Mặc dù mới qua 1 năm triển khai nhưng mô hình trồng rau sạch ở Sơn La đã trở thành nghề mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Trồng rau là công việc quen thuộc, gắn bó từ lâu với cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, trồng và chăm sóc một cách bài bản, theo công nghệ cao, thì đây thực sự là điều mới mẻ đối với người dân vùng cao ở huyện Yên Châu, Sơn La. Mới 1 năm triển khai, nhưng trồng rau sạch đã trở thành nghề mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình bà Phạm Thị Hợp ở bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) đã quen với việc trồng rau từ vài chục năm nay, nhưng chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Trồng rau theo kiểu tiện đất đến đâu thì trồng đến đó; việc sử dụng phân gio và thuốc bảo vệ thực vật không ai hướng dẫn, nên có đến đâu phun đến đó, nồng độ, liều lượng tùy ý.
Đầu năm 2015, gia đình bà Hợp và một số gia đình được cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện, xã cho phép thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Từ đây, các gia đình được cán bộ khuyến nông huyện, xã trực tiếp xuống hướng dẫn cách thức sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP.
Theo đó, các hộ thành viên phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các qui định về quá trình trồng, lựa chọn nguồn giống, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến quy trình thu hoạch, bảo quản... Tiêu chí đặt lên hàng đầu là nguồn rau phải an toàn, có xuất xứ rõ ràng.
Trồng rau sạch là mô hình mới của người dân vùng cao ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Báo Sơn La) |
“Hợp tác xã rau sạch luôn được cán bộ kỹ thuật huyện quan tâm về hướng dẫn trồng và chăm sóc rau đúng quy trình. Sản phẩm của Hợp tác xã không những phục vụ cho gia đình, bản thân, mà còn phục vụ cho tất cả người dân trong huyện, trong tỉnh, thậm chí về tận quê Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…”, bà Phạm Thị Hợp nói:
Ông Hà Văn Dự, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú, huyện Yên Châu cho biết, như nhiều vùng khác, trồng rau từ lâu đã là công việc quen thuộc với các hộ dân ở đây. Tuy nhiên, bà con trồng một cách tự phát, manh mún nhỏ lẻ, gần như không cho thu nhập.
Nhận thấy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và nhiều điều kiện để phát triển vùng rau sạch, đầu năm 2015, huyện, xã đã cho phép bà con thành lập hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú và xác định đây là mô hình thí điểm của toàn huyện. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã được huyện, xã cho đi tham quan, học tập mô hình rau sạch ở nhiều vùng như ở huyện Mộc Châu, tham khảo thị trường tiêu thụ tại các siêu thị lớn tại Hà Nội…
Từ kinh nghiệm sẵn có, cộng với được hướng dẫn kỹ thuật một cách bài bản, mô hình rau sạch ở Chiềng Phú đã phát triển mạnh về quy mô và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, bản đã hình thành vùng chuyên canh rau tập trung, với trên 20 ha. Thống kê trong năm đầu, các xã viên đã thu hoạch trên 100.000 tấn sản phẩm rau, củ, quả các loại.
Điều vui nhất là bà con được tiếp cận phương pháp trồng rau sạch theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với thương hiệu rau sạch, sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, huyện, mà đã vươn ra thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…
“Sản phẩm của Hợp tác xã làm ra đều có đầu ra tiêu thụ ổn định hơn nhiều so với thời kì sản xuất manh mún và không theo hướng dẫn. Được trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật hỗ trợ, giúp đỡ nên quy trình sản xuất luôn được đảm bảo, thu hút nhiều xã viên tham gia”, ông Dự chia sẻ.
Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Yên Châu. Trong 5 năm tới, huyện đặt mục tiêu hình thành các vùng chuyên canh hoa, quả và rau sạch chất lượng cao.
Ông Hà Như Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước mắt, huyện sẽ tập trung xây dựng các mô hình thí điểm, khi thành công sẽ nhân rộng ở nhiều địa bàn khác. Với hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú, mới đây, huyện đã đầu tư hàng chục triệu đồng từ ngân sách để xây dựng hệ thống điện, nước và cải tạo đường giao thông, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau.
“Năm 2015 huyện đã thành lập 4 hợp tác xã, trong đó có 1 hợp tác xã trồng rau, 1 hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp và 2 hợp tác xã về trồng và tiêu thụ cây ăn quả. Hiện nay riêng với Hợp tác xã trồng rau đã được công nhận sản xuất rau an toàn. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn in bao bì để có địa chỉ và đặt vấn đề với một số sàn giao dịch rau tại Hà Nội để giúp việc tiêu thụ được thuận lợi”, ông Huệ cho biết.
Không nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nên Yên Châu hiện vẫn là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Sơn La. Với việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình trong sản xuất nông nghiệp, Yên Châu đang hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nông nghiệp./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.