Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 6 năm 2021 | 15:24

Sơn La đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid-19

Năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ở tỉnh Sơn La đạt hơn 87.000 ha, sản lượng khoảng 448.630 tấn. Trong đó, có một số nông sản có diện tích lớn như: mận 8.600 ha, xoài 19.000 ha, nhãn 19.200 ha đã và đang bước vào vụ thu hoạch.

 Năm 2021, Sơn La có khoảng mận 8.600 ha mận.

 

Hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung

Sơn La được biết đến là vùng cây ăn quả mới, với nhiều loại nông sản được trồng quy mô tập trung không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ chế biến, xuất khẩu. Điển hình như: quả xoài tròn (xoài trứng) ở huyện Yên Châu đến xoài hôi ở các huyện khác đều là những giống xoài bản địa.

Xoài tròn Yên Châu được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh mục nguồn gene cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển. Hiện, Yên Châu có 1.500/2.910ha xoài cho sản phẩm, sản lượng quả đạt 20.000 tấn. Diện tích xoài có mã vùng trồng là 298ha. Diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 134ha. Sản lượng quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước 6.400 tấn.

Với chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, nhiều diện tích xoài bản địa bị thoái hóa, năng suất thấp đã được ghép cải tạo và trồng các giống mới cho năng suất, sản lượng, chất lượng quả cao như xoài tượng da xanh GL3, GL4, xoài Australia. Đến năm 2021, diện tích xoài trên địa bàn tỉnh Sơn La trên 19.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 65.000 tấn.

Hiện, xoài Sơn La được trồng tập trung tại các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã. Phát triển vùng trồng xoài hàng hoá tập trung được tỉnh Sơn La xác định là hướng đi trọng tâm. Cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thông qua việc vận động các danh nghiệp, hợp tác xã và người trồng xoài đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh.

Đặc biệt, là áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo xuất khẩu tỉnh Sơn La đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát các điều kiện tiêu chuẩn mở rộng diện tích nông sản nói chung và cây xoài nói riêng được cấp mã số vùng trồng.

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thu gom sơ chế chế biến, xuất khẩu để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm xoài. Bởi đây là điều kiện quan trọng để nông sản Sơn La có mặt tại nhiều thị trường khó tính.

Cùng đó, thường xuyên cập nhật, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thu gom sơ chế chế biến, xuất khẩu để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm xoài.

Ở Sơn La nhãn là một trong nhiều sản phẩm có thế mạnh, với diện tích trên 19.200ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 98.500 tấn. Nhãn được trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn và nhiều nhất là ở Sông Mã với trên 7.000ha, sản lượng ước đạt khoảng 60.000 tấn.

Sông Mã là vùng nhãn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Nhãn Sông Mã và Trung tâm Kiểm dịch thực vật I của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số vùng trồng, cấp mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt nhãn Sông Mã đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia.

 

 Diện tích xoài tỉnh Sơn La năm 2021 đạt trên 19.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 65.000 tấn.

 

Xác định khâu chế biến, tiêu thụ là nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (Gọi tắt Ban Chỉ đạo 598 tỉnh). Các huyện, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Sơn La ra các thị trường trong nước và thế giới.

Giờ đây các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La như: xoài, nhãn, mận... đã được người tiêu dùng trong nước biết đến. Không chỉ vậy, nhiều nông sản của Sơn La như: xoài, nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo số liệu thống kê, tỉnh Sơn La có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra trong năm 2021 ước đạt 87.520ha, sản lượng khoảng 448.630 tấn; đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cùng 21 sản phẩm sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.

Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản

Do dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng hạn chế, mặt khác các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại Hà Nội và các tỉnh cũng ưu tiêu tiêu thụ các sản phẩm nông sản ở các vùng có có dịch như: Hải Dương, Bắc Giang... Do vậy, các sản phẩm nông sản của Sơn La, đặc biệt các sản phẩm rau, củ, quả của Sơn La cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ. Để giải quyết áp lực về thị trường tiêu thụ nông sản, Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Sơn La xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết về việc tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản. Trong đó, nếu tình trạng dịch được kiểm soát ổn định thì tiếp tục xuất khẩu nông sản, đưa vào chế biến và bán ở thị trường nội địa. Trường hợp tình hình dịch phức tạp thì đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử và tập trung chế biến sâu. Trường hợp phải giãn cách xã hội sẽ tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và bảo quản bằng kho lạnh.

 

 Trong khí đó, diện tích nhãn đạt trên 19.200ha, sản lượng đạt 98.500 tấn.

 

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên tuyền quảng bá các sản phẩm của địa phương; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang thực hiện xuất khẩu nông sản để hình thành, mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản.

Đẩy mạnh hoạt động kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản và đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản; hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản từ đầu năm 2021 diễn ra ngày 11/6 mới đây, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 598 tỉnh Sơn La cho biết, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh bằng các giải pháp đồng bộ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đã kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong công tác tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn.

Kết quả, 5 tháng đầu năm 2021 giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt 47,44 triệu USD, chiếm 88,5% giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu, đạt 31,63% so với kế hoạch xuất khẩu năm 2021. Đến ngày 10/6/2021, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 21.148 tấn xoài, trong đó tiêu thụ trong nước 16.635 tấn, đơn vị thu mua gồm hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các thương nhân trong và ngoài tỉnh; xuất khẩu được trên 4.510 tấn; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đưa sản phẩm xoài vào chế biến 1.470 tấn. sản lượng mận ước đạt trên 68.210 tấn, đến nay đã tiêu thụ 53.500 tấn; chanh leo tiêu thụ 695 tấn; chuối tiêu thụ 19.404 tấn…

Ông Công đề nghị, thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương phải quyết tâm, nỗ lực tiêu thụ hết các loại sản phẩm nông sản của tỉnh đang vào vụ thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất tốt hơn nữa theo hướng sạch, quy trình an toàn đảm bảo chất lượng. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức thực hiện quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xác định vùng sản xuất cho xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; tập trung xây dựng vùng trồng cho các nhà máy chế biến; rà soát diện tích cây trồng trên địa bàn và định hướng thời gian tiêu thụ cho người nông dân.

Ngành Công thương, Trung tâm Xúc tiến và các đơn vị có liên quan phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công hội nghị sơ kết nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top