Trồng sa nhân tím dưới tán rừng; làm giàu từ vườn thanh long ruột đỏ; cần thương hiệu để chanh ruột đỏ phát triển bền vững trên vườn đồi, là tin kinh tế vườn đồi tuần qua ở các địa phương.
Nếu trước đây, người dân trên địa bàn huyện Sốp Cộp (Sơn La), chỉ biết có cây sa nhân đỏ, thì bây giờ họ vừa biết thêm cây sa nhân tím - loại cây hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, mức đầu tư ít.
Cách đây 2 năm, những cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sốp Cộp đã đưa loại cây này về trồng thử nghiệm ở xã Nậm Lạnh, hiện, đang vào mùa thu hoạch cây sa nhân tím, mang lại tín hiệu vui cho người nông dân.
Người dân bản Mới, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) chăm sóc vườn sa nhân tím.
Sa nhân tím là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao 1,5 - 2,5m; ưa ẩm ướt, thường mọc thành đám ở ven rừng, dọc các khe suối; cây có khả năng đẻ nhánh khỏe từ thân rễ; cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 7 và tháng 10. Cây sa nhân tím thường được dùng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm hoặc làm gia vị.
Theo chân anh Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh đến vùng trồng thử nghiệm cây sa nhân tím tại bản Mới, anh Định cho biết: Tháng 8/2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sốp Cộp đã đưa cây giống lên trồng thử nghiệm ở đây, huyện đã đầu 100 triệu từ nguồn vốn Chương trình 135, hỗ trợ 15 hộ trồng 10ha cây giống.
Theo cán bộ kỹ thuật, sau 3 năm, cây sẽ cho quả, nhưng ở đây mới 2 năm, người dân đã được thu hoạch. Biết tin, một số người dân trong vùng và các xã Mường Lạn, Mường Và đã mua giống về trồng thử, thấy phát triển rất tốt. Diện tích thử nghiệm được trồng tập trung, liền khoảnh dưới tán rừng, vừa bảo vệ được rừng, vừa hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế.
Đã có người từ địa phương khác vào tìm nguồn để mua, giá dao động từ 500-700 nghìn đồng/kg quả khô; quả tươi cũng bán được từ 50-60 nghìn đồng/kg.
Anh Lò Văn Loan, Trưởng bản Mới, thông tin: Gia đình có 1 ha đất rừng, được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống, tôi trồng kín sa nhân tím. Rừng chỉ cách nhà khoảng 1km nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sốp Cộp, cho biết: Nguồn giống sa nhân tím được lấy từ Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Hà Nội) về trồng thử nghiệm ở xã Nậm Lạnh. Loại cây này rất dễ trồng dưới tán rừng, cũng có thể trồng xen diện tích cây ăn quả.
Qua nghiên cứu, đơn vị thấy thổ nhưỡng của xã rất phù hợp, vì đây là giống mới nên mới đưa vào trồng thử, ở địa phương khác, sau 3 năm, sa nhân tím mới cho quả, nhưng ở đây chỉ sau hai năm đã có sản phẩm.
Qua thực tế, năm đầu ra bói, 10 ha chỉ thu hoạch khoảng 500 kg quả tươi, từ năm sau sẽ cho thu hoạch khoảng 350-400 kg quả khô/ha, tùy thuộc vào sự chăm sóc của người dân.
Đối với việc cây mọc dày, do đang trồng khảo nghiệm nên chưa trồng theo chuẩn kỹ thuật, sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, đơn vị sẽ hướng dẫn bà con tỉa cây.
Đối với địa bàn xã khác, đơn vị cũng đã nghiên cứu thấy đều phù hợp, dự kiến sẽ thí điểm mỗi xã khoảng 10ha để làm mẫu, sau đó bà con sẽ tự nhân rộng, đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật. Đây là loại cây mới nên cần có thời gian để đánh giá thị trường.
