thăm cánh đồng rau sạch hữu cơ của Công ty cổ phần sản xuất & cung ứng rau quả sạch Quốc tế (thương hiệu FVF) của tập đoàn TH, được chứng kiến quy trình sản xuất rau sạch từ gốc đến ngọn mới hiểu vì sao thương hiệu rau này luôn hút khách trên thị trường.
Quy trình sản xuất rau sạch
Trò chuyện với chúng tôi bà Lưu Thị Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH phấn khởi, cho biết: Thời điểm này sản phẩm rau quả sạch của Công ty luôn trong tình trạng cháy hàng không đủ cung ứng cho thị trường, có thể khẳng định được chất lượng của từng sản phẩm dần dần đã chiếm được lòng tin của người sửa dụng, bởi quy trình rau sản xuất luôn đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.
Vườn dưa Kim cô nương được sản xuất theo quy trình sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế
Dự án trồng rau sạch hữu cơ được Tập đoàn TH triển khai từ năm 2012. Theo đó tổng vốn đầu tư cho dự án này là 670 tỷ đồng với tổng diện tích dùng để SX rau củ, quả sạch là 143ha. Trong đó có 25ha nhà kính, còn lại là cánh đồng mở... Cho đến cuối tháng 4/2016, Công ty đã hoàn thiện 4,5ha nhà kính và 14,7ha cánh đồng mở với trên 200 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa Kim Cô Nương trong nhà kính, ông Nguyễn Anh Tiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất & cung ứng Rau quả sạch quốc tế chia sẻ: Vườn dưa này tầm phải 2 tháng nữa mới cho thu hoạch, bởi sản xuất rau an toàn do vậy việc chăm sóc cũng như chăm bón phải theo một quy trình nghiêm ngặt, cây dưa được trồng trên giá thể xơ dừa, tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, công việc gieo trồng, chăm sóc hay như việc thụ phấn cũng phải dùng phương pháp thủ công bằng tay. Mỗi năm cách đồng rau sạch sản xuất 128 loại rau như: Cải bó xôi dưa, Dưa lưới Kim Cô Nương, dưa chuột cao sản, dưa chuột bao tử, cà chua bi, cà chua sô cô la, dâu tây, cải bắp, rau muống, mồng tơi, rau cải… với sản lượng đạt trên 18.000 tấn/năm. Tùy theo mùa vụ và nhu cầu của thị trường mà công ty sẽ cho ra các sản phẩm khác nhau.
Rau sạch ăn ngay tại vườn
Ngồi tại vườn rau cải, ông Tiệp với tay ngắt một lá rau và trao cho chúng tôi ăn thử. “Anh chị ăn đi để cảm nhận ăn nông sản tươi sạch, an toàn ngay tại vườn là như thế nào. Mỗi thửa rau từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch đều được ghi rõ thời gian, nước tưới bằng công nghệ nhỏ giọt ngay từ gốc do đó mà tuyệt đối an toàn, có thể ăn ngay tại vườn”. Đúng như lời ông Tiệp nói, cảm giác ăn rau ngay tại vườn rất thú vị, trong lúc mua những loại rau quả không có xuất xứ, nguồn gốc đã được mang về nhà đun chín, luộc sôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm thì ngay tại vườn rau của Công ty chúng tôi được thưởng thức hương vị đặc biệt của loại rau sạch có một không hai đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Rau sạch từ gốc tới ngọn
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau mở, ông Tiệp cho biết thêm: Tại đây, Công ty tiến hành sản xuất theo phương pháp trồng luân, xen canh cây họ đậu và nhiều loại cây khác nhau trên cùng ruộng, cùng luống để tăng đa dạng sinh học, điều hòa lại cân bằng sinh thái trong khu vực sản xuất. Không dùng chất kích thích sinh trưởng. Bên cạnh đó, trong từng quy trình sản xuất, đều hệ thống lại số thửa của mình và cập nhật “nhật ký nông vụ” với lịch chăm sóc, lộ trình cách ly an toàn, thời gian thu hoạch. Người tiêu dùng theo đó sẽ biết được mức độ an toàn của rau củ mà họ đang dùng, quy trình thời gian xuống giống, số lô, thửa cũng sẽ được công khai và in trên bao bì…
Rau muống trái vụ được gieo trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường
Hiện, sản phẩm rau sạch công nghệ cao của FVF đã có mặt tại các siêu thị như BigC, Metro, AEON, Mini Mart (Hà Nội) với sản lượng trên 90 tấn/tháng. Các hệ thống nhà phân phối của TH True Mart tại TP. Vinh (Nghệ An) và TP. HCM với sản lượng 60 tấn/tháng. Doanh thu từ sản xuất rau sạch tại FVF hiện nay đạt trên 45 tỷ đồng/năm.
Dù giá rau của FVF luôn cao hơn các loại rau trong siêu thị nhưng được nhà sản xuất bình ổn giá trong cả năm nên thu hút được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Khát vọng của FVF là trong thời gian tới sẽ còn tìm hướng hạ giá thành đầu vào để giảm giá để sản phẩm đến được với nhiều đối tượng người tiêu dùng trong nước.
Anh Tuấn - Huyền Trang
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…