Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 1 năm 2022 | 23:18

Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến sâu

Hiện, Sơn La có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Những năm qua, tỉnh đã và đang chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến sâu, từ đó nâng cao giá trị nông sản.

Chính quyền chủ động vào cuộc

Thời gian qua, Sơn La đã tập trung chỉ đạo các địa phương trong chủ động xây dựng và triển khai thực định hướng của tỉnh về phát triển ngành chế biến rau quả hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng công nghệ tiên tiến gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa xuất khẩu rau quả của tỉnh ra thị trường các nước trên thế giới.

Điển hình như Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao được xây dựng với quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm, đây là trung tâm chế biến rau quả khép kín bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu đến chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, Sơn La chủ động xây dựng vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến sâu.

 

Ngay sau khi khởi công Trung tâm chế biến rau quả doveco Sơn La, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Sơn đã tích cực vào cuộc bằng những việc làm cụ thể. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định thành lập tổ phát triển vùng nguyên liệu cho trung tâm chế biến rau quả Doveco tại Sơn La, do Chủ tịch Ủy ban huyện làm tổ Trưởng và có trưởng các ban ngành đoàn thể của huyện tham gia thành viên. Huyện ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các phòng ban, cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp với các xã, thị trấn mở các hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký và ký hợp đồng trồng các loại cây phục vụ cho vùng nguyên liệu của nhà máy.

Ông Hà Văn Thong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung tâm sự, nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2022, được sự chỉ đạo của UBND huyện  Mai Sơn, xã đã rà soát các diện tích phù hợp để trồng đậu tương, ngô ngọt và rau chân vịt. Sau khi rà soát xong sẽ báo cáo về đơn vị cũng như công ty trước khi đưa giống đến trồng.

Hình thành vùng nguyên liệu lớn

Bản Tà Đứng, xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn), có 60 hộ dân tộc Mông cùng chung sống. Cả bản có gần 80 ha đất nông nghiệp, trước năm 2015, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng ngô, giá cả bấp bênh nên đời sống gặp nhiều khó khăn, trên 50% số hộ trong bản thuộc diện hộ nghèo. Ông Hờ A Dia, Trưởng bản chia sẻ, từ năm 2017 đến nay thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với tuyên truyền vận động Ban quản lý bản đã tổ chức cho bà con đi thăm quan, học hỏi tại các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, đồng thời tìm hiểu và lựa chọn các giống cây trồng phù hợp để đưa vào trồng thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả.

Thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, xã Chiềng Sung đã xây dựng một số mô hình điểm và thành lập các hợp tác xã để phối hợp với Trung tâm triển khai một số loại cây trồng mà Trung tâm đang bao tiêu sản phẩm đầu ra gồm: chanh leo, ngô ngọt, đậu tương rau và rau chân vịt, là những loại cây trồng phù hợp điều kiện canh tác cũng như thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương.  

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017, Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) có 10 thành viên, với trên 40 ha đất sản xuất. HTX đã ký hợp đồng trồng chanh leo và ngô ngọt cho nhà máy, đồng thời làm đầu mối để thu gom các sản phẩm nông sản cho bà con trên địa bàn. Bà Đặng Thị Hằng, thành viên Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa cho biết, trước đây bà con chủ yếu là trồng cây ngô thương phẩm, nhưng giá thấp so với các loại cây trồng khác nên là đời sống khá khó khăn. Từ năm 2017, có chanh leo và cây ngô ngọt được đưa vào trồng cho năng suất cao, giá và đầu ra ổn định, thu nhập cao. Bà con và hợp tác xã đã ký và trồng chanh leo, ngô ngọt và cây đậu tương, rau với các công ty, do vậy thu nhập mấy năm vừa rồi tăng lên nhiều.

Theo kế hoạch, diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu của Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La với huyện Mai Sơn năm 2021 là 3.620 ha, sản lượng đạt trên 56.700 tấn. Đến năm 2022, diện tích cây trồng phục vụ cho nhà máy sẽ tăng lên 3.700 ha, với sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn. Để chuẩn bị cho vụ gieo trồng năm 2022, các phòng ban chuyên môn của huyện Mai Sơn đã phối hợp với chặt chẽ với công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao tiến hành rà soát địa bàn; mở các hội nghị tuyên truyền vận động người dân đăng ký ký hợp đồng với công ty để triển khai trồng vùng nguyên liệu cho nhà máy trên địa bàn.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top