Căn cứ thực tế, có thể khẳng định cây sa nhân tím hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Sốp Cộp. Để loại cây này trở thành cây cây thoát nghèo, có giá trị kinh tế cao, Sốp Cộp cần lập vùng quy hoạch, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm... để vừa bảo vệ được rừng, vừa tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Thới Lai: Làm giàu từ vườn thanh long ruột đỏ
Ông Phan Văn Chính ở ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai (Cần Thơ), “có tiếng” trong ấp bởi tính cần cù, ham học hỏi và tiên phong ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, ông đã gặt hái thành công từ những vườn thanh long ruột đỏ, với thu nhập từ 100 -150 triệu đồng/tháng.
Vườn thanh long của ông Chính (bìa phải) có trái quanh năm, thu nhập ổn định
Năm 2013, ông Chính đến huyện Phong Điền để tìm hiểu về mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Sau đó, ông quyết định mua giống về trồng thử 4 công. Qua 8 tháng chăm sóc, vườn thanh long bắt đầu cho trái chiếng. Vụ trái đầu tiên ông Chính bán được khoảng 100kg, giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg và về sau thì cứ cách 1 tháng là thu hoạch 1 lần.
Ông Chính chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ là loại cây thuộc họ xương rồng nên ưa nắng, thích sáng, rễ cạn, đất trồng phải xốp, thông thoáng, không bị ngập. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán”.
Thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, năm 2017, ông Chính mạnh dạn đầu tư trồng thêm 26 công thanh long ruột đỏ, nâng tổng số diện tích trồng lên 3ha. Hiện tại, vườn thanh long của ông Chính đã cho trái đồng loạt, thu hoạch từ 3 -5 tấn trái/tháng.
Ông Chính phấn khởi, nói: “Trong tháng 8-2018, gia đình tôi thu hoạch được 3 tấn trái thanh long, bán với giá 38.000 đồng/kg. Hiện tại, tôi có hợp đồng với các vựa thu mua thanh long tại Vĩnh Long nên không lo đầu ra cho sản phẩm”.
Theo ông Chính, thanh long ruột đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc bởi phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng muốn cho cây trồng này có năng suất, chất lượng cao, người trồng phải nắm vững các quy trình chăm sóc từ bón phân, tưới nước và cách phòng trừ sâu bệnh...
Bên cạnh đó, để cho thanh long ra trái nghịch vụ, bán được giá cao, ông Chính đầu tư lưới điện 3 pha để thắp sáng cho vườn thanh long. Ông Chính cho biết: “Để lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trên 3ha thanh long, phải tốn chi phí khoảng 500 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại mình chủ động xử lý cho thanh long ra hoa nghịch vụ, bán giá cao gấp 2- 3 lần so với mùa thuận”.
Việc xử lý cho thanh long ra hoa nghịch vụ đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao. Nhờ chịu khó học hỏi, kinh nghiệm trồng trọt nên vườn thanh long của ông Chính có trái quanh năm. Tùy vào thời điểm, ông Chính thu nhập từ 100 -150 triệu đồng/tháng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông còn giải quyết việc làm cho 15 lao động ở địa phương, với thu nhập 20.000- 25.000 đồng/giờ/người.
Ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân B, cho biết: “Trên địa bàn xã đã thành lập được Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ ấp Trường Khương A và Trường Khương B với diện tích 25ha, có 33 thành viên tham gia. Để giúp hội viên phát triển vườn thanh long ruột đỏ, sắp tới, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long; đồng thời, xây dựng thương hiệu để thu hút các công ty, doanh nghiệp hợp đồng, bao tiêu sản phẩm cho nông dân...”.
Lập Thạch: Cần xây dựng thương hiệu cho chanh tứ quý
Mặc dù giá cả còn bấp bênh, song những năm gần đây, người trồng chanh tứ quý ở Lập Thạch vẫn có thu nhập khá. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai trồng thử nghiệm, đến nay, việc nhân rộng giống chanh này gặp nhiều khó khăn.
