Từ những chính sách đúng, cách làm bài bản, sự nhận thức cao của người dân trong phát triển nông nghiệp, Sơn La đang là điểm sáng trong hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, liên kết, xuất khẩu, nâng cao giá trị.
Nâng cao giá trị
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, năm 2019, Sơn La có 71.152ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả đạt gần 280.000 tấn, giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 1.428,547 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm 58,03% tổng giá trị sản xuất cây lâu năm. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; Na Hoàng hậu ghép 1 tỷ đồng/ha….
Sơn La hiện có 288 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX trồng cây ăn quả với diện tích 6.608,4ha, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Duy trì và phát triển 73 chuỗi cung ứng quả an toàn với tổng diện tích sản xuất 1.457,7ha, sản lượng 11.194 tấn/năm; có 75 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP với 1.168,48 ha.
Tỉnh được cấp 119 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trong đó, có 68 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.290,43 ha, sản lượng 47.390 tấn; 51 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ... với diện tích 344,16 ha.
Những năm qua, Sơn La đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, hàng loạt sự kiện quảng bá nông sản được tổ chức tại các siêu thị lớn của Hà Nội như: Big C Thăng Long, Lotte Mart, Hapro Mart… Hiện, có 67 chuỗi cung cấp hoa quả của Sơn La kết nối với các chợ đầu mối tại Hà Nội.
Dự kiến năm 2020, diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt khoảng 100.000ha, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến quả đạt trên 100.000 tấn quả tươi/năm; sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu trên 30.000 tấn/năm.
Xuất khẩu trái cây đạt gần 20 triệu USD
Cùng với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, Sơn La đã chủ động mời các doanh nghiệp chung tay cùng các HTX, đơn vị thu gom xây dựng kế hoạch phối hợp, ký biên bản hợp tác, hợp đồng kinh tế cùng triển khai thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu gom, chế biến, xuất khẩu.
Nông dân huyện Yên Châu dán tem cho xoài xuất khẩu.
Cùng với các HTX, các doanh nghiệp đóng vai trò “chất xúc tác” quan trọng giúp Sơn La bắt nhịp xu hướng sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn thế giới. Năm 2019, Sơn La xuất khẩu 20.795,5 tấn quả các loại, trong đó, xoài 6.091 tấn, nhãn 7.400 tấn, chanh leo 2.000 tấn, chuối 4.377 tấn, mận Hậu 918 tấn, thanh long 10 tấn vào các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Australia, các nước EU, Campuchia. Giá trị xuất khẩu đạt 17,94 triệu USD.
Giờ đây, nhiều loại trái cây của Sơn La đã có thương hiệu, có mặt tại nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc và nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Từ đó, giúp Sơn La nâng cao được giá trị cây ăn quả.
Theo anh Trung Đức, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ, những năm trước, mận Hậu bán tại vườn chỉ dao động 10.000 - 20.000 đồng/kg. Năm 2019, giá tăng lên 30.000 đồng/kg; dịp đầu và cuối vụ, giá bán lẻ ở Hà Nội và các trung tâm thương mại lên tới hơn 100.000 đồng/kg. Từ trồng mận, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ.
Còn theo bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, việc Hoa Kỳ - thị trường khó tính vào loại bậc nhất thế giới - chấp nhận nhập khẩu trái cây của Sơn La là tin vui cho cả nông dân và doanh nghiệp, tạo thế chủ động trong quá trình đàm phán ở các thị trường khác. Năm 2019, nhờ việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại mà giá xoài của Sơn La đã tăng lên gấp đôi so với năm ngoái.
Không phát triển cây ăn quả bằng mọi giá
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, việc đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trong tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, coi thị trường xuất khẩu là khâu đột phá.
Giờ đây, trái cây không chỉ thơm, ngon, an toàn, bổ dưỡng, mà phải đáp ứng được quy chuẩn của thị trường từng nước. Để làm được điều đó, Sơn La đã đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất hữu cơ, xin cấp mã vùng trồng xuất khẩu gắn tem nhãn điện tử thông minh, xây dựng thương hiệu...
PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, Sơn La có đầy đủ tiềm năng để trở thành vùng trồng cây ăn quả bền vững lớn của cả nước. Tuy nhiên, để làm được việc này, Sơn La cần thực hiện tốt đề án phát triển cây ăn quả đã được thông qua, xây dựng các vùng sản xuất tập trung cho một số cây ăn quả chủ lực để tránh sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ.
Đặc biệt, đề án phát triển cây ăn quả này rất cần sự vào cuộc định hướng của các bộ, ngành Trung ương, đặt trong bức tranh tổng thể về phát triển sản xuất cây ăn quả của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, sau câu chuyện xuất khẩu quả tươi, Sơn La cũng cần nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ các nhà máy chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm như trái cây sấy dẻo, nước ép…, tạo đầu ra bền vững cho vùng nông sản.
Theo ông Bùi Văn Thạch, Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng, vấn đề lớn nhất hiện nay và những giai đoạn tiếp theo là vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục được giữ vững để liên tục cập nhật tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đi sâu vào chế biến, gia tăng giá trị trên mỗi diện tích đất trồng. Trong quá trình đó, lợi ích của người dân và cộng đồng cần tiếp tục được đặt lên hàng đầu như yếu tố cốt lõi của sự phát triển bền vững.
Trả lời báo chí trước đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, xác định không phát triển cây ăn quả bằng mọi giá, mà phải xây dựng được vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường và coi đây là “gốc” trong chuỗi giá trị nông sản.
Để làm được việc này, chúng tôi rất mong các bộ, ngành Trung ương sớm giúp tỉnh định hướng, quy hoạch phát triển cây ăn quả; Hỗ trợ mở rộng mã vùng trồng xuất khẩu, phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn; Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.