Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 4 năm 2022 | 22:20

Sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL: Liên kết cùng phát triển

Với Chủ đề “Liên kết cùng phát triển”, Diễn đàn thu hút 32 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia, với hơn 350 gian hàng của các tổ chức, DN, HTX, làng nghề, các tổ chức xúc tiến thương mại trên cả nước.

Liên kết cùng phát triển

Phát biểu khai mạc, Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tin tưởng rằng, tại Diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng; cũng là dịp để nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng để từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

 

ocop.jpg

Sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao.

 

Các hoạt động tại diễn đàn là cơ hội quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị văn hóa Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Điểm nổi bật tại diễn đàn là các không gian triển lãm sản phẩm OCOP của các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc, không gian triển lãm sản phẩm dự thi và tôn vinh sản phẩm đạt giải tại Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”, khu vực ẩm thực, khu gian hàng thương mại, khu vực biểu diễn nghệ thuật… hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart và tại hệ thống phân phối hiện đại Wincommerce cũng diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức diễn đàn.

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Đồng Tháp và Sóc Trăng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước. Nhiều chủ thể OCOP đã áp dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như: ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp; các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP Đồng Tháp có mặt rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử.

Hiện, khu vực ĐBSCL có 1.276 sản phẩm đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao, 30,6% sản phẩm đạt 4 sao, 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp, 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp là mô hình hợp tác xã mới đã góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp tại Thành phố Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang); hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP ở các khu, điểm du lịch của tỉnh, chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, giao lưu với các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại Đồng Tháp.

Các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gần với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: Trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái vùng ĐBSCL.

Thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Hội thảo giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.

Trong hơn 4 năm triển khai, Chương trình đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của các địa phương từ chính những tài nguyên bản địa, tài nguyên cộng đồng và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn và các sản phẩm OCOP đang tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đến nay, cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, với sự tham gia của hơn 4.000 chủ thể. Trong đó, có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP quốc gia. Riêng vùng ĐBSCL đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP với hơn 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL đã khai thác, phát huy được giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của địa phương gắn với thủy sản, trái cây, lúa gạo.

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên thế giới cũng như Việt Nam đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và tác động mạnh đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh người dân nói chung và các chủ thể OCOP nói riêng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các kênh tiêu thụ tiêu thụ truyền thống như cửa hàng, siêu thị thì các kênh thương mại điện tử đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng và hiệu quả.

Theo ông Hoàng Vũ Quang, từ năm 2019 đến nay, văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Nhiều đơn vị, địa phương đã tham gia tích cực trong việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Ông Hoàng Vũ Quang cũng nhìn nhận việc phát triển hình thức thương mại điện tử tại nhiều địa phương còn hạn chế, nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số nơi còn khá lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Vì vậy, cần xác định lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh hiện nay chuyển đổi số, thương mại điện tử là xu hướng chung cho tất cả các sản phẩm, trong đó có sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới”, ông Hoàng Vũ Quang cho biết.

Ký kết 34 biên bản thỏa thuận về hợp tác thương mại

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với các nhà thu mua và xuất khập khẩu, từ điểm cầu trực tuyến, các Tham tán Thương mại của Việt Nam tại Hà Lan và Úc chia sẻ, vài năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam có mức tăng trưởng cao tại 2 thị trường này. Mặt hàng rau, củ, quả, trái cây tươi đã bắt đầu thâm nhập vào Hà Lan như: Xoài của Đồng Tháp, sầu riêng, thanh long, chanh dây… Đồng thời, cũng chịu nhiều cạnh tranh do bất lợi về vận chuyển và nguồn cung ổn định.

Thị trường Úc hiện có 4 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu: Xoài, nhãn, vải, thanh long và sản phẩm OCOP sẽ có nhiều tiềm năng xuất khẩu nếu được đầu tư, đáp ứng các tiêu chuẩn.

Bên cạnh xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP, các nhà thu mua hàng hóa bày tỏ quan tâm đối với sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tập đoàn Central Retail cho biết có sự quan tâm đặc biệt đối với sản phẩm OCOP và sẽ lựa chọn sản phẩm để đưa vào kinh doanh tại hệ thống siêu thị của mình. Sàn thương mại điện tử Sendo cũng tiếp tục đẩy mạnh mô hình đi chợ tại nhà, cung cấp rau, củ, quả tươi cho thị trường nội địa và tiếp tục kết nối đưa sản phẩm OCOP lên sàn.

Minh chứng cho sự quan tâm của các nhà thu mua, bán lẻ, sàn thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP, tại hội nghị có 34 bản ghi nhớ được ký kết. Tập đoàn Central Retail đã ký kết với 4 đơn vị về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó có 3 đơn vị Đồng Tháp.

Ngoài ra, các đơn vị còn ký kết tiêu thụ mặt hàng trái cây, sản phẩm chế biến; hỗ trợ đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top