Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019 | 14:12

ST 25 mở ra cơ hội vàng cho ngành lúa gạo Việt

Gạo ST25, có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua.

Đây là giống gạo do nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển và vừa được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.

 

tr7a.jpg

Với danh hiệu này, gạo ST 25 đã nhanh chóng tạo “cơn sốt” khi được nhiều người lùng mua, thưởng thức. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, ST 25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới có ý nghĩa rất lớn với công tác lai tạo giống, mở ra cơ hội cho ngành lúa gạo của nước ta.

Nâng tầm hạt gạo Việt

Để tạo ra được giống lúa thơm mới như ST 25, các nhà khoa học phải thực hiện phép lai giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gen, sau cùng sẽ sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST 25, ngoài thơm ngon hơn, còn có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, việc ST 25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới có ý nghĩa rất lớn với công tác lai tạo giống, mở ra cơ hội cho ngành lúa gạo của nước ta.

Chia sẻ về quá trình tạo ra giống gạo ngon nhất thế giới - ST25, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho rằng, tạo ra giống gạo này là một sự tình cờ nhưng xuất phát điểm lại là trăn trở từ ước muốn của ông là có thể tạo ra được hạt gạo ngon cho bà con cũng như nâng tầm hạt gạo Việt trên trường quốc tế. Nhất là khi mà thực trạng về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân… đã kéo giá trị hạt gạo của Việt Nam xuống thấp và tệ hơn là không thể xây dựng được thương hiệu, dù chúng ta luôn đứng top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới.

Tạo thương hiệu đã khó, giữ thương hiệu còn khó hơn

Giống ST25 ra đời mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt. Hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo và đặc biệt, có mùi của dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng 2-3 vụ, trong khi gạo thơm Thái chỉ trồng được 1 vụ vì là lúa mùa dài ngày.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học bận tâm nhất hiện nay là uy tín hạt gạo này đang bị không ít các đầu mối kinh doanh lợi dụng. Nếu như “phiên bản” trước là ST24 đang được bán rộng rãi thì loại gạo ngon nhất thế giới 2019 chỉ mới đang ở giai đoạn thăm dò thị trường.

 

tr7.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen cho nhóm lai tạo giống lúa. Ảnh: Trung Hiếu – TTXVN

 

“Ở TP. Hồ Chí Minh chúng tôi có 20 điểm bán, những người tìm mua gạo có thể được vận chuyển hàng tận nhà. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa dám mở thêm đại lý. Bởi vì nơi sản xuất hiện đang quá tải. Lượng gạo hiện bán ra tăng đột biến, phần lớn nguyên nhân vì khách hàng có tâm lý tò mò, muốn ăn thử giống gạo này. Quan trọng nhất là độc quyền lúa giống, còn gạo thì doanh nghiệp nào cũng có thể bán được”, ông Cua chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Cua phát hiện nhiều doanh nghiệp mượn hình ảnh của ông và hạt gạo ST25 để bán sản phẩm của mình. Cụ thể, có doanh nghiệp bán gạo sử dụng logo Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines), in luôn bên cạnh tấm ảnh các cộng sự của ông Cua chụp ảnh nhận giải ngoài bao bì… Chưa kể, hạt giống lúa ST25 - niềm tự hào của ông và cộng sự - cũng bị làm giả, làm nhái.

“Tôi khẳng định, đến hiện tại, chúng tôi chưa từng bán ra 1kg lúa giống hay gạo rời  (gạo xá) nào. Đáng buồn khi gạo đoạt giải, được ghi nhận, mọi người xúm vào làm giả…”, ông Cua bức xúc.

Ông Cua cho hay, bao bì của ST25 hiện vẫn chưa hoàn thiện, cơ sở sản xuất của ông phải dùng đến bao bì của ST24 và dán chồng thay thế tên. Dường như đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường liên tục có nhiều đơn vị giả danh gạo ST25 để bán với giá cao.Tình trạng này một phần do quản lý nhà nước không nghiêm, khiến cho hạt gạo Việt liên tục rơi vào thế bất lợi. Việc này mở cửa cho tình trạng làm giả gạo tràn lan trên thị trường và ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh thương hiệu gạo Việt.

Điều ông lo nhất là người tiêu dùng muốn thưởng thức loại gạo này nhưng không mua được đúng giống gạo mà ông và các cộng sự dày công tạo ra sẽ mất niềm tin vào sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng xử lý không nghiêm chuyện gạo lậu, gạo nhái, hạt gạo Việt sẽ không thể có chỗ đứng trên trường quốc tế.

Còn nhiều việc phải làm

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo năm 2019” mới đây ở TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu thẳng những khó khăn chồng chất của thị trường xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam. Nếu không sớm tìm cách đổi mới, nâng chất lượng sản xuất, tình hình XK sẽ ngày càng ảm đạm.

Từ trước đến nay, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ đã khuyến cáo nông dân sử dụng giống chất lượng cao như OM 4218, OM 5451, Jasmine 85… Giống được sử dụng có nguồn gốc từ các viện, trường hoặc từ cơ sở sản xuất giống có đăng ký sản xuất kinh doanh giống. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến nay, tỉ lệ sử dụng giống chất lượng cao ở địa phương này chiếm trên 80% diện tích.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2015, cơ cấu chủng loại XK gạo của nước ta lần lượt gồm: gạo trắng cấp thấp và trung bình (chiếm 30,8%), gạo trắng phẩm cấp cao (27,8%), gạo thơm (22,7%), gạo nếp (7,1%), sản phẩm khác (11,6%). Sang năm 2019, đã có sự thay đổi, trong đó gạo trắng phẩm cấp cao (chiếm 40%), gạo thơm, đặc sản, japonica (30%), sản phẩm khác (30%).

“Trước đây, gạo chất lượng thấp (IR) chiếm thị trường lớn, đa phần xuất sang Trung Quốc. Nhưng cuối năm 2018 và đầu năm nay, khi thị trường Trung Quốc gần như “đóng băng” thì XK gạo giống OM (phẩm cấp cao) sang thị trường khác vượt trội hơn IR, đã có sự dịch chuyển cơ cấu chủng loại XK” - ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng của Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), nói.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng, trong chiến lược phát triển lúa gạo mà Chính phủ đề ra, gần đây có chuyển biến tích cực. Nếu như vào năm 2015, lúa thơm đặc sản chiếm diện tích rất ít trong tổng diện tích sản xuất lúa toàn vùng ĐBSCL thì hiện nay đã chiếm 30%.

Được biết, hiện hồ sơ về giống lúa ST 25 đã được gửi ra Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự mong muốn giống lúa này sớm được công nhận để có thể cung ứng cho bà con sản xuất trên quy mô rộng hơn.

Sau khi được công nhận giống, bên cạnh việc nhân rộng diện tích, xây dựng những vùng trồng chuyên canh, thì các địa phương và người nông dân cũng nên bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật để giữ chất lượng của loại gạo này. Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo nên tính đến việc đầu tư cho sự phát triển của các vùng trồng lúa ST25 để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, tạo điều kiện xuất khẩu gạo ngon với giá cao.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top