Việt Nam là nước nông nghiệp, đa dạng về sản phẩm, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thứ hạng , mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nông dân chưa được tiếp cận nhiều thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Từ khó khăn của doanh nghiệp
Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 - Agroviet 2019 đang diễn ra tại Hà Nội, với quy mô 250 gian hàng của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp trưng bày sản phẩm. Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, với chủ đề: “Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững”, Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng với sự tham gia của các tỉnh, thành trong nước và các đơn vị doanh nghiệp quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hà Lan…
“Hội chợ cũng nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu về phát triển nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo cơ hội kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp, các địa phương để thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại; nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Hội chợ còn mở ra cơ hội cho các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh, trực tiếp kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp địa phương”, ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư, cung ứng nhiều thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi đưa thiết bị, máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Công Đoàn, phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Kiến trúc Việt Nam xanh, cho biết, công ty nghiên cứu cho ra đèn quang hợp có bước sóng ánh sáng chuyên dụng cho nhiều loại cây. Nếu nông dân thắp đèn 20 giờ/ngày, cây phát triển nhanh gấp 2,5 lần so với trồng ngoài trời; thắp 16 giờ/ngày, cây lớn nhanh gấp đôi so với ngoài trời; thắp 8 giờ/ngày, cây phát triển bằng cây ngoài trời.
Theo anh Đoàn, rào cản lớn nhất hiện nay là người dân chưa hiểu nhiều về nông nghiệp công nghệ cao, một số doanh nghiệp làm ăn chưa tới nơi, tới chốn làm méo mó thị trường, làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Người dân mua đèn không chuẩn làm cây rau không phát triển dẫn tới thua lỗ, không có vốn quay vòng.
Thêm một khó khăn mà Công ty cổ phần Kiến trúc Việt Nam xanh đang gặp phải là vật liệu nhập vào đều là đồ cao cấp, từ các thương hiệu nổi tiếng nên giá bán cao gấp 2,5 lần so với các loại đèn khác. Đầu tư 1ha thanh long hết khoảng 80 triệu đồng, trong khi dùng đèn thường chỉ bằng 1/3 kinh phí.
Anh Đoàn cho biết, bóng đèn quang hợp tiện ích là vậy nhưng lượng người dùng chưa cao. Cần phải đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi về đèn quang hợp, thế nào là đèn chuẩn để người dân biết, so sánh, từ đó quyết định sử dụng loại nào cho hiệu quả. Cùng với đó, cần tạo hành lang pháp lý, giải quyết bài toán về vốn cho người dân.
Mặc dù là công ty đi đầu trong cung cấp sản phẩm ống tưới nhỏ giọt và ống LDPF dùng cho nông nghiệp (hiện nay trên thị trường chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được 2 sản phẩm này) nên nhu cầu sử dụng là rất lớn. Tuy nhiên, Công ty CP Tập đoàn Dekko cũng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Anh Bùi Thanh Tùng, đại diện thương mại Công ty CP Tập đoàn Dekko, cho biết, 2 sản phẩm của công ty chiếm 40-50 % thị phần thị trường nhưng mức tiêu thụ, người dùng chưa cao. Nguyên nhân là giá thành đầu tư bằng ống của công ty cao 25 - 30 triệu đồng/ha đối với ống nhỏ giọt, 40 - 50 triệu đồng/ha đối với ống LDPF. Đặc biệt, nông dân chưa biết nhiều tới mô hình tưới này. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phương pháp tưới nhỏ giọt, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại hóa mà lại giảm được nhân lực.
Đến khó khăn của người dân sản xuất
Ngoài doanh nghiệp gặp khó trong việc bán trang thiết bị, người sản xuất nông nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Anh Quách Văn Thảo, thôn Long Bình 2, xã An Hải (Ninh Phước - Ninh Thuận), cho biết, gia đình trồng hành, tỏi nhiều năm nay, sản lượng đạt hơn 5 tấn/năm. Do trồng theo quy trình VietGAP nên thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, phần lớn cung cấp cho các chuỗi thực phẩm sạch. Giá bán cũng cao hơn, ví dụ, hành ở bên ngoài bán 60.000 đồng/kg, mình bán 80.000 đồng/kg; tỏi 120 - 150.000 đồng/kg, mình bán 200.000 đồng/kg. Sản lượng không đủ để tiêu thụ.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, tới đây, gia đình anh Thảo trồng theo công nghệ cao, tiếp tục nâng cao chất lượng. Mọi công tác chuẩn bị xong, diện tích trồng dự kiến cũng mở rộng ra khoảng 1ha. Tuy nhiên, gia đình anh lại gặp khó khăn về vốn và kỹ thuật.
Theo anh Thảo, dự kiến gia đình cần khoảng 500 triệu đồng để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay chưa tiếp cận được. Anh kiến nghị, nhà nước cần có cơ chế chính sách thoáng hơn khi người sản xuất tiếp cận vốn, tỉnh Ninh Thuận cũng nên hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật.
Chuyên viên Phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Tô Hưng Khánh cho biết, Tuyên Quang có nhiều mặt hàng nông sản xuất theo quy trình VietGAP, một số sản phẩm cũng đang bắt đầu sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, có diện tích cam được trồng theo hướng hữu cơ, giá bán cao hơn so với cam trồng thường nhưng cũng đang gặp khó.
“Nguyên nhân là do nhận thức của chủ vườn trồng theo công nghệ cao, trồng theo hướng hữu cơ còn hạn chế, do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực. Lo nhất là khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch, cùng với đó là đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, làm ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất”, ông Khánh nói.
Cùng quan điểm này, anh Lê Thành Hưng, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đào tạo, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh), cho biết, khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, vốn ban đầu rất lớn; cùng với đó, trình độ tiếp thu của một số hộ dân chưa cao, khi mình chuyển giao công nghệ hơi cao một chút, sẽ gặp khó khăn. Trong khi hơn một nửa số mô hình chuyển giao công nghệ cao của Trung tâm là cho nông dân.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn bởi hiệu quả mang lại cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, để làm được việc này, Chính phủ, các địa phương cần có cơ chế, chính sách về vốn, kỹ thuật.... giúp doanh nghiệp, người sản xuất có cơ hội thực hiện.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…