Bộ Công Thương hy vọng với 10 điểm thay đổi căn bản tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109 tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho hay, Dự thảo sẽ không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Mặt khác, Dự thảo cũng không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay xát, chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc.
Bên cạnh đó, không hạn chế địa bàn đầu tư, chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng và giá trị cao.
Hơn nữa, Dự thảo quy định mặt hàng hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh.
Theo đó, thương nhân sẽ tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm…
Đáng lưu ý, Dự thảo cũng điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Đặc biệt, bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu.
Dự thảo cũng nêu rõ việc điều chỉnh bổ sung quy định cụ thể về chế độ báo cáo của thương nhân, các bộ, ngành và cơ quan hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ việc điều hành xuất khẩu.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo đã mang lại nhiều kết quả tích cực như định hướng thương nhân đầu tư lâu dài và năng lực kho chứa, xay xát thóc được cải thiện rõ rệt.
Cùng đó, Bộ Công Thương đã ký 8 thỏa thuận về thương mại gạo với các nước với tổng lượng gạo theo các thỏa thuận đạt 5,57-5,62% triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Nghị định 109 vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn. Đơn cử như bắt buộc có kho chứa, cơ sở xay xát… đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, những bất cập trong việc dự trữ lưu thông, hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành cũng gây cản trở trong việc xuất khẩu gạo/.