Chiều ngày 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang)
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) về tốc độ luật hóa sau khi triển khai Nghị quyết 42 kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm các nước đánh giá những quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu; đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ, thời gian cấp tín dụng; tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân ở các địa phương, qua đó nắm bắt thực tiễn,có sự tham gia của các ngân hàng trên địa bàn để xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) về các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, "tín dụng đen" là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.
Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Một điểm quan trọng nữa, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình tiền khéo, tiền khôn; Chương trình tay hòm chìa khóa…, trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đói với câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Ngành ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất là tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.
Mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm 2021
Trả lời băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kêu lãi suất tăng cao, khó tiếp cận, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết điều hành lãi suất, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được đơn vị này rất quan tâm.
Trong các năm qua, với các giải pháp điều hành tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các giải pháp để làm mặt bằng lãi suất giảm mạnh.
Tuy nhiên, với 5 tháng đầu năm 2022, theo bà Hồng, điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung - cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại đã tăng tín dụng đến 8% là mức khá cao so với mục tiêu, định hướng cả năm 2022 là 14%.
"Dù áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết, cơ bản ổn định lãi suất. Lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái (2021)", bà Hồng nói.
Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ khó vay lãi suất thấp, Thống đốc thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên độ xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất, lãi cho doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với DN có độ tín nhiệm cao.
Trong thời gian dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000-48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.
"Thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp với bộ ban ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Hồng khẳng định.
Trước câu hỏi của đại biểu về việc trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có đưa ra là phải giảm 0,5 đến 1% lãi suất cho vay năm, bà Hồng cho biết mục tiêu của Nghị quyết 43 là thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm cũng như hàng năm.
Chính vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành trên cơ sở kết hợp tất cả các công cụ, giải pháp đảm bảo kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động để cố gắng giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mạo danh lừa tiền qua mạng do quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ?
Ngoài vấn đề tín dụng đen, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cũng đặt câu hỏi, vừa qua có tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.
Trả lời câu hỏi liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo đối những người có tiền trong tài khoản thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết. Cùng với sự mà phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số.
Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trên thực tế đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải chứng minh nhân dân và căn cước. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet Banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về vấn đề này Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp để cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.