Ông Năm thu hoạch từ vườn chanh 4 – 7 triệu đồng/tháng
Theo tìm hiểu, hiện giá chanh tại vườn khoảng 10 nghìn đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay, giảm 25 nghìn đồng/kg so với mức đỉnh điểm dịp sau Tết. Dù vậy, đây cũng không phải là năm đầu tiên giá chanh xuống thấp. Cụ thể, trong tháng 7 - 8/2017, giá chanh xuống mức 7 nghìn đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Năm, một trong những hộ trồng chanh tứ quý thị trấn Hoa Sơn chia sẻ: Thông thường, từ tháng 4 - 8 âm lịch, giá chanh giảm nhiều. Nếu trồng chanh giống cũ, một năm chỉ thu một vụ hè, thì thua lỗ là khó tránh khỏi, còn ở Lập Thạch, hầu hết các hộ trồng chanh tứ quý, quả ra đều quanh năm.
Thời điểm từ tháng 1 -3 âm lịch, giá chanh khoảng 30 -35 nghìn đồng/kg, bán tại chợ còn có thể lên tới 40 nghìn đồng/kg. Nếu trồng, chăm sóc tốt, cây chanh vẫn là cây cho thu nhập khá. Được biết, với 300 gốc chanh, tháng thấp nhất,gia đình ông Năm cũng thu được 4 triệu đồng, tháng cao điểm 6 -7 triệu đồng, vượt xa thu nhập từ trồng bạch đàn trên cùng diện tích trước đó.
Mô hình trồng chanh tứ quý được huyện Lập Thạch triển khai trồng thử nghiệm từ tháng 6/2015, tại vùng đất vườn đồi của 3 xã, thị trấn: Liễn Sơn (1ha), Hoa Sơn (1,5ha) và Ngọc Mỹ (2,5ha). Các hộ trồng thử nghiệm được hỗ trợ 100% cây giống, 30% phân bón; được hướng dẫn cách bón phân, biện pháp chăm sóc để chanh tứ quý sinh trưởng tốt.
Chỉ sau 1 năm đưa vào trồng, chanh đã cho thu hoạch. Không chỉ ra quả quanh năm, cây chanh tứ quý còn được đánh giá là loại cây dễ thích ứng, khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Lập Thạch. Thêm vào đó là nhu cầu tiêu dùng chanh quả ngày càng tăng.
Có tiềm năng, hiệu quả kinh tế là thế, song sau 3 năm triển khai, việc nhân rộng mô hình trồng chanh tứ quý trên địa bàn huyện Lập Thạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài diện tích được hỗ trợ từ năm 2015, đến nay, diện tích chanh tứ quý trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu tăng.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lập Thạch cho biết: Một trong những trở ngại lớn trong việc nhân rộng giống chanh tứ quý trên đất đồi Lập Thạch là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Hiện, chanh tứ quý Lập Thạch vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Giá chanh còn khá bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, thời điểm cao có thể lên đến 35 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, cũng có thể xuống thấp dưới 10 nghìn đồng/kg. Dù chanh tứ quý ra quả quanh năm, song không tránh khỏi người dân còn e ngại, lo sợ. Đặc biệt là khi diện tích trồng chanh được mở rộng, sản lượng chanh làm ra ngày càng nhiều, thì việc tiêu thụ cũng là cả một vấn đề lớn.
Theo anh Hoàng Văn Quang, cán bộ nông nghiệp thị trấn Hoa Sơn: Mặc dù là cây trồng có hiệu quả, song diện tích đất đồi có thể gieo trồng được hiện nay còn ít, gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô trồng chanh. Thêm vào đó, người dân trong thị trấn vẫn còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Dự kiến, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chanh tứ quý Lập Thạch, phối hợp với một số đơn vị thực hiện bao tiêu sản phẩm chanh quả cho bà con nông dân, tạo điều kiện mở rộng quy mô, đưa cây chanh tứ quý Lập Thạch phát triển bền vững.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.