Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 2 năm 2020 | 13:46

SX và XK nông sản nhìn qua Covid-19: Nông nghiệp chuyển hướng

Một số mặt hàng nông - lâm - thủy sản đang đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) gây ra do thị trường lớn nhất - Trung Quốc hạn chế giao thương thông thường.

Tuy vậy, sức ép tìm kiếm khả năng ứng phó với Covid-19 có thể giúp ngành nông nghiệp hóa giải những hạn chế còn tồn tại bấy lâu.

Để ứng phó, ngành Nông nghiệp đang tính giải pháp chuyển hướng xuất khẩu qua những thị trường mới cũng như đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.

 

tr6.jpg
HTX rau Chúc Sơn ở thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn, TP. Hà Nội chuẩn bị rau sạch cung ứng cho thị trường. Ảnh: Vũ Sinh.

 

Nông nghiệp khỏe “miễn nhiễm” với Covid-19

Lâm Đồng là địa phương đi đầu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, vì vậy, sản lượng nông sản đòi hỏi thị trường tiêu thụ rộng lớn. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến nhiều người đặt câu hỏi, nông sản của Lâm Đồng liệu có bị ảnh hưởng bởi loại dịch bệnh này?

Từ thực tế sản xuất cũng như đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nông sản Lâm Đồng dường như đang “miễn dịch” rất tốt, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nông sản trong tỉnh. Thậm chí, một số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trong tỉnh còn nhìn ra cả cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng cạnh tranh cho một số mặt hàng trong khó khăn.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 720 triệu USD với thị trường 40 nước trên thế giới. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông sản như rau (đạt 42 triệu USD), chè (31 triệu USD), hoa lá cắt cành (16 triệu USD), cà phê nhân (208 triệu USD).

Các nhóm mặt hàng nông sản nói trên có thị phần xuất sang Trung Quốc là rất nhỏ bé, chiếm kim ngạch xuất khẩu không đáng kể, chủ yếu xuất đi các nước Đông Bắc Á, châu Âu. Mặt hàng hoa, tại Lâm Đồng, Công ty Hasfarm là lớn nhất, tuy nhiên, họ cũng có một chi nhánh sản xuất tại Thượng Hải. Vì vậy, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của địa phương.

“Riêng mặt hàng sầu riêng tại các huyện phía Nam vốn xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng hiện tại sầu riêng chưa đến mùa nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát để đánh giá mức độ ảnh hưởng cụ thể của dịch bệnh Covid-19 gây ra”, ông Hiệp cho hay.

Cơ hội nhìn nhận lại thị trường

Theo ông Hiệp, trong những thời điểm được dự báo là khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông sản như hiện nay thì cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp, người dân và cả ngành chức năng đánh giá lại thị trường cũng như thay đổi thói quen, tư duy sản xuất, xuất khẩu.

Đó là cơ hội tranh thủ thúc đẩy sản xuất, mở rộng và khai thác các thị trường có tiềm năng vốn trước đây còn bỏ ngỏ. Những doanh nghiệp tại Lâm Đồng buộc phải có sự điều chỉnh, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân tỉnh Lâm Đồng rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. Tuy nhiên, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng qua Trung Quốc chưa được thực hiện bằng đường chính ngạch nên hầu hết  thương lái và thậm chí cả doanh nghiệp thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch.

Nhưng bắt đầu từ năm 2019, Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng qua đường tiểu ngạch nên nhiều container sầu riêng của doanh nghiệp Việt Nam bị ứ đọng tại cửa khẩu Lào Cai. Do đó, đây cũng là “phép thử” cho nông sản Lâm Đồng, đến lúc phải thúc đẩy đi đường chính ngạch.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ rõ, mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, dưa hấu, mít, chuối sẽ gặp khó khăn khi mà thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Covid-19. Xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam rơi vào tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa, do mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, nên xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Một mặt hàng chủ lực khác là thủy sản, tuy được xác định là có triển vọng, nhưng trong quý I này, việc tạm ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến cho thời điểm giao hàng chưa thể xác định được.

Điều đáng nói, tình trạng hạn chế giao thông không chỉ cản trở hoạt động giao thương thông thường mà còn ảnh hưởng đến quá trình đàm phán mở rộng xuất khẩu giữa hai quốc gia. Theo kế hoạch, tháng 3 tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự định làm việc với các đoàn công tác phía Trung Quốc nhằm hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu bột cá, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, vào thời điểm này, kế hoạch đó khó triển khai.

Tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường

Trước những tác động từ dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sớm đưa ra gói giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường ngay từ đầu năm 2020. Trong thời điểm này và tháng 3 tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức các đoàn đi khai thác các địa bàn trọng điểm, tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ, Brazin, Mỹ… kết hợp tìm kiếm thị trường ngách cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Trong trường hợp dịch kéo dài nhiều tháng, sẽ kết nối để đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đi đôi với khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Trên thực tế, những ngày qua, người tiêu dùng trong nước đã rất có ý thức khi chủ động tham gia vào quá trình “giải cứu” nông sản. Điều đó cho thấy, trước dịch bệnh, ý thức của người tiêu dùng đồng hành với nông dân không chỉ giảm áp lực mất cân đối cung - cầu mà còn cho thấy sức mạnh của thị trường trong nước. Nhưng xét về dài hạn, không thể mãi trông chờ vào giải cứu mà cần đến sự nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương...

Bởi thực tế, những điểm yếu cố hữu của nông nghiệp từ trước đến nay là ngay cả khi không có những dịch bệnh lớn như hiện nay thì câu chuyện về thị trường, như vấn đề quá phụ thuộc vào một thị trường lớn, hay các hiện tượng cụ thể như “được mùa rớt giá” và loay hoay với các phương án “giải cứu” vẫn thường xảy ra mỗi năm. Điều đó cho thấy, dịch Covid-19 hay bất kỳ dịch bệnh nào khác nếu có xảy ra chỉ càng làm rõ hơn những bất cập này, đồng thời đặt ra một cách cấp thiết hơn cho việc cần quan tâm xác định và giải quyết những vấn đề then chốt với tầm nhìn chiến lược hơn.

Điều đó hàm nghĩa cần nhanh chóng hơn trong xây dựng các chính sách, giải pháp trung - dài hạn, bởi chúng ta không thể mãi ứng phó theo kiểu “giải cứu” mà cần hướng đến bền vững hơn. Trong đó, xây dựng và triển khai chiến lược đa dạng hóa thị trường cần được xem là cấp bách; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Dịch Covid-19 đang và có thể còn gây ra những khó khăn, gián đoạn và thiệt hại tạm thời nhưng nhất định nó không thể cản bước hay làm nản lòng ý chí và quyết tâm hành động để tiến lên phía trước của người dân Việt. Vì vậy, hãy chỉ coi dịch bệnh hiện tại là một “phép thử”, để từ đó Nhà nước, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung sức, chung lòng, đoàn kết vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Tái cơ cấu với tầm nhìn “dài hơi”

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), dịch Covid-19 đang đem đến cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn ra thế giới do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên giành lấy các đơn đặt hàng này.

Khi lấy được các đơn đặt hàng thì đó cũng là lúc chứng tỏ hàng hóa Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Ngân cho rằng, dịch virus corona là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh cơ cấu lại kinh tế với những tầm nhìn dài hạn hơn.

Theo ông Ngân, đã đến lúc cần đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Điển hình như việc tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc.

Đồng quan điểm, tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, qua đó lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng và chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất. Việt Nam có thể tự xây thêm các nhà máy nguyên phụ liệu, hoặc tìm thêm các nguồn cung cấp khác từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… để đề phòng bất trắc.

Ông Hiển nhấn mạnh, qua việc tắc biên nông sản thấy được nguyên nhân không chỉ vì virus corona mà còn vì nhiều điểm yếu của ngành nông nghiệp. Theo đó, hàng nông sản cần đi theo hướng sản xuất, cung ứng chính ngạch, sản xuất đại trà đi kèm chế biến sâu.

Về lâu dài, cần đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển bằng các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu, sản xuất có chế biến sâu kèm theo.

TS.vĐinh Thế Hiển nhận định, nếu có gói kích thích kinh tế thì cần phải tính đến “đường dài”. Ông Hiển đánh giá gói hỗ trợ có thể là công cụ để Chính phủ định hướng việc chuyển dịch cơ cấu, nghĩa là hỗ trợ cho sản xuất tương lai nhiều hơn là bù đắp những thiệt hại trong quá khứ.

 

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top