Bằng đam mê, chịu khó, gia đình chị Phan Thị Lụa, Ấp 10, xã Nguyễn Phích (U Minh - Cà Mau) đã “chinh phục” thành công cây sầu riêng trên vùng đất nhiễm phèn mặn.
Là loại cây ăn trái được ưa chuộng từ nhiều vùng, miền khác nhau và cũng là loại cây khá “khó tính” bởi đặc điểm sinh trưởng tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng và khí hậu, thế nên khó ai có thể nghĩ rằng, sầu riêng lại “bén duyên” trên vùng đất nhiễm phèn mặn như Cà Mau.
Đến thăm vườn sầu riêng của chị Lụa vào đúng mùa thu hoạch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cuốn hút bởi những hàng sầu riêng nặng trĩu quả. Càng bất ngờ hơn khi vùng đất nhiễm phèn mặn như U Minh lại có thể phát triển được loại cây này.
Vừa bước vào vườn, nghĩ chúng tôi đến mua sầu riêng, chị Lụa tiếc nuối: “Mọi người đến sớm hơn thì có sầu riêng rồi. Sáng nay rụng hơn 20 trái đã bán hết . Có người “đặt hàng” hoài không được, phải chạy đến đây từ rất sớm để đợi mua”.
Là vườn sầu riêng đầu tiên của Cà Mau và cũng là vườn cây ăn trái có cách thu hoạch “đợi rụng” nên mọi người đều rất háo hức bởi sự mới lạ và độ “lành” của nó.
Khi hỏi về nguyên nhân từ đâu mà gia đình quyết định chọn cây sầu riêng để trồng, chị Lụa thật thà đáp: “Lúc trước thấy nhà người quen, cũng ở trong vùng này, trồng được mấy cây sầu riêng mà cho trái tốt nên vợ chồng tôi quyết định trồng thử”.
8 năm trước, với 20 gốc sầu riêng được mua từ ghe bán cây giống chở về Cà Mau, vợ chồng chị Lụa “âm thầm” thử nghiệm trồng trong vườn nhà mình. Trên 7 ha trồng tràm kết hợp trồng lúa và gần 1.000 gốc quýt, những cây sầu riêng đầu tiên được trồng xen dần phát triển thành vườn cây sai trái như hôm nay.
Chia sẻ về cách trồng thành công loại cây này trên vùng đất rừng tràm, chị Lụa bộc bạch: “Ngay bản thân tôi cũng không nghĩ rằng cây sầu riêng sẽ phát triển thành công trên vùng đất phèn mặn này. Nhưng vì “ham” canh tác cây ăn trái và thích trồng những loại cây mới lạ nên trồng thử nghiệm thôi. 2 năm trước, cây cho trái đầu tiên cũng ít, năm nay mới rộ, thấy ham lắm”.
Năm vừa rồi là vụ thu hoạch trái đầu tiên, gia đình chị Lụa thu về khoảng 40 triệu đồng. Trong đó, cá biệt có cây cho đến 100 trái và có trái cân nặng gần 7 kg. Riêng vụ này, gia đình chị thu hơn 50 triệu đồng.
Chị Lụa cho biết thêm: “Sầu riêng có giá lắm, năm rồi chỉ 60.000-70.000/kg, vụ này bán được tới 90.000 đồng/kg. Nhưng không cần đem bán, người ta tới tận vườn mua”.
Được biết, khu đất vườn nhà chị Lụa khá cao so với mặt bằng chung của địa phương. Theo kinh nghiệm của nhiều người dân làm vườn lâu năm, nếu chịu khó chăm sóc, canh tác, học hỏi thêm kỹ thuật thì đây sẽ là mô hình hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao, tạo được nông sản sạch tại địa phương, góp phần đa dạng hoá cây trồng, tăng thu nhập cho cư dân dưới tán rừng tràm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…