Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề nghị Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc đôn đốc các cơ quan hữu quan để hai bên có thể ký kết nghị định thư đối với trái sầu riêng trước tháng 7 năm nay.
Ngày 23/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị vừa có cuộc họp trực tuyến với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về vấn đề phê duyệt, kiểm dịch đối với trái cây sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng và chanh leo.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa cơ quan kiểm dịch của Việt Nam và Trung Quốc rất hiệu quả, thường xuyên, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản.
"Đối với sầu riêng, đây là loại quả mà hai bên đã có quá trình đàm phán lâu dài với nhiều phiên thảo luận, thống nhất về các vấn đề kỹ thuật, quản lý rủi ro dịch hại và đã dự thảo nghị định thư. Bởi vậy chúng tôi mong phía Trung Quốc sẽ sớm ký kết chính thức nghị định thư này để có bước tiếp theo xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc" - ông Trung nhấn mạnh.
"Bao giờ nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng có thể ký kết được, vì phía Việt Nam đã hoàn thiện các thủ tục?" - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đặt câu hỏi với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc.
Theo ông Trung, Cục đã gửi hồ sơ của 33 vùng trồng, 30 cơ sở đóng gói theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong số này có nhiều đơn vị đã được phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến.
"Đặc biệt, tháng 7 đến tháng 10 hằng năm là thời gian thu hoạch sầu riêng rộ nhất, nên rất mong Cục Kiểm dịch thực vật và động vật đôn đốc các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc để hai bên có thể ký kết trước tháng 7 năm nay" - ông Trung nói.
Đối với kiến nghị của phía Việt Nam, ông Vương Ích Ngu - Phó cục trưởng Cục Kiểm dịch thực vật và động vật Trung Quốc cho biết, người Trung Quốc rất thích ăn sầu riêng, nhưng hiện nay sầu riêng chủ yếu được nhập từ Thái Lan.
Hiện nay, hồ sơ liên quan đến cấp phép xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang được Tổng cục Hải quan xin ý kiến các cơ quan nhà nước và các cơ quan pháp luật có liên quan. Sau đó, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ tổng hợp và thông báo cho Việt Nam về ngày ký kết nghị định thư.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hai bên tổ chức lễ ký kết sớm nhất có thể" - ông Vương Ích Ngu nói.
Cũng theo ông Vương Ích Ngu, đối với quả chanh leo, hai bên đã có thỏa thuận về việc tạm thời cho phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Do đó, phía Trung Quốc rất cần Cục Bảo vệ thực vật cho ý kiến phản hồi về dự thảo hướng dẫn tạm thời xuất khẩu chanh leo. Sau khi đã được phép xuất khẩu tạm thời sang Trung Quốc, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ kiểm tra và kiểm soát chất lượng tại cửa khẩu, nếu các lô hàng đạt yêu cầu thì sẽ mở rộng các cửa khẩu được phép thông quan.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra phản hồi kỹ thuật với dự thảo ban đầu về hướng dẫn tạm thời xuất khẩu với chanh leo, đồng thời thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương theo đúng thủ tục pháp luật. Sau khi hoàn thành sẽ gửi ngay lập tức cho Cục Kiểm dịch thực vật và động vật phía Trung Quốc.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…