Ban Chỉ đạo tỉnh Sơn La về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh (Ban Chỉ đạo 598) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Hiện, diện tích nhãn của Sơn La ước đạt 19.224 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 12.000 ha. Năm 2021 dự kiến sản lượng nhãn đạt 112.968 tấn. Thời vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 7 đến tháng 9. Cả tỉnh có 2.246 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng, ước sản lượng khoảng 22.000 tấn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ và một số thị trường khác.
Sơn La hiện có 24 kho lạnh với tổng quy mô đạt 3.652 m³ có thể sử dụng để bảo quản sản phẩm nhãn, chuẩn bị nguyên liệu cho chế biến long nhãn; có trên 2.270 cơ sở chế biến nhãn, tập trung tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La. Tổng số lượng sản phẩm nhãn quả tươi đưa vào chế biến năm 2021 dự kiến đạt 60.200 tấn.
Đến hết ngày 26/7, Sơn La đã tiêu thụ 13.579 tấn nhãn, trong đó, xuất khẩu 64,3 tấn sang thị trường Trung Quốc, EU, Anh, Hàn Quốc, chế biến long nhãn khoảng 3.000 tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 10.515 tấn. Hiện, giá bán nhãn loại 1 dao động từ 16.000-24.000 đồng/kg; mua xô từ 10.000-16.000 đồng/kg; nhãn để sấy long dao động từ 5.000-9.000 đồng/kg.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông qua Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về triển khai thực hiện phương án hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trong công tác sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021.
Các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến vào Dự thảo, đồng thời, đưa phương án, giải pháp đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn và các loại nông sản khác trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, như: hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX xây dựng các nhà lạnh, kho lạnh để bảo quản, kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ nông sản; xây dựng phương án tổ chức đội xe vận tải hàng hóa trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 598 tỉnh đề nghị, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021.
Các ngành thành viên tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông sản tới địa phương, doanh nghiệp, HTX để thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sản xuất tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tập trung rà soát vùng trồng nhãn và các loại cây khác, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua ứng dụng thương mại điện tử...